Lộ nhiều “mảng tối” gây bất ngờ ở trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội

Không chỉ có Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 niên khoá 2011-2014 Hoàng Khởi Lai bị “tố” liên quan đến những khoản thu chi mập mờ, lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) cũng bị tố phạm luật và phải đền bù vì làm sai.

Nhiều “mảng tối” trong quản lý của Trường THPT này dần được “lộ sáng”.

Quỹ lớp hơn 60 triệu đồng/kỳ


Lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo (bìa trái) làm việc với những người tố cáo. Ảnh: T.G
Lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo (bìa trái) làm việc với những người tố cáo. Ảnh: T.G

Câu chuyện thu chi ở lớp thầy Hoàng Khởi Lai làm chủ nhiệm còn có nhiều vấn đề “khuất tất”. Theo chị Thành, phụ huynh học sinh tên Ngân thì trong 6 kỳ thưởng học sinh tiên tiến, các em mới chỉ nhận được tiền trả của kỳ cuối cùng. Số tiền thưởng của 5 kỳ trước đến nay vẫn… “mất tích”(?!).

“Cuối năm lớp 12, lớp lại thu thêm 300.000 đồng/học sinh tiền chia tay liên hoan, nhưng lại không tổ chức. Sau khi phụ huynh lên tiếng thì mới được trả lại. Có lần bảng thống kê chi tiêu của ban phụ huynh lớp 12A2 kê phần chi dành cho photocopy và một số khoản chi khác trong năm lên tới 20.167.000 đồng. Phụ huynh bất bình thì lại “tòi” ra bảng kê mới và kéo mục photocopy và các khoản chi khác xuống còn hơn 13.719.000 đồng. Với những phụ huynh khá giả thì không sao, nhà tôi hoàn cảnh khó khăn, chồng mất, một mình nuôi hai đứa con ăn học cực khổ. Khoản tiền 300.000-500.000 đồng chiếm một nửa tiền ăn hàng tháng tôi chi cho các cháu. Lớp thầy Lai, phần thu quỹ là quá nặng nề và nhập nhèm” – chị Thành buồn bã nói.

Quá trình tìm hiểu, PV Báo GĐ&XH có trong tay một số bảng kê thu chi của Ban phụ huynh lớp 12A2 cho thấy nhiều khoản quỹ với tổng số thu rất lớn. Một bảng kê lập ngày 10/5/2014 liệt kê tổng thu quỹ của 45 học sinh lên đến gần 46 triệu đồng và phần chi là trên 48 triệu đồng. Có 2 khoản chi lớn gồm chi tham quan hết 11.250.000 đồng và chi photocopy. Sau khi phụ huynh học sinh “tố” là thu tiền tham quan có tiền ăn nhưng các em không được ăn thì Ban phụ huynh đã phải trả lại 20.000 đồng/học sinh. Khoản thứ 2 là “chi phục vụ photocopy và một số chi của lớp” lên đến 20.167.000 đồng. Khoản này cũng gây tai tiếng và bức xúc, phụ huynh phản ứng gay gắt thì Ban phụ huynh lớp thầy Lai đã “chế lại” và kéo xuống còn 13.719.000 đồng. Trong một bảng kê thậm chí còn thu cả tiền dự phòng và không chi là 15.750.000 đồng. Đặc biệt có 2 khoản liên quan đến thầy Lai nhưng phần chi thì rất mù mờ mang tên “đưa thầy giáo chủ nhiệm đóng các khoản lặt vặt cho lớp”. Kỳ I thầy Lai đóng “lặt vặt” cho lớp hết 2,5 triệu đồng, kỳ II hết 2 triệu đồng (sau đó thầy trả lại 1,4 triệu đồng).

Một bảng kê khác là báo cáo quyết toán thu chi quỹ lớp 12A2 học kỳ II phần thu còn “khủng” hơn là 62.305.300 đồng… Các con số nêu trên cho thấy “gánh nặng” và cả sự tuỳ tiện trong thu chi của lớp thầy Lai làm chủ nhiệm dồn lên vai phụ huynh học sinh lớn như thế nào.

60 triệu đồng đền bù cho nhân viên lấy từ đâu?

Đây là vụ việc xảy ra vào đầu năm 2014 và lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q. Thanh Xuân) đã phải chi 60 triệu đồng tiền đền bù vì phạm luật. Theo đó, ngày 15/1/2014, sau cuộc họp với các nhân viên hợp đồng, trường này đã quyết định cho 4 lao động nghỉ việc. Ông Hoa Anh Thông – một trường hợp bị sa thải đợt này - cho biết: “Sáng 15/1/2014 mời tôi lên họp, 10h thông báo chấm dứt hợp đồng, yêu cầu ngay trong chiều cùng ngày phải bàn giao công việc”. Một trường hợp khác cũng bị cho nghỉ việc là nhân viên cấp dưỡng Nguyễn Thị Ký. Nói về bà Ký, cô Phạm Thị Thanh Thuỷ, giáo viên dạy Toán trường này cho biết, bà Ký đã phải giấu kín việc mình bị cho nghỉ việc vì sợ người nhà dị nghị rằng bà làm sai nên mới cho bị nghỉ.

Sau khi số lao động nêu trên bị chấm dứt hợp đồng, họ đã khiếu nại quyết định của bà Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm. “Cuộc chiến” đòi quyền lợi của họ phải mất gần một năm mới có kết quả. Nhà trường buộc phải ra quyết định đền bù vì đã vi phạm Luật Lao động đối với số nhân viên nêu trên. Tổng số tiền trường này phải chi trả cho 4 lao động lên đến 60 triệu đồng. Ông Hoa Anh Thông cho biết, nếu kê đầy đủ thì số tiền mà trường phải đền bù cho ông theo quy định là hơn 100 triệu đồng. “Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, mức hai bên thống nhất là trên 35 triệu đồng. Tôi chỉ lấy ngần đấy thôi, lấy để cho họ biết là đã sai khi tuỳ tiện đuổi việc nhân viên” – ông Thông nói.

Về vụ việc này, bà Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm xác nhận là có xảy ra ở trường và đây là “bài học” và “học phí” cho việc quản lý của nhà trường và cá nhân bà. Theo bà Tâm, nếu đúng quy định thì trường phải thông báo nghỉ việc đến nhân viên trước 30 ngày. Việc cho số lao động nêu trên nghỉ là do kinh phí trường bị cắt giảm. Về số tiền 60 triệu đồng phải chi ra để đền bù cho 4 lao động nghỉ việc, bà Tâm khẳng định đây là “tiền túi của bà vì quyết định cho nghỉ việc là do bà ký”(?!).

Để làm rõ số tiền nêu trên có đúng là do bà Tâm chi trả hay không, phóng viên đề nghị bà Tâm cung cấp một số bằng chứng, tuy nhiên, tới nay, sau nhiều tháng vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh số tiền chi đền bù là tiền của Hiệu trưởng chứ không phải lấy tiền từ ngân sách nhà nước(?!).

Theo Gia đình & Xã hội


Tin tức mới nhất