Hôn nhân đồng tính sẽ được bàn ở nghị trường

Các đại biểu Quốc hội khẳng định những quy định pháp luật liên quan đến người đồng tính, song tính và chuyển giới cần phải được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến trong kỳ họp sắp tới.

Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) vừa tổ chức hội thảo Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT): Quy định của pháp luật và quan điểm của cộng đồng. Đây là lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội đối có cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng LGBT.

Cần thay đổi từ Hiến pháp

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, cho biết Hiến pháp năm 1992 quy định mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, do đó không ai được phép kỳ thị, xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của những người thuộc cộng đồng LGBT. Cũng chính trong Hiến pháp quy định, nam - nữ đến tuổi thì được tự do kết hôn.


Đối với người đồng tính việc vượt qua định kiến xã hội còn khó khăn hơn những vướng mắc về pháp luật.

Tuy nhiên, việc công nhận hôn nhân đồng tính hay không vẫn còn chưa có kết quả cuối cùng nhưng quy định này vô hình chung đã loại bỏ “những người không phải nam hoặc nữ” ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Hiến pháp một số nước chỉ quy định bằng từ “mọi người” hoặc “công dân” nên mang tính khái quát hơn rất nhiều.

Có thể trong tương lai gần pháp luật vẫn không công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng Hiến pháp là đạo luật gốc nên cần phải có những quy định mang tính bền vững. Những quy định này cũng là căn cứ để ban hành những văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan trực tiếp đến người đồng tính, như Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Luật bình đẳng giới… Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất vấn đề này đưa ra lấy ý kiến nhân dân để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp sửa đổi”, ông Thảo nói.

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội, cũng cho rằng đây là lần đầu tiên bà trực tiếp được nghe những chia sẻ đầy xúc động của những người trong cuộc. “Chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận những người thuộc cộng đồng LGBT là một thực tế của xã hội. Quyền, lợi ích của những người này liên quan trực tiếp đến nhiều người khác nên tới đây rất nhiều luật, kể cả Hiến pháp, cần phải được đưa ra Quốc hội thảo luận”, bà Nga khẳng định.

Xóa định kiến trước khi sửa luật

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, cho biết: “Rào cản lớn nhất đối với cộng đồng LGBT tại Việt Nam chính là định kiến và sự kỳ thị của xã hội. Do đó, cần có những biện pháp để thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời với việc thay đổi pháp luật để bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

Còn theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó chủ tịch đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, việc đảm bảo quyền của LGBT cũng là đảm bảo quyền con người. Do đó, nên ban hành những văn bản quy phạm dưới luật để tuyên truyền cho người dân, xã hội có cái nhìn khác về người đồng tính để tạo đà cho những thay đổi ở mức cao hơn.

Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ, điều quan trọng hơn là phải tìm cách xóa bỏ định kiến của xã hội đối với người đồng tính rồi mới tính đến chuyện thay đổi luật. Ông Thuyết nói: “Giờ là thời điểm các đại biểu Quốc hội cần suy nghĩ và nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ và những người liên quan”.

Đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào để xác định số người đồng tính ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 1 - 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục nhận mình đồng tính và song tính.

Nếu lấy tỷ lệ trung bình mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì người đồng tính, song tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 - 49 là hơn 1,6 triệu (tính theo số liệu thống kê dân số năm 2007).

Theo giáo sư Nguyễn Minh thuyết, việc người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới công khai thừa nhận giới tính là có lợi cho xã hội và chính bản thân họ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác nhau do iSEE tiến hành từ 2009 cho tới năm 2012 đều cho những kết quả tương tự về sự dè dặt của người đồng tính trong việc bộc lộ xu hướng tính dục của mình. Năm 2009, với những người đồng tính nam được hỏi, chỉ có 2,5% số người công khai hoàn toàn về xu hướng tình dục của mình và 5% gần như là công khai. Trong khi đó, 32,5% đang hoàn toàn bí mật về xu hướng tình dục của mình và 35% gần như hoàn toàn bí mật. Số 25% còn lại “lúc thì bí mật lúc thì công khai”, tùy thuộc vào môi trường. Người đồng tính không dám công khai ngay cả đối với những người gần gũi nhất với mình trong gia đình.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất