Hãi hùng măng... “sạch”

Hàng tấn măng thối ngâm cả năm, sau khi được tẩm hóa chất đã trở nên tươi ngon rồi chuyển thẳng ra chợ đầu mối ở TP HCM

Đó là những gì diễn ra mỗi ngày tại cơ sở chế biến măng bẩn nằm trên một con đường bên hông chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức, TP HCM) do bà Nguyễn Thị Thùy Trang (45 tuổi) làm chủ.

Ngâm với rác và ruồi

Cơ sở của bà Trang chỉ là một căn lều che bạt tạm bợ, rộng khoảng 20 m2 nằm cạnh bãi rác. Ngoài bà Trang, nơi này có từ 3-4 nhân viên thay nhau sơ chế, vận chuyển và phân phối măng bẩn khắp TP HCM.

Ngâm măng trong thùng nước có chứa hóa chất màu vàng
Ngâm măng trong thùng nước có chứa hóa chất màu vàng

Măng nguyên liệu được ngâm nước muối bảo quản trong bao ni-lông rồi đóng vào bao tải. Do để lâu ngày, nhiều bao tải bị bục, lộ ra những bao ni-lông đựng măng đã chuyển màu trắng bệch, bốc mùi hôi; thậm chí thối rữa, biến dạng hoàn toàn. Theo một nhân viên, chủ cơ sở vừa nhập về cả chục tấn măng nguyên liệu để tiêu thụ dần.

Măng ngâm hóa chất được đưa ra tiêu thụ ngoài chợ
Măng ngâm hóa chất được đưa ra tiêu thụ ngoài chợ

“Mùa mưa, người ta lấy măng rồi trữ lại với số lượng lớn, chứ mùa khô làm gì có. Trước khi nhập về, măng này cũng được ngâm nước muối tầm nửa năm rồi” - nhân viên này tiết lộ.

Măng để lâu ngày đã trở nên mềm nhũn, xuất hiện rêu mốc nên không thể trực tiếp bán cho khách hàng. Do đó, khoảng 10 giờ hằng ngày, một nhân viên sẽ cắt măng giữa nền xi măng dơ bẩn, sau đó quăng vào những thùng nước lã đã hòa hóa chất màu vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để nhuộm vàng. Các thùng phi này thường xuyên thu hút ruồi bọ và rác nổi lềnh bềnh lẫn với măng.

Kế tiếp, nhân viên rải các hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc lên măng đang ngâm để tẩy rửa mùi hôi thối, rêu mốc. Sau khi ngâm nhiều giờ, măng thành phẩm vớt ra đã hết mùi hôi và có màu vàng rộm đẹp mắt. Những phi nước vàng tiếp tục được trưng dụng để ngâm các đợt măng khác cho tới khi sệt lại, sặc mùi hôi thối mới đổ bỏ.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở này ngâm khoảng 3-4 tạ măng để tiêu thụ. Đến 23 giờ, bà Trang cùng 2 nhân viên khác vớt măng đã ngâm hóa chất ra các chậu. Sau đó, số măng này được vận chuyển bằng xe máy ra chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chợ Tam Bình (quận Thủ Đức) bán cho khách và phân phối đến các đầu mối nhỏ để tiêu thụ.

“Muốn chết no hay chết đói!”

Trong vai người mua măng, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến sạp của bà Trang tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Bà Trang cho biết giá măng vàng vào khoảng 10.000-14.000 đồng/kg. “Sao măng vàng vậy, có hóa chất gì không?” - chúng tôi hỏi. Lập tức, một nhân viên của bà Trang tỏ vẻ khó chịu: “Bây giờ, cái gì cũng có thuốc hết á! Giờ muốn chết no hay chết đói!”.

Khi chúng tôi cho biết muốn mua măng số lượng lớn để bán quán cơm, bà Trang trấn an: “Ăn cái này không sao đâu mà sợ! Nếu mình sợ độc thì luộc lại! Yên tâm về nhà luộc lên rồi đem kho là hết độc ngay!”.

Đáng chú ý, cơ sở làm măng của bà Trang đã nhiều lần bị kiểm tra, lập biên bản sai phạm nhưng đâu lại vào đấy. Đoàn kiểm tra liên ngành của quận vừa rút đi, cơ sở lại hoạt động.

Trưa 24-4, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quận Thủ Đức, cảnh sát môi trường cùng lực lượng QLTT, Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở chế biến măng nói trên. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm, lập biên bản sai phạm của cơ sở với các lỗi: không bảo đảm cho việc sơ chế măng, không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh cũng như giấy chứng nhận ATVSTP, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sơ chế măng… Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ hơn 2,6 tấn măng nguyên liệu thối. Lực lượng chức năng cũng thu giữ 5 gói bột màu vàng (khoảng 0,5 kg) không rõ nguồn gốc, nghi là chất vàng ô. Tại buổi làm việc, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở ngừng sản xuất và bán măng ra thị trường. Tuy nhiên, sáng 29-4, chúng tôi quay lại hiện trường thì cơ sở này vẫn tiếp tục sơ chế măng rồi mang bán ở chợ.

Ngoài cơ sở của bà Trang, sáng 25-4, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP quận Thủ Đức, cảnh sát môi trường tiếp tục kiểm tra cơ sở sơ chế măng trên Tỉnh lộ 43 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) do bà Hà Thị Lan làm chủ. Lực lượng chức năng phát hiện khoảng 5 tấn măng nghi tẩm hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ nên lấy mẫu, lập biên bản với nhiều sai phạm như: không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP, không bảo đảm vệ sinh, nuôi nhốt gia cầm trong cơ sở sơ chế măng... Cơ sở này từng bị yêu cầu dừng hoạt động vì nhiều sai phạm nhưng 3-4 năm nay, vẫn tiếp tục hoạt động.

Những mẫu măng từ 2 cơ sở sơ chế của bà Trang và bà Lan đã được đoàn kiểm tra ATVSTP quận Thủ Đức đưa về Phòng Y tế quận xét nghiệm để có căn cứ xử lý chủ các cơ sở này. Nguồn tin từ Phòng Y tế quận này cho biết dự kiến ngày 9-5 sẽ có kết quả.

***

Không thể xử phạt vì thiếu cơ sở pháp lý

Tại buổi đối thoại với người dân TP Đà Nẵng về tình hình ATVSTP hôm 5-5, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thừa nhận dù bắt quả tang cơ sở sử dụng chất cấm trái phép, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ có thể yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết không mua bán, sử dụng chất vàng ô để sơ chế, chế biến măng, dưa cải. Cơ quan chức năng chưa thể xử phạt vi phạm hành chính vì thiếu cơ sở pháp lý. “Tại thời điểm này, trên toàn quốc chưa có phòng kiểm nghiệm nào được Bộ NN-PTNT chỉ định kiểm tra chất vàng ô” - ông Tám nói. Q.Quý

TP HCM: 4 tháng, số vụ ngộ độc gần bằng cả năm

Tại hội nghị về công tác ATVSTP trong trường học năm 2016, hôm 5-5, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP HCM, cho biết chỉ riêng 4 tháng đầu năm đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người mắc (gần bằng cả năm 2015). Trong 5 vụ ngộ độc có tới 3 vụ là do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do đơn giá quá thấp khiến các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chọn nguyên liệu rẻ tiền, chất lượng kém. Hiện tại, suất ăn khối trường học trên 16.000 đồng/suất, trong khi một số suất ăn cho công nhân chỉ từ 10.000 - 13.000 đồng. Theo bà T., giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thịt sạch, sau thông tin heo nhiễm chất cấm, nhiều bếp ăn tập thể, xí nghiệp hỏi mua nhưng công ty không ký được hợp đồng nào. Họ muốn giá phải tương đương với nguồn hàng đang mua, trong khi thường mua heo ế từ chợ đầu mối, chủ sạp xả hàng với giá thấp hơn 15.000 đồng/kg.

Hà Nội: Công bố 69 điểm bán nông sản an toàn

Từ ngày 6 đến 12-5, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bộ NN-PTNT tổ chức tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và công bố Chương trình “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch” với quy mô gần 100 gian hàng.

Tại cuộc họp báo trước đó 1 ngày, bộ cũng công bố 69 địa chỉ bán nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, trong đó TP HCM có 11 địa chỉ, TP Hà Nội có 7 địa chỉ.

Vũng Tàu: 108 mẫu thực phẩm chứa hàn the, formol

UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác ATVSTP 4 tháng đầu năm 2016 vào chiều 5-5. Theo đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 200 cơ sở buôn bán trong chợ và cơ sở bán thức ăn đường phố, các mẫu thực phẩm sử dụng mẫu test chủ yếu là mực, bạch tuộc, tôm khô, ốc, cá… Trong số hơn 300 mẫu thử thì phát hiện 108 mẫu dương tính với hàn the hoặc formol. Đoàn kiểm tra liên ngành đã thử 49 mẫu test thức ăn trên đường phố và phát hiện 41 mẫu nhiễm formol.

Theo NLD


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao