Nỗi day dứt của kẻ thoát án tử hình

Được Chủ tịch nước tha tội chết, Điệp lại day dứt vì “thương vợ còn trẻ, đẹp, giá mình chết rồi có lẽ đỡ tội cho cô ấy”.

Trò chuyện với chúng tôi, phạm nhân Vũ Hồng Điệp, SN 1976, đồng bọn của trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy, kẻ mới được Chủ tịch nước tha tội chết, bảo mừng vì được sống nhưng lại thấy day dứt khi nghĩ tới vợ. Thi hành bản án chung thân ở trại giam Suối Hai, Điệp bảo thân mình coi như gặp may nhưng lại là không may cho vợ vì sẽ phải sống trong mòn mỏi đợi chờ.
 
Vì tiền, bỏ học làm lâm tặc từ lớp 8
 
Đúc rút một câu về mình, Điệp bảo anh ta chết vì cái tội tham tiền, cứ thấy tiền là không còn phân biệt được đâu là khôn dại nữa. Là con út trong một gia đình công chức, Điệp may mắn vì các anh chị đều là những người thành đạt, đi lên từ học vấn. Thế nhưng đang học lớp 8, thấy xung quanh người ta kiếm tiền từ gỗ rừng nhanh giàu hơn đồng lương còm của bố mẹ nên Điệp bỏ học. Bố đánh cho một trận nhừ tử, Điệp vẫn không chịu đến trường, mẹ dỗ ngon dỗ ngọt, khóc mếu cũng không làm Điệp chuyển ý. Nghe tin em bỏ học, hai người anh khi đó đang học ĐH Y Hà Nội liền nhào về, lôi em trai ra chất vấn. Điệp bảo trong nhà, sợ nhất là hai ông anh này nhưng nghĩ đến cảnh được cầm cả đống tiền trong tay thì anh ta không thấy sợ anh nữa. Điệp cãi lý rằng có học cao như các anh, sau này đồng lương cả tháng không bằng một chuyến buôn gỗ. Hết đe nẹt, khuyên nhủ em trai không được, họ bắt Điệp viết một bản cam kết, giao hẹn sau này sẽ không ân hận, oán trách ai. Họ còn bắt Điệp nhắc đi nhắc lại những điều đã viết, sai câu nào là đánh đòn câu ấy, vậy mà Điệp không sợ. 
 
 Vũ Hồng Điệp đang lao động ở đội khâu bóng
 
Trở thành lái buôn từ khi mới mười mấy tuổi, hàng ngày Điệp vào các bản, xem nhà ai có gỗ thì gạ mua sau đó chuyển về xuôi bán lại cho các lái buôn. Hết gỗ trong dân, Điệp lên rừng cưa trộm gỗ, rồi mua lại của những người đi rừng, đóng thành bè thả sông suối cho trôi về xuôi. Được một thời gian, Điệp có tiền tậu ôtô và dùng nó làm phương tiện kiếm sống. Ai thuê chở đám cưới, đám tang hay về Hà Nội, các tỉnh, hễ thấy có lời là Điệp đi hết nên gần như suốt ngày bám mặt đường. Trong số khách thuê xe của Điệp có cả những kẻ buôn bán, vận chuyển ma túy. Vài lần thuê chở rồi trở thành khách ruột, Điệp bước chân vào thế giới này như một định mệnh.
 
“Ai thuê là em chở tất, không cần biết họ thuộc thành phần nào. Lâu dần thành quen, họ nhờ em nhận hàng, chở thuê, ban đầu chỉ là vài cây heroin cầm về Hà Nội”, Điệp kể. 
 
Rồi Điệp trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây đưa ma túy từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La về Hà Nội, từ Hà Nội tỏa đi các tỉnh. Nói về Trịnh Nguyên Thủy, Điệp bảo không phải khi gia nhập đường dây tội phạm này mới biết Thủy mà Điệp biết Thủy từ trước đó, khi anh ta thường chở cây cảnh về Hà Nội bán, còn Thủy là người rất mê cây cảnh.
 
Có tiền, có xe lại khỏe mạnh, con nhà nề nếp nên Điệp cưới được cô vợ nổi tiếng xinh đẹp, kém mình 6 tuổi. Vì gia đình có nghề trồng cây cảnh nên vợ Điệp mang cả nghề của gia đình về nhà chồng, vì thế nên ngoài những khi chạy xe chở khách, Điệp kiêm luôn cả nghề môi giới, bán cây cảnh và đó là cơ duyên cho Điệp gặp ông trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy.
 
