Phận đời người mẹ "đẻ thuê" bất đắc dĩ nuôi con người

Sau khi “khảo giá” ở ba cặp vợ chồng khác nhau, cuối cùng, Lan quyết định mang thai thuê cho một cặp vợ chồng ở Long An.

“Họ trả cho em hai trăm triệu, đồng ý chu cấp tiền nhà và tiền sinh hoạt hàng tháng cho tới khi em sinh con. Em giấu tất cả mọi người trong nhà để làm chuyện này, thế nên khi bất đắc dĩ phải nuôi đứa trẻ không phải máu mủ của mình, em cũng không dám kể với ai…”, Lan thở dài tâm sự.

Bản hợp đồng hai trăm triệu

Cậu con trai tên Bảo Minh của Huỳnh Ngọc Lan (SN 1993, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) mới được bốn tháng tuổi. Vì người mẹ trẻ bị thiếu sữa, lại không được bồi bổ sau khi sinh nên đứa trẻ cũng không mấy bụ bẫm. Hai mẹ con Lan hiện đang sống trong một phòng trọ nhỏ nằm ở xóm đồng nát ven sông Sài Gòn.

“Hàng ngày em đi mua ve chai còn con thì nhờ cô chủ nhà trông hộ. Em vắt sữa ra bình, để nhờ tủ lạnh nhà chủ rồi gạn cả nước cơm cất đi cho thằng bé nữa vì sữa em không đủ để nuôi con. May được cô chủ nhà giúp đỡ nhiều nên em mới có thời gian đi kiếm tiền nuôi cháu. Nếu không cũng chẳng biết phải xoay xở ra sao”, Lan tâm sự.

 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Huỳnh Ngọc Lan là con cả trong một gia đình nghèo có ba chị em. Mẹ Lan có sạp hoa quả nhỏ ở chợ huyện còn cha cô hàng ngày chạy xe ôm kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống túng thiếu đủ bề nhưng cha mẹ Lan vẫn cố gắng để ba đứa con được đến trường. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Lan lên Sài Gòn, ở nhờ nhà một người họ hàng rồi theo học nghề may. Để có tiền học và tiền sinh hoạt hàng tháng, Lan xin vào làm thêm cho một tiệm cà phê nhỏ. Nhờ khéo co kéo chi tiêu, cuộc sống của cô gái trẻ nơi phố hội cũng không quá khó khăn. Thậm chí, cứ vài tháng một lần, Lan lại gửi về nhà phụ giúp được cha mẹ chút tiền.

“Mọi thứ khi đó rất thuận lợi. Em đã tính sau khi học nghề xong thì sẽ đi làm vài năm ở các tiệm may để lấy kinh nghiệm rồi sẽ về quê mở cho mình một tiệm may riêng nhưng người tính không bằng trời tính. Cuối cùng, em lại bị lỡ dở mọi thứ…”, Lan bỏ lửng câu nói.

Khi Lan đang học nghề năm thứ hai thì nhà cô xảy ra chuyện. Cha Lan chơi bạc vay nợ tới trăm triệu. Đám đòi nợ thuê ngày nào cũng tới nhà đập phá, quát tháo. Ngôi nhà cấp bốn bị siết nợ, cả nhà Lan bỗng dưng không có chốn dung thân. Vì suy nghĩ nhiều mà mẹ cô đổ bệnh. Cha Lan bỏ nhà đi biệt. Lan bỏ dở việc học về quê, thay mẹ làm thuê làm mướn lo cho các em.

Tháng 7/2013, bệnh tình của mẹ Lan đột ngột chuyển biến xấu buộc phải nhập viện. Bác sĩ cho biết bà bị ung thư dạ dày, cần làm phẫu thuật để ngăn chặn các tế bào di căn. Khoản viện phí phải nộp cho ca phẫu thuật này quá lớn, Lan không thể thu xếp nổi. Thế nhưng, cũng chẳng thể đứng nhìn mẹ đau đớn nằm chờ chết, Lan quyết định làm liều.

Cô tâm sự: “Trước đây, khi ở trên Sài Gòn, cạnh nhà cô em có một người phụ nữ mang thai thuê. Tiền công mà người này được nhận khá lớn nên trong lúc cùng quẫn, em thấy mình chỉ có thể làm cách này để kiếm tiền”.

Nghĩ là làm, Lan lên mạng tìm kiếm thông tin về những cặp vợ chồng cần tìm người mang thai thuê. Sau khi trao đổi với ba trường hợp, cuối cùng, Lan quyết định chọn một cặp vợ chồng ở Long An. Lý do cho sự chọn lựa này là bởi số tiền công họ đưa ra cho Lan là nhiều nhất, những 200 triệu. Thêm vào đó, cô còn được chu cấp tiền sinh hoạt hàng tháng cho đến khi sinh con. “Hai người còn đồng ý ứng trước cho em năm mươi triệu đồng khi việc cấy ghép thành công nữa”, Lan nhớ lại.

Người mẹ đơn thân “bất đắc dĩ”

Trải qua hàng loạt các cuộc kiểm tra sức khỏe, cuối cùng Lan cũng được ký hợp đồng. Sau khi phôi được cấy thành công vào tử cung của Lan, bác sĩ thông báo đã nghe được tim thai, đôi vợ chồng kia chuyển tiền cho Lan đúng như đã hứa. 50 triệu đồng này cùng số tiền Lan vay mượn được từ họ hàng vừa đủ để làm phẫu thuật cho mẹ cô. Ca phẫu thuật thành công, sức khỏe của mẹ Lan dần hồi phục. Không muốn mẹ và các em biết về việc mình đang làm, Lan nói dối lên Sài Gòn làm việc rồi tới sống tại một nhà trọ do đôi vợ chồng tìm người đẻ thuê đã chuẩn bị sẵn.

Quãng thời gian mang thai của Lan khá thoải mái. Cô không phải lo lắng về chuyện kiếm tiền mà chỉ việc nghỉ ngơi, hàng tháng đi khám thai đều đặn theo lịch. Đôi vợ chồng thuê Lan tính tình thoải mái, dễ chịu, cũng rất chu đáo.

“Tuy nhiên, họ không cho em biết tên thật là gì mà chỉ bảo em gọi hai người là ba mẹ của Bảo Minh. Anh chị ấy muốn đặt tên con là Bảo Minh. Em cũng không biết hai người làm gì, ở đâu… nhưng em cũng không quá quan tâm tới chuyện đó. Em chỉ mong mình mau chóng sinh con để về nhà với mẹ”, Lan chia sẻ.

Mọi chuyện trôi qua êm đềm cho đến tháng thứ 6 của thai kì, Lan đột nhiên bị cúm nặng. Dù đã trị bệnh bằng đủ các phương pháp dân gian nhưng vẫn không đỡ nên Lan đành dùng thuốc. Điều này khiến ba mẹ của Bảo Minh rất không hài lòng. Không chỉ vậy, chừng hai tuần sau đó, khi đi siêu âm, bác sĩ cho biết đứa trẻ chưa chào đời bị khiếm khuyết sứt môi, hở hàm ếch. Phim chụp siêu âm cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, Lan không tin. Cô cho rằng đã có sự nhầm lẫn ở đây vì nếu đứa bé có khiếm khuyết như vậy thì đã phải được phát hiện ở tháng thứ 4, thứ 5 chứ không thể tới tận tháng thứ 6 mới nhìn ra. Lan muốn đi kiểm tra ở cơ sở khác nhưng ba mẹ Bảo Minh thì cho rằng kết luận của bác sĩ là đúng bởi khi mang thai, Lan đã uống thuốc để chữa cúm. Chính việc này đã khiến đứa trẻ bị ảnh hưởng.

Bác sĩ cho biết, trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch vào những năm tháng đầu đời sẽ gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày như trong việc bú sữa mẹ… nhưng chỉ cần đợi khi con đủ tuổi là có thể làm phẫu thuật khắc phục khiếm khuyết này nên không có gì phải lo lắng. Ông cũng khẳng định, dị tật này là loại dị tật nhẹ, lành tính nhất và hiện nay y học hiện đại đủ khả năng đưa nó trở lại bình thường. Nhưng ba mẹ của Bảo Minh không muốn vậy. Họ ao ước đứa con của mình chào đời lành lặn, khỏe mạnh. Có lẽ vì thế mà hai người đã bỏ lại máu mủ của mình cho Lan rồi biến mất.

“Vì không biết ba mẹ Bảo Minh là ai, ở đâu nên em không tìm được hai người. Cái thai thì đã quá lớn nên không thể bỏ được. Trước khi biến mất, hai người có chuyển vào tài khoản của em 50 triệu đồng nữa. Nhờ vậy, những tháng cuối của thai kỳ, em không quá chật vật về chuyện tiền bạc nhưng tinh thần thì rất hỗn loạn. Em có đi kiểm tra ở hai nơi nữa, họ cũng nói đứa bé bị hở hàm ếch. Thằng bé có khiếm khuyết như vậy thì chắc chẳng ai nhận nuôi nên em xác định rằng em sẽ phải trở thành mẹ của cháu”, Lan chia sẻ.

Bảo Minh khi chào đời khỏe mạnh, nặng 3,2 kg nhưng quả thật cháu bị sứt môi, hở hàm ếch. Không thể về nhà, Lan bế con tới thuê trọ tại xóm đồng nát ven sông Sài Gòn. Những tháng đầu sau sinh, Lan sống nhờ số tiền còn lại trong tài khoản. Việc chăm sóc Bảo Minh rất khó khăn. Vì bị dị tật ở miệng nên con không thể tự bú mẹ, Lan phải vắt sữa ra và cho con ăn bằng thìa. Minh có thể bú bình nhưng mẹ phải trợ giúp bằng cách đưa một ngón tay lên núm cao su bóp nhẹ cho sữa chảy vào mồm con rồi con tự nuốt. Lan cho con ăn hết sức cẩn thận vì Minh hay bị sặc sữa do mũi và miệng của con thông nhau, không có vách ngăn như những người bình thường.

Gửi con lại cho cô chủ nhà trông giúp, Lan cũng phải cẩn thận chỉ cho cô cách cho Bảo Minh bú bình để con không bị trớ, sặc sữa. “Nghĩ nhiều lúc cũng thấy cực lắm nhưng vì thương thằng bé nên em lại cố. Mẹ của Bảo Minh không mang Bảo Minh trong mình ngày tháng nào nên có lẽ chị ấy không có được tình cảm với cháu như những bà mẹ bình thường khác. Giờ em chỉ mong có tiền để đưa con đi làm phẫu thuật. Bác sĩ nói phải mổ chừng hai lần, đầu tiên là “đóng” môi, sau là “đóng” vòm cho con thì mới ổn được, mà em cứ đi làm cóp nhặt từng đồng thế này thì…”, Lan bỏ lửng câu nói, tiếng thở dài rơi tõm vào thinh không đầy buồn bã.
 
Theo Nguoiduatin

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao