Nước mắt những chú hổ tại đền Hổ, Thái Lan: địa ngục đau thương của loài chúa sơn lâm

Sau những vụ hổ bị buôn bán và giết hại trái phép tại các khu đền hổ Thái Lan, người ta lại đặt ra câu hỏi: liệu những loài vật này có thực sự được chăm sóc hay chỉ là một công cụ kiếm tiền?

Tháng 6/2016, giới chức Thái Lan và những người yêu động vật được phen chấn động khi một đường dây buôn bán hổ gồm 22 người, trong đó có 3 nhà sư tại Đền Hổ bị phát hiện và đưa ra ánh sáng. Sau vụ việc, khu đền Hổ đã bị đóng cửa và nhiều cá thể hổ đã được đưa ra khỏi đây.

Tuy nhiên, vụ việc này chỉ là giọt nước tràn ly sau bao năm những chú hổ tại khu đền rơi nước mắt. Chúng bị bạo hành, đem làm trò tiêu khiển cho con người và thậm chí bị giết hại để đem bán.

Liệu có thật tình yêu thương dành cho loài hổ tại khu đền Hổ nổi tiếng khắp thế giới này?

Đền hổ là gì?


Đền Hổ, hay còn biết tới cái tên Wat Pha Luang Ta Bu Yannasampanno, nằm tại tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan, phía tây Bangkok. Khu đền nuôi chú hổ đầu tiên vào năm 1999 và mỗi năm, số hổ ở đây lại tăng thêm. Tính đến năm 2016, có tổng cộng 137 chú hổ được nuôi nhốt trong đền. Ngoài ra, trong khu đền còn nuôi nhốt trái phép nhiều cá thể gấu, chim mỏ sừng, chó hoang.

Du khách tới đây phải trả 600 bath, khoảng 350 nghìn VNĐ để vào trong ngôi đền. Bạn sẽ phải trả thêm nếu muốn cho hổ ăn hoặc vuốt ve chúng. Mỗi năm, khu đền Hổ đón hàng nghìn du khách tới tham quan và chụp hình.


Có một vài địa điểm khác tại Thái Lan cũng cho phép du khách tham quan những khu nuôi giữ hổ. Tuy nhiên, Đền Hổ vẫn là địa điểm nổi tiếng nhất cho du khách, theo tổ chức động vật hoang dã Thái Lan.

Nuôi nhốt hay tra tấn?

Những nhà sư quản lý khu đền Hổ phải đối mặt với cáo buộc tra tấn, lạm dụng và ngược đã loài hổ; nuôi nhốt và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, họ đã phủ nhận những cáo buộc trên.

Một công nhân từng làm việc tại khu đền Hổ cho biết những cá thể hổ nuôi nhốt tại đây thường bị đánh đập, không được cho ăn uống cẩn thận, không được chăm sóc bởi các bác sĩ thú y và chuồng nuôi giữ thường rất nhỏ và bẩn thỉu.

Những cá thể hổ bị nuôi nhốt trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh.

Các cá thể hổ bị trói trên sàn và chúng không còn sức để có thể hoạt động hay làm gì khác. Do vậy, du khách có thể động chạm vào người chúng dễ dàng. Nhiều cá thể còn bị nhổ phần răng và móng để không gây hại cho khách du lịch.

Nhiều người cho biết đằng sau những bức ảnh du khách chụp ảnh âu yếm, vuốt ve loài vật hung dữ này là những cá thể hổ đã bị đánh đập dã man thậm chí là tiêm thuốc an thần để không còn phản ứng khi bị con người ôm, bế và đem ra để chụp ảnh. Chúng đã trở thành sản phẩm của ngành công nghiệp mua vui cho con người, trá hình dưới hình thức một khu đền chăm sóc và bảo tồn hổ.

Những chú hổ bị trói xuống sàn và gần như không còn sức lực.

Không chỉ vậy, theo cơ quan bảo tồn động vật hoang dã Thái Lan, việc buôn bán hổ trái phép cũng được phát hiện tại khu đền. Tháng 12/2014, 3 cá thể hổ đực trưởng thành đã biến mất từ khu đền. Mặc dù chúng đã được gắn chíp điện tử bởi cơ quan quản lý Thái Lan nhưng một trong những bác sĩ thú ý tại khu đền, Somchai Visasmongkolchai đã thú nhận rằng, tất cả các thiết bị đó đều được cắt ra khỏi cơ thể 3 chú hổ đó.

Vụ buôn bán hổ gây chấn động


Trong một cuộc truy quét bởi DNP nhằm cứu những chú hổ ra đây vào tháng 5, chính quyền đã phát hiện 40 cá thể hổ con đông lạnh, được chứa trong một tủ đá, cùng với nhiều bộ phận cơ thể động vật khác. 5 người đàn ông, bao gồm 3 nhà sư đã bị bắt giữ vì tội tàng chứa động vật hoang dã trái phép mà không có giấy phép. Nếu bị phạm tội, họ sẽ chịu mực phạt tối đa là 4 năm và hơn 20 triệu tiền phạt.

Những vụ việc như vậy tiếp tục bị vỡ lở tại khu đền khi sau đó, giới chức Thái Lan tiếp tục khai quật được hơn 20 bình rượu ngâm hổ cũng tại ngôi chùa này.

Một phần da hổ được tìm thấy trong khu đền.

Thị trưởng thành phố, ông Suranit Prombut cho biết vụ việc sau đó vẫn được điều tra, dù mất khá nhiều thời gian với khá đông đối tượng tham gia. Sau sự việc, thành viên của đền Hổ phản biện trên Facebook rằng thông thường, tỷ lệ tử vong của hổ con là 40% và những phần cơ thể hổ con đó được bảo quản cho mục đích khoa học.

Tuy nhiên, những phủ nhận yếu ớt này không thể xóa đi tội trạng của họ khi không ai chứng minh được 60% số hổ còn lại ở đâu, trong khi số lượng cá thể hổ trong khu đền ngày càng giảm. Từ lâu, ngôi đền này đã được coi là một chợ đen cho các hoạt động mua bán hổ tại Thái Lan rồi vận chuyển qua các quốc gia khác trong khu vực.


Tương lai của những chú hổ trong khu đền sẽ đi về đâu?

137 chú hổ được cứu thoát trong nhiều đợt giải cứu đã được chuyển tới nơi ở mới, trong một khu bảo tồn thiên nhiên của chính phủ tại tỉnh Ratchaburi, cách đó khoảng 90km. Mia Hunter, một người đã làm tình nguyện 3 năm tại khu đền Hổ cho biết dù tình trạng tại khu bảo tồn này chưa thực sự "hoàn hảo" để nuôi nhốt hổ, nó vẫn tốt hơn là ở tại khu đền.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết tình trạng đang xảy ra, không phải chỉ tại khu đền Hổ mà còn nhiều nơi tại đất nước này. Ở vườn hổ Sriracha, thủy cung Samui ở Thái Lan vẫn tiếp tục cho phép khách du lịch selfie với hổ. Thậm chí, du khách còn được trả tiền để tạo dáng và chụp ảnh với hổ.

Các cá thể hổ được giải cứu tại khu đền.

Chính quyền Thái Lan cho biết: "Hiện tại có 1.500 con hổ đang bị giam cầm trên cả nước và tình trạng lạm dụng, ngược đãi không chỉ ở hổ mà còn nhiều loài động vật khác vẫn tiếp tục diễn ra. Vườn Sriracha đang nuôi giữ 350 con hổ, nhiều hơn bất kì cơ sở nào khác trên đất nước Thái Lan".

Theo báo cáo, chỉ còn khoảng 4,000 cá thể hổ sống trong tự nhiên. Sau một thế kỷ suy giảm số lượng, loài hổ đang được hồi sinh trở lại. Tổ chức WWF cho biết số lượng loài hổ đã chứng kiến sự gia tăng lần đầu kể từ năm 2010 với 3,200 cá thể.


Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất