Kinh hoàng mỡ thối sản xuất bên cống thoát nước, bánh trung thu bốc mùi

Mỡ lợn thối được sản xuất ngay bên cạnh cống thoát nước, bánh trung thu giá rẻ bốc mùi hôi thối, đậu phụ dính nghi án có thạch cao... thực sự khiến người tiêu dùng hoang mang về chất lượng thực phẩm.

Sản xuất mỡ thối bên cống thoát nước

Phóng viên một tờ báo đã đột nhập vào cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Đây là ngôi nhà ẩm thấp nằm kế bên cống thoát nước của làng, xung quanh tường ám một màu đen kịt của khói bếp, bên trong đầy những đống bì lợn, mỡ vụn, thịt quá buổi để lâu bốc mùi nồng nặc được đặt ngay tại nền nhà, nước từ các đống thịt chảy thành dòng đen, ruồi muỗi bay khắp nhà là đại bản doanh sản xuất mỡ lợn thối.

Nhân viên của cơ sở này đều là những nam thanh niên cởi trần trùng trục đứng nấu mỡ, thi thoảng nói chuyện, họ còn nhổ thẳng nước bọt vào mỡ đang sôi.

Được biết, mỡ được lọc từ những tảng da lợn đã ngả màu, bốc mùi rồi chao qua chậu nước đục ngầu và cho vào rán. Sau đó, lái buôn tới gom hàng bán lẻ tại các chợ hoặc cho các lò rán hành, quẩy với giá là 18.000 đồng/kg mỡ nước và 55.000 đồng/kg mỡ tóp.

Kinh hoàng mỡ thối sản xuất bên cống thoát nước, bánh trung thu bốc mùi 1
Mỡ được lọc từ những tảng da lợn đã ngả màu, bốc mùi
được chao qua chậu nước đục ngầu rồi cho vào rán.

Chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Bì lợn được gia đình thu mua ở khắp nơi và gửi qua đường xe khách. Vì nguồn hàng không phải lúc nào cũng phong phú nên nhiều khi phải đợi gom được số lượng kha khá mới gửi lên xe nên nguyên liệu không thể tránh khỏi mùi hôi thối".

Sau khi ép bì, mỡ vụn, thịt ôi thành dạng nước đem rán trong các xoong cáu bẩn, mỡ nước được chia đều vào các can nhựa còn mỡ tóp được đựng trong những thùng to cáu bẩn đem xuống Hưng Yên, Hà Nội bán cho các chủ lò làm quẩy, bánh rán...

Kinh hoàng mỡ thối sản xuất bên cống thoát nước, bánh trung thu bốc mùi 2
Xoong rán mỡ cáu bẩn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Các nhà hàng sử dụng loại mỡ bẩn này để chế biến đồ ăn bán cho khách là việc làm bị nghiêm cấm, không có lương tâm của người bán hàng. Loại mỡ này nếu rán ở nhiệt độ cao trên 180 độ C sẽ sinh ra những chất gây hại như: andehit, chất oxy hóa…

Các chất này khi rán ở nhiệt độ cao sẽ bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm và vô cùng nguy hiểm nếu hít phải. Mặt khác, loại mỡ này nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó… Nặng thì, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, có thể gây nên bệnh ung thư nguy hiểm đến tính mạng".

Đột kích lò bánh trung thu bốc mùi hôi thối

Theo tiết lộ của chỉ huy công an Yên Phụ (Hà Nội) với phóng viên một tờ báo thì chủ lò tên Cao Văn Bằng (SN 1988), ngụ ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã lập ra cơ sở sản xuất bánh trung thu "3 không" này.

Được biết, mới ra Hà Nội được một thời gian nhưng Bằng đã nhanh chóng tìm được việc trong một xưởng sản xuất bánh Trung thu cổ truyền trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Do nắm được công thức làm các loại bánh Trung thu tại cơ sở trên, Bằng quyết định bắt tay vào sản xuất bánh nhằm cung cấp ra thị trường nhân dịp Tết Trung thu năm 2013.

Kinh hoàng mỡ thối sản xuất bên cống thoát nước, bánh trung thu bốc mùi 3
Bánh trung thu "3 không" được sản xuất trong không gian bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh.

Trung bình, lò của Bằng sản xuất ra 300 chiếc bánh nướng, bánh dẻo/ngày. Do từng làm qua tiếp thị nên Bằng biết, nếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì bánh sẽ khó bán. Nhằm lách luật, Bằng đã tìm cách nhái thương hiệu loại bánh trước kia anh ta từng làm công.

Sau khi phát hiện thấy sự bất thường của nhãn hiệu bánh nhái tên thương hiệu riêng, chủ lò bánh trên đã tới công an phường Yên Phụ tố cáo và chiều ngày 16/9/2013, kế hoạch kiểm tra hành chính “lò” bánh được ký duyệt.

Trong quá trình kiểm tra, Cao Văn Bằng thừa nhận sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu "3 không": không có bất kỳ loại giấy phép nào của cơ quan chức năng, nguyên liệu không đảm bảo gồm bột, đường, mứt, lạp xường, đậu xanh... được Bằng tự mua gom tại chợ Đồng Xuân, một số có xuất xứ Trung Quốc. Lạp xường thái lát không rõ nguồn gốc, chất đống trong các nồi to, ruồi bu kín, không có không gian sản xuất sạch sẽ hợp vệ sinh vì quanh khu vực đóng gói thực chất là các phòng nhỏ trong căn hộ 4 tầng thuộc ngách 108/32/76 An Dương chật chội, rêu mốc bám khắp sàn nhà, mùi tanh nồng hôi thối khó chịu.

Chiều 17-9, chỉ huy Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Tây Hồ xác nhận, đơn vị đã gửi các mẫu bánh Trung thu trên đi phân tính, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời trưng cầu giám định mẫu mã, chủng loại để xem xét xử lý chủ cơ sở về hành vi sản xuất hàng giả.

Lo ngại đậu hũ có thạch cao

Điểm sản xuất xuất đậu hũ, tào phớ trong hẻm thuộc phố Thái Thịnh, Hà Nội được coi là khá nổi tiếng, có cả địa chỉ chỉ dẫn trên mạng Internet. Nhưng khi chúng tôi đến mục sở thị, nền nhà đầy nước và đất bẩn, máy xay đậu và những chiếc thùng lớn chứa đậu thành phẩm và ngâm đậu nành hạt đều bẩn và vương vãi đậu nành hạt mới ngâm. Giá bán ra là 40.000-50.000 một nồi đậu hũ lớn nhưng chủ tiệm luôn khẳng định không dùng...phụ gia.

Trong khi đó, chị Hường - một chủ tiệm bán đậu hũ ở Bình Thạnh mỗi ngày bán ra 100 kg cho biết: “Nhà tôi thường làm đậu hũ ngay trước mặt khách nên không thể bỏ phụ gia vào. Đậu hũ không chứa thạch cao thường có màu trắng ngà chứ không trắng tinh, ăn có vị béo, mềm và có mùi thơm của đậu".

Kinh hoàng mỡ thối sản xuất bên cống thoát nước, bánh trung thu bốc mùi 4
Một lò sản xuất đậu hũ tại cơ sở ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh).

Chị Hường cũng nói thêm, điều quan trọng nhất của quy trình chế biến đậu hũ là làm sao để đậu sau khi xay phải kết tủa. Vì vậy người ta hay dùng thạch cao hoặc một số phụ gia khác để thúc đẩy nhanh quá trình kết tủa này, đồng thời cho lượng đậu nhiều. Tuy nhiên, đậu hũ được làm theo phương pháp gia truyền phải ngâm đậu nành đã xay khoảng 3,4 tiếng cho đậu chua mới kết tủa, rồi đem nấu và ép thành đậu. Cách này cho lượng đậu hũ ít hơn, thời gian lâu, lợi nhuận không cao nhưng bù lại sẽ đảm bảo an toàn.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm), cho biết CaCO3 (canxi carbonat) có trong đá vôi, bột đá, đá làm đường, thạch cao là phụ gia được Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, CaCO3 dùng làm phụ gia phải là loại dùng trong thực phẩm, có độ tinh khiết cao, còn sử dụng CaCO3 tự nhiên hoặc loại dùng trong xây dựng sẽ có nguy cơ lẫn tạp chất, đặc biệt là kim loại nặng, hóa chất vào thực phẩm.

Song, để phân biệt cơ sở nào sử dụng CaCO3 tinh khiết, cơ sở nào dùng loại chất lượng kém, lẫn tạp chất không dễ dàng. Lý do là khi sử dụng CaCO3 trong nồi nấu đậu, việc phân biệt bằng mùi vị, màu sắc rất khó. Chỉ có cách kiểm nghiệm bằng phương pháp loại trừ, theo ông Hùng là kiểm nghiệm các kim loại nặng, hóa chất hay có trong CaCO3 chất lượng thấp, để xác định cơ sở đó có dùng phụ gia chất lượng kém hay không!

Được biết, nếu ăn đậu hũ chứa thạch cao công nghiệp trong một thời gian dài thì những kim loại như đồng, chì, thủy ngân... thẩm thấu vào hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, gan, thận gây nên các bệnh như: rối loạn tiêu hóa, ung thư, suy gan, suy thận... nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm VN) mách nhỏ: "Để phân biệt đậu hũ chứa thạch cao hay không, chủ yếu dựa vào trực quan là chính. Đậu hũ chứa thạch cao thường có độ đông đặc, cứng, lúc chưa chiên không có mùi đặc trưng của đậu, còn đậu hũ không chứa thạch cao thường mềm, dễ vỡ, có mùi thơm rất đặc trưng của đậu nành".


Theo Tri thức (TH)

Tin tức mới nhất