Tham gia vào đường dây ma túy của Thủy nhưng mãi tới khi hầu Tòa, Điệp mới biết mặt “sếp lớn”. Những lần gặp trước đó, Điệp chỉ biết chở cây theo đơn đặt hàng về cho Thủy, biết Thủy như một kẻ rất am hiểu về cây cảnh. Bị kết án mua bán, vận chuyển 337 bánh heroin, Điệp cũng chung số phận với ông trùm, nhận mức án cao nhất song Điệp may mắn hơn Thủy khi nằm buồng biệt giam được 6 năm thì được Chủ tịch nước ân xá.
 
Được sống lại day dứt thương vợ
 
Sau hai lần viết đơn xin được tha tội chết, năm 2010, lời thỉnh cầu của Điệp được chấp thuận. Điệp bảo không bao giờ quên được cái ngày trọng đại ấy bởi nó khiến anh ta có cảm giác lơ lửng suốt từ khi được nghe đọc quyết định cho tới khi đến nơi mới thi hành án. 6 năm trời là mấy nghìn ngày sống trong phấp phỏng, căng thẳng, đầu óc chẳng khác nào một quả bóng căng cứng vì mỗi ngày dồn vào một ít hơi, chỉ chờ đến lúc đi trả án là nổ tung, vậy mà... “Lúc được đưa vào phòng, em nghĩ mình chắc chết rồi, đầu óc cứ lịm đi rồi bỗng giật mình trước cái vỗ vai của cán bộ. Nghe cán bộ bảo “thế là sống rồi nhé”, tâm trạng em lúc đó chẳng khác nào quả bóng căng tròn, bị một mũi kim khẽ trích, cứ thế xì hơi, bay bổng”, Điệp hồi tưởng lại tâm trạng khó quên của mình một cách văn vẻ.
 
Cầm chắc cái chết trong tay nên có bao nhiêu đất cát, tài sản, Điệp giao cho vợ được toàn quyền sử dụng. Anh ta chỉ mong cô vợ nếu có đi bước nữa cũng nên nghĩ tới hai đứa con, dành cho chúng một phần tiền bạc để học hành. Điệp bảo không phải anh ta hết thương yêu vợ mà vì nghĩ đằng nào mình cũng chết rồi, kìm hãm vợ khi tuổi xuân còn dài là có tội mà chưa chắc đã giữ chân vợ được nên thà làm người chồng cao thượng còn hơn. 
 
“Những ngày trong phòng biệt giam, ngẫm lại đời mình chỉ thấy cắm đầu vào kiếm tiền thì em cũng thấy tiếc thế nhưng giờ được sống rồi, có cơ hội quay về, dẫu rằng còn rất lâu nhưng em lại thấy lương tâm chẳng thanh thản chút nào. Hai đứa con thì em không lo lắng vì chúng đều ngoan, được ông bà, các bác kèm cặp nên cũng có chí học hành, chỉ̉ tội cho vợ em còn trẻ quá mà giờ em lại thế này nên nó cũng không nỡ bỏ”, Điệp thành thật.
 
Vào trại giam Suối Hai cải tạo, công việc của Điệp là hàng ngày phát ra thu về dụng cụ khâu bóng như kim, chỉ và số quả bóng khâu được. Vài tháng vợ lên thăm một lần, Điệp chẳng biết nói gì ngoài lời động viên đi bước nữa song vợ Điệp chỉ lắc đầu cười buồn. Chẳng biết có phải vì chán chường cuộc sống đơn chiếc, tiếc tuổi xuân phí hoài mà thời gian gần đây, vợ Điệp trở nên đam mê cờ bạc. Điệp bảo nghe thông tin ấy từ những người cùng quê nhưng không tin lắm và cứ cho rằng đó là sự thật thì anh ta cũng chẳng trách cứ vợ mà nên thông cảm bởi xét cho cùng, Điệp mới là người có lỗi.
 
“Vợ em trẻ, đẹp lại có nghề chăm cây cảnh, nếu em chết rồi, cô ấy sẽ danh chính ngôn thuận kiếm được một người chồng khác, dù không tử tế cũng còn hơn chờ đợi một người chồng không biết ngày về như em, thành ra bây giờ em thấy khó xử quá. Bảo đi lấy chồng khác thì cô ấy không chịu nhưng cứ ở vậy để rồi cờ bạc thì cũng làm hỏng con cái”, Điệp tâm sự. Có lẽ Điệp khổ tâm lắm nên suốt buổi nói chuyện, anh ta chỉ một lần duy nhất cười khi kể về lần bị hai anh đánh còn sau đó là những cái vò đầu bứt tai, day dứt...
 
Theo Công Lý

Tin tức mới nhất