Phó Tổng GĐ VTV: Không bao giờ dung túng những chương trình scandal

“Tôi khẳng định rằng, đối với một cơ quan báo chí chính thống, nghiêm túc, đặc biệt là Đài THVN không bao giờ dung túng cho những hành động như “cố tình gây scandal”, “câu khách”, “ấu trĩ”…”.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Phạm Việt Tiến chia sẻ với đông đảo đồng nghiệp đến từ nhiều cơ quan báo chí tại Hội nghị Truyền thông và Phát triển do Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra tại TP. Hạ Long.
 


 Phó Tổng Giám đốc Phạm Việt Tiến khẳng định, VTV  không  bao giờ dung túng cho những hành động như “cố tình gây scandal”, “câu khách”, “ấu trĩ”…”

Đài THVN được xem là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện xã hội hóa sản xuất chương trình với 90 chương trình liên kết. Theo Phó Tổng giám đốc VTV Phạm Việt Tiến, đây là điều kiện cần thiết và càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách và doanh thu của các đơn vị báo chí đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Ông Tiến cho rằng, cái “được” của xã hội hóa là nhiều chương trình trong ngoài nước đã có mặt ở Việt Nam bằng con đường liên kết mà nếu để tự đài làm sẽ rất khó thực hiện, bởi phải mất nguồn chi phí khổng lồ.
Tuy nhiên, bên cạnh cái được đó, việc xã hội hóa cũng phải đối mặt với những cái mất và những mặt tiêu cực mà theo ông Tiến thì mâu thuẫn lớn nhất dễ xảy ra chính là mục đích hợp tác, hay đúng hơn là mâu thuẫn giữa tư tưởng chính trị và lợi ích kinh tế. Từ mặt trái trên đã dẫn đến những biểu hiện thương mại mang tính tiêu cực:
 
“Thời gian gần đây, truyền thông dùng từ rất nhiều từ ngữ nặng nề để nói về những sai sót trong các chương trình liên kết xã hội hóa như “cố tình gây scandal”, “câu khách”, “ấu trĩ”… Tôi khẳng định lại rằng, đối với một cơ quan báo chí chính thống, nghiêm túc, đặc biệt là Đài THVN không bao giờ dung túng những hành động như vậy”.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng nhấn mạnh đến nguyên tắc chỉ xã hội hóa công đoạn sản xuất chương trình và đặt dưới dự kiểm duyệt chặt chẽ của đài.

“Tôi đã yêu cầu các lãnh đạo Ban nội dung phải trực tiếp duyệt các chương trình liên kết, kiên quyết loại bỏ những chương trình có nội dung phản cảm, không phù hợp, không vì cả nể mà bỏ qua những sai phạm, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng tới thương hiệu của Đài THVN” – ông Tiến khẳng định.

Để giảm thiểu tối đa những sai sót, theo ông Tiến thì tuyệt đối không xã hội hóa các chương trình thời sự, chính trị. Chỉ có quản lý 100% lĩnh vực này mới đảm bảo tính định hướng của báo chí, “đây chính là vũ khí tối thượng” của cơ quan báo chí, là thứ giữ vững vị trí của chúng ta trong xã hội. “Chúng ta không thể chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi chính trị cho những đơn vị bên ngoài được” – ông Tiến khẳng định.

Đề cập đến lĩnh vực này, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng cho rằng, những lĩnh vực có thể liên kết xã hội hóa để mọi thành phần có thể tham gia đầu tư là việc in ấn, phát hành, truyền dẫn… Riêng về phần nội dung, xã hội hóa không bó buộc và đã được thực hiện từ lâu, tuy nhiên ông Lượng khẳng định chỉ có thể liên kết sản xuất chương trình phát thanh truyền hình ở mảng giải trí, còn “tin tức thời sự chính trị thì dứt khoát không”.
Ngay đối với xã hội hóa trong mảng giải trí cũng gây ra những sai phạm vì trái với thuần phong mỹ tục, với những tiếng cười gây hại, không có lợi gì cho dân mặc dù có mang lại lợi ích về kinh tế cho báo, đài.

“Bên cạnh những nỗ lực và đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhận rõ một số khuyết điểm, hạn chế của báo chí như xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu tính chuyên nghiệp, nặng về thông tin mặt trái, giật gân câu khách, thậm chí thiếu chuẩn xác, sai sự thật…” – ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao