“Phải kéo giãn mức tăng lương vì kinh tế quá khó khăn”

Phân trần mức tăng lương năm 2013 Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cao hơn nhưng vì tình hình khó khăn nên buộc phải… kéo giãn lộ trình, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng chưa thể đưa ra câu trả lời cho khả năng lặp lại tình huống này vào năm 2014.

Nửa sau buổi làm việc chiều 13/6, Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Nhiều người “trách cứ” việc trì hoãn tăng lương

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) kể sự việc, tại một phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp này, một Thứ trưởng của Bộ LĐ-TB&XH có báo cáo với nhận định lạm phát và suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Thể hiện rõ thái độ không tán thành, ông Tuyết “truy vấn” nữ Bộ trưởng: “Đây là quan điểm của riêng Thứ trưởng này hay là của Bộ LĐ-TB&XH. Nếu không phải quan điểm của tập thể thì nhận định, trách nhiệm của Bộ trưởng đặt ra thế nào với vấn đề này?”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định ngay, đó chỉ là ý kiến của vị Thứ trưởng. Bà Chuyền phân trần: “Bộ chúng tôi vẫn nhận định do tình hình khó khăn nhất quyết có phần ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Chúng tôi cũng xác định, trong lúc này, chủ trương điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng định hướng XHCN cần phải đặc biệt quan tâm”.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: "Mức tăng lương Bộ LĐ-TB&XH
đề xuất cao hơn nhưng vì quá khó khăn buộc phải kéo giãn lộ trình".

Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng cho biết, ngay phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội đầu kỳ họp, Chính phủ đã đưa ra chương trình hành động để thực hiện mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người lao động trong các lĩnh vực như y tế, tạo điều kiện giao đất, làm nhà, hỗ trợ cho con trẻ vay tiền đi học…

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) tiếp tục câu chuyện, nói tình hình khó khăn, giá cả tăng cao mấy năm gần đây nhưng tiêu chí xác định hộ nghèo vẫn không thay đổi để có những hỗ trợ phù hợp.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH một lần nữa xác nhận, tại kỳ họp Quốc hội lần này, chính bà đã giải trình việc đến nay tiêu chí xác định hộ nghèo vẫn áp dụng theo hướng dẫn từ 1/1/2011 (quy định với hộ nông thôn là mức thu nhập chỉ 400.000 đồng/người/tháng, thành thị là 500.000 đồng/người/tháng). Theo bà Chuyền, mức quy định này thực tế đã quá thấp, mà còn chưa xem xét yếu tố trượt giá, cần phải tính lại.

Nữ Bộ trưởng thừa nhận: “Chúng tôi có trách nhiệm với việc này. Chúng tôi sẽ lắng nghe để đề xuất điều chỉnh sao cho tiêu chí ấy sát thực tế hơn”.

Cũng liên quan vấn đề đời sống của người dân trong tình hình kinh tế khó khăn, trì trệ, đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) không giấu băn khoăn về việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm lộ trình tăng lương vừa qua. Ông Hải lo lắng với khả năng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm tới sẽ tiếp tục tình trạng chậm, giảm so với dự kiến.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích, lộ trình điều chỉnh tiền lương, theo quy định, lương tối thiểu của khối cán bộ công chức viên chức, nhân viên hành chính sự nghiệp do Bộ Nội vụ xây dựng. Bộ LĐ-TB&XH chỉ “quản” lương khối doanh nghiệp. Lộ trình tăng lương tối thiểu được ấn định trước để làm căn cứ cho doanh nghiệp (DN) xác định hoạt động.

Năm qua, khi xác định mức tăng ở 4 vùng lương, trong đó vùng cao nhất hơn là hơn 2 triệu đồng, chính Bộ LĐ-TB&XH cũng vấp những phản ứng trái chiều. Người lao động thì đón nhận bởi cho rằng lương như vậy mới tạm đủ sống. Nhưng quan điểm khác lại “trách cứ” vì Bộ không… thương DN, giữa bối cảnh khó khăn, sản xuất đình đốn còn quyết định tăng lương.

“Chúng tôi cho rằng DN phải có trách nhiệm chia sẻ vì có khó khăn hơn nhưng họ vẫn có thể vượt được còn người lao động nếu không đảm bảo lương tối thiểu để sinh hoạt, ăn uống, tái tạo sức lực thì cũng không có sức làm được cho doanh nghiệp”- Bà Chuyền cũng tiết lộ mức tăng lương Bộ đề xuất cao hơn nhưng vì tình hình khó khăn nên cũng phải kéo giãn lộ trình, cân nhắc cả 2 khía cạnh như bà trình bày.

Chưa hài lòng, đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH trả lời thẳng câu hỏi về cam kết, thông điệp của ngành đối với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/1/2014 tới, có đảm bảo mức tăng, có để chậm như năm 2013 không?

Lao động bỏ về vì không chịu nổi… khổ ở nước ngoài


Phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH tại Quốc hội chiều 13/6.

Chuyển sang vấn đề người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, xuất khẩu lao động “chui”, đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) đặt vấn đề, thực tế ở rất nhiều thị trường đang tồn tại chuyện này. Bộ LĐ-TB&XH hiện mới tập trung giải quyết được tình hình ở Ảrập Xê-ut trong khi lượng lao động “chui” đang tồn đọng ở rất nhiều ngước khác. Bà Vân chất vấn người đứng đầu ngành lao động về giải pháp xử lý vấn đề.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 lao động làm việc ở các nước nhưng chỉ có 8 “chi nhánh” điều phối trực tiếp của Bộ tại các địa bàn trọng điểm, còn lại chỉ có thể can thiệp thông qua các đại sứ quán, lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài. Bộ luật Lao động sửa đổi mới đây đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm DN khi ký hợp đồng với lao động, nếu không đảm bảo được các điều kiện đã cam kết với người lao động. Từ đó, tình trạng lao động xuất khẩu không được sử dụng đúng hợp đồng đã hạn chế nhiều.

Thông qua diễn đàn Quốc hội, bà Chuyền cũng gửi lời nhắn nhủ tới những người lao động không “đi” theo đường quy định, tức không thông qua các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này: “Chúng tôi muốn nói với bà con, đã mang sức mình đi làm cho một đơn vị, tổ chức thì phải biết họ là ai, quyền lợi của mình thế nào chứ cứ theo mấy loại “cò” rất rủi ro cho bản thân”. Bà Chuyền cũng hứa sẽ phối hợp với các ngành để giải quyết nạn xuất khẩu lao động “chui” này.

Đại biểu Ly Kiều Vân hỏi tiếp về chương trình thí điểm đưa người dân ở các huyện nghèo đi làm việc ở ước ngoài thời gian qua. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2015 là đưa thêm 50.000 lao động ở các huyện nghèo trong cả nước ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, đến nay, kết quả mới chỉ đạt mức đưa 10.000 người đi. Trong số đó thì lượng người về nước trước thời hạn lại gia tăng.

“Nhiều gia đình nghèo từng trông chờ, hi vọng, chấp nhận vay nợ ngân hàng để lo cho người thân đi xuất khẩu lao động bỗng trở thành con nợ, khó khăn càng thêm chất chồng” – bà Vân băn khoăn về khả năng đạt mục tiêu cũng như hiệu quả thực tế từ chương trình.

Bà Chuyền báo cáo, những năm qua, trên cơ sở số lượng đăng ký từ các huyện nghèo, ngành đã triển khai, xúc tiến, tổ chức cho 12.000 lao động ở khu vực này đi học tiếng, tìm hiểu về văn hóa của các nước, bồi dưỡng tay nghề… và đến nay đã đưa được 10.000 người xuất cảnh.

Hiện tượng lao động ở một số thị trường bỏ ngang, về nước sớm là thực tế mà nguyên nhân, theo bà Chuyền, là ý thức, sức chịu đựng của những người lao động đến từ các huyện nghèo không được “chuyên nghiệp” như các vùng khác. Bà Chuyền kể chuyện năm 2012, đến Malaysia, được tiếp cận với nhóm lao động người Việt, làm việc với Bộ Lao động cũng như nhiều chủ sử dụng ở nước bạn… đều được nhận xét về hạn chế trong việc chấp hành kỷ luật, nguyên tắc làm việc của nhóm lao động đến từ các huyện nghèo.

Nữ Bộ trưởng cho rằng cần bàn tính kỹ lại việc này, nói rõ những khó khăn ở nơi đến với người lao động. “Rõ ràng đi làm việc ở nước ngoài là thực sự nghiêm túc chứ không như lao động nông nghiệp ở nhà. Nhiều người vì không chịu đựng được đã bỏ về” – bà Chuyền giải thích.

Còn mục tiêu “xuất khẩu” 50.000 lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định có thể thực hiện được.

Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu buổi làm việc sáng 14/6 tại Quốc hội.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất