"Hãy dũng cảm, đừng sống tủi nhục trong ngôi nhà của mình"

"Trong xã hội mà nạn nhân của quấy rối tình dục, những phụ nữ yếu đuổi, lại phải chịu kỳ thị thì sao họ đủ dũng cảm để tố cáo? Nhưng không tố cáo thì tội ác còn hoành hành".

lạm dụng tình dục
Một poster tuyên truyền về lạm dụng tình dục trẻ em của Tây Ban Nha.

Câu chuyện mẹ của cháu Cù Thị T. (SN 1999) phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, khi ấy T. mới 10 tuổi, học lớp 4, ở nhà với em trai và bố đẻ Cù Văn Thanh. Người cha bất nhân bất nghĩa Cù Văn Thanh (SN 1972, thường trú tại xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã biến con gái mình thành "búp bê tình dục", sự việc đã diễn ra suốt 6 năm, nhưng gần đây mới được phát giác đang gây râm ran dư luận. Sự đau lòng, xấu hổ tủi nhục của người trong cuộc cũng như sự khinh khi của dư luận ác ý về chuyện này, hay câu chuyện tương tự là có. Để mở rộng hơn về vấn đề lạm dụng tình dục trong gia đình, chúng tôi có gặp gỡ với chị Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) để chị chia sẻ rõ hơn.

Có vẻ như, câu chuyện cha đẻ, cha dượng hãm hiếp con gái không còn xa lạ với báo chí truyền thông nữa, người ta không còn thấy đây chỉ là 1, 2 hiện tượng cá biệt. Mà nó đã rải rác đâu đó nhiều lần (không phải là quá nhiều) không chỉ ở những vùng sâu xa, hẻo lánh mà còn ở trong những gia đình nghèo khổ, nhận thức yếu kém thế hệ... Chị có thấy như vậy không?

Nói đến những chuyện thế này, phần lớn chúng ta thấy xấu hổ và đau xót. Nhưng khi nó là sự thật, chúng ta phải nhìn vào để giải quyết thôi. Có nhiều năm làm nghề tư vấn cả qua điện thoại và trực tiếp, tôi từng biết những trường hợp người cha coi con như đối tượng tình dục. Vâng, như chị nói, không chỉ ở vùng sâu xa đâu, cả ở những nơi như ngay Hà Nội này.

Trong những hoàn cảnh tréo ngoe như thế này, tố giác chồng, cha thì người gây tội sẽ bị pháp luật trừng phạt. Thế nhưng, cô con gái (người bị hại), người mẹ gia đình ấy sẽ tiếp tục là nạn nhân của xã hội, sự dè bỉu khinh khi của dư luận. Còn không tố giác thì họ vẫn phải sống chung với tủi nhục, có khả năng vẫn bị lạm dụng tình dục. Nhiều năm làm việc và nghiên cứu về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên, chị có thể đưa ra một cái kết nào an toàn hơn không?

Con người ta khó chọn được một kết quả an toàn. Làm sao để có một cái kết an toàn ở đây, thưa chị?
Chẳng có đáp số nào hoàn hảo khi chúng ta đã bị tổn thương trầm trọng. Chỉ có phương án tốt nhất trong các phương án mà thôi. Nếu không tố cáo, thì kẻ phạm tội (dù có quan hệ chồng/cha) sẽ thấy chả có vấn đề gì mà không khống chế được mấy người đàn bà này. Và sự tủi nhục sẽ tiếp tục âm thầm diễn ra trong ngôi nhà, không chỉ chuyện lạm dụng tình dục.

Người Việt mình sống trong làng xã, nỗi sợ hãi bị coi khinh rất là lớn. Tuy nhiên, mọi ồn ào rồi sẽ lắng xuống và cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp tục. Quan tâm số một phải là chính cuộc sống của mình, của con cái chứ không phải chuyện điều tiếng bên ngoài.

Nhân vậy, tôi cũng muốn nói rằng, cần phải truyền thông đến cộng đồng, để mọi người biết hỗ trợ, cảm thông và thấu hiểu các nạn nhân thay vì trách cứ hay chê cười họ. Kẻ đáng lên án là người gây ra chuyện cơ.

lạm dụng tình dục
Chị Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên)

Theo sát các vấn đề về lạm dụng tình dục trong gia đình, chị có thấy Nhà nước cần có những chính sách gì để giúp đỡ những người phụ nữ không phải bước quá xa ra khỏi gia đình mình không?
 

Câu hỏi này khó rồi. Phụ nữ nông dân bây giờ phải ra thành phố, đi nước ngoài kiếm việc làm. Họ đâu có còn như trước không bước chân ra khỏi lũy tre làng.

Có mấy vấn đề ở đây: một là giải quyết việc làm tại chỗ ở nông thôn ở Việt Nam chưa tốt; hai là chuyện tìm kiếm cơ hội để có thu nhập cao hơn là nhu cầu thiết yếu của mọi con người.

Nhưng theo tôi đó không phải là lý do của câu chuyện này. Biết bao gia đình mẹ vắng nhà, bố chăm con rất tốt. Những người đàn ông tử tế và tự trọng sẽ chạnh lòng khi nghĩ rằng, vợ họ cứ phải canh con chung của họ khỏi những rủi ro mà họ có thể là thủ phạm. Không, phần lớn đàn ông đều tốt và yêu quý, trân trọng con gái của họ.

Những hoàn cảnh trên rất đau lòng với người phụ nữ, người mẹ trong gia đình. Ở thế "giữa ngã 3 ngã 7" như thế này, Hiệp hội Phụ Nữ sẽ làm những gì để giúp đỡ người mẹ cũng như cô con gái (10 tuổi chúng tôi đã nêu trên, bị làm dụng tình dục 6 năm cho cha mình) trở lại được với cuộc đời một cách bình thường?

Chị lại dành cho tôi câu hỏi khó rồi, vì tôi không phải Hội Phụ Nữ. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu nạn nhân kêu cứu Hội Phụ nữ thì sẽ được hỗ trợ tư vấn.

Hiện nay, Hội Phụ nữ có nơi tạm lánh cho những nạn nhân bị bạo hành gia đình, trong đó sẽ có các chương trình phục hồi tâm lý cho họ. Tôi hiểu đây là một ca khó khăn. Việc trị liệu, tư vấn, theo dõi sẽ phải kéo dài để giúp em quay trở lại cuộc sống hồn nhiên của tuổi thiếu niên.

Liệu có một con số chính xác đưa đưa ra để báo động về lạm dụng tình dục cha đẻ, cha dượng với con gái hay không, thưa chị?

Tôi không biết con số cụ thể bị lạm dụng bởi cha đẻ và cha dượng, nhưng tôi biết con số gần đây nhất được khảo sát tại 30 trường của Hà Nội, có tới 11% các em học sinh từng bị lạm dụng tình dục. Và con số này cũng trùng với con số mà chúng tôi làm nghiên cứu cách đây khoảng 7 năm tại 3 tỉnh của Việt Nam.

Con số đó cho chị thấy được điều gì đang diễn ra? Sự yếu kém ở đây là những gì trong hệ thống đạo đức - pháp luật?

Tôi nghĩ gì ư? Tôi muốn kể vài câu chuyện thì đúng hơn. Trong một lớp học gần đây, tôi nói về chủ đề quấy rối tình dục. Và các anh nam giới trong lớp dứt khoát nói là không thể sử dụng từ “quấy rối”, vì theo các anh ấy tình dục thì ai chả thích, chẳng qua phụ nữ cứ giả vờ.

Trong rất nhiều quảng cáo mà chúng ta xem hàng ngày,phụ nữ là người phục vụ và là đối tượng tình dục. Nam giới là người hưởng thụ và có quyền chủ động trong quan hệ tình dục. Trong rất nhiều câu chuyện tiếu lâm của Việt Nam, điều đó cũng nhìn thấy khá rõ. Một xã hội như vậy, thì chuyện phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục với tỷ lệ không nhỏ là chuyện có thể giải thích được.

Những người có lý trí, có hiểu biết xã hội, thì quấy rối người ngoài, còn số rất ít đàn ông thì lạm dụng cả người thân (cháu, con, em). Đơn giản vì họ nhìn thấy ở đối tượng mình quấy rối/lạm dụng là đối tượng yếu thế, mình có thể thực hiện hành vi mà không bị tố cáo, phản ứng.

Và những người tăm tối đó còn nhìn thấy ở đây đơn giản chỉ là một con cái (xin lỗi!), mà họ là con đực. Khi trong xã hội, mà còn coi cái phần bản năng tình dục của đàn ông là chấp nhận được, thậm chí khuyến khích và tôn vinh, thì còn có những câu chuyện thế này xảy ra.

Và cuộc sống những người từng bị lạm dụng ấy, họ đã sống cuộc sống hư thế nào, thưa chị?

Một trường hợp tôi biết, bị bố đẻ lạm dụng năm 13 đến 17 tuổi. Cô bé đã bỏ đi và may mắn tìm được những người đỡ đầu tốt bụng. Cô ấy nay đã ngoài 30 và đang có cuộc sống vui vẻ. Cô không quên chuyện cũ nhưng coi nó là trải nghiệm đau đớn mà mình có thể chia sẻ cách phòng tránh cho người khác. Cô ấy là một nhân vật có thật trong bộ phim tài liệu của tôi.

Còn tổn thương và mãi chẳng thoát được thì tôi cũng muốn kể một trường hợp thế này. Một cô bé bị cha đẻ lạm dụng tình dục nhiều năm. Một lần bị nhốt trên gác hai, xích tay vào cửa sổ. Cô ấy thò tay với ra ngoài nói với mấy bạn nhỏ: gọi hộ chị bác X hội trưởng phụ nữ ở đầu ngõ. Bọn trẻ ra mách với bà X. Bà cáu: trẻ con có việc cần hỏi thì ra đây chứ sao lại ngồi nhà mà gọi tao? Bà không đến, tất nhiên. Cô ngồi khóc và uất ức nhưng không dám bảo trẻ con là chị bị bố xích, chị bị bố cưỡng hiếp. Cô ấy rồi cũng trốn nhà đi, có người yêu. Cô kể với người yêu chuyện này vì không chịu nổi ám ảnh. 3 anh người yêu sau đó đều bỏ đi.

Đấy, trong một thế giới mà cái người bị nạn lại phải chịu kỳ thị thế thì sao dễ có người đi tố cáo. Nhưng không tố cáo thì tội ác còn hoành hành.

Xin cảm ơn chị Nguyễn Vân Anh đã chia sẻ!

“Khảo sát tại 30 trường của Hà Nội cho thấy, có tới 11% các em học sinh từng bị lạm dụng tình dục. Và con số này cũng trùng với con số cách đây khoảng 7 năm, tại 3 tỉnh của Việt Nam.” - Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) cho biết.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất