Sự thật về "vua nói xạo" đệ nhất miền Tây

Trong ký ức của mình về người bác Ba Phi, cụ Nguyễn Văn Mười (76 tuổi) kể: “Bác Ba Phi không chỉ thông minh, hài hước với những câu chuyện phiếm khiến người nghe tin “sái cổ”.

Mà sinh thời, tạng ông cao lớn, sức vóc phi thường, làm việc bằng mấy lần người khác, đặc biệt ông rất giỏi võ nghệ. Ít ai biết rằng “đệ nhất xạo miền Tây” từng đánh bại hổ dữ, hạ bệ tên chúa đất từng tác oai tác quái, bảo vệ bà con trong vùng”.

Tiểu điền chủ tốt bụng

Sau ba năm ròng thử thách làm thằng ở, cuối cùng chàng trai Hai Phi (Nguyễn Long Phi, 1884-1964) hoàn toàn thuyết phục được lão đại điền Hương quản Tế (Trần Văn Tế), một người giàu có tiếng ở miệt Cà Mau lúc bấy giờ. Vợ Hai Phi là người con thứ ba trong nhà Hương quản, nên Hai Phi phải đổi tên thành Ba Phi.

Bên cạnh đó, lão đại điền còn giao hàng nghìn công đất ruộng để Ba Phi thừa quyền tiếp quản. Từ thân phận thằng ở, Ba Phi trở thành trụ cột trong gia đình Hương quản Tế, khiến nhiều người trong vùng ngưỡng mộ. Bà Nguyễn Thị Dung (58 tuổi, cháu nội bác Ba Phi) nhớ lại: “Lúc ông nội tôi còn sống có kể, khi ông lấy được con gái nhà giàu, nhiều người xa gần tìm đến xem ông ấy tài giỏi thế nào, khi thấy tận mắt rồi thì ai cũng phải chép miệng thán phục”.

Lúc đi ở, Ba Phi vốn là người siêng năng, chịu khó. Chuyện “bỗng dưng giàu có” không làm Ba Phi thỏa mãn rồi đi vào ăn chơi như Bạch Công tử ở xứ Bạc Liêu cách đó không xa. Ba Phi vẫn thức khuya dậy sớm, ngày hai bữa xắn quần vác cuốc ra đồng, khai hoang vỡ đất, trồng cây, nuôi cá… Dẫn chứng về điều này, bà Dung chỉ cho chúng những rặng dừa do Ba Phi trồng nay còn sót lại. Những thửa ruộng mênh mông quanh khu mộ, ông nay đã chia cho con cháu nhưng vẫn đủ rộng để chúng tôi có thể hình dung.

Thuở nhỏ, bà Dung hay theo chân ông nội (bác Ba Phi) đi chơi nên còn nhớ rất rõ những gì thuộc về quá khứ. Bà bảo: “Ngày trước vùng này chủ yếu là rắn rết muỗi mòng, cây cối um tùm nên ông nội tôi khai phá đến đâu là trồng lúa, cau, dừa và các loài cây ăn quả đến đó. Ngoài ruộng, ông trồng lúa, thả cá, ba ba, rùa, cần đước (họ nhà rùa). Nhờ những giọt mồ hôi, công sức đổ xuống mà chẳng mấy chốc, ông biến chốn đầm hoang thành miệt vườn trù phú nhất vùng”.

Đặc biệt, Ba Phi còn thuê người đào một con kênh lớn ngang qua nhà để tiện bề đi lại và vận chuyển hàng hóa sang các vùng khác bán. Con kênh này được ông trồng Tràm hai bên, ghe thuyền đi ngang rợp bóng, nên người dân đặt tên là kênh Lung Tràm. Để nhớ tên ông, ngày nay người ta quen gọi là kênh Ba Phi.


 Ông Mười là cháu ruột nắm giữ nhiều câu chuyện về cuộc đời bác Ba Phi.

Dù giàu có, nhưng Ba Phi rất khiêm tốn, hay giúp đỡ người nghèo. Có một câu chuyện mà ngày nay, bà Dung vẫn kể lại mỗi khi ai đó hỏi. Một hôm, Ba Phi đi làm đồng về thì thấy có người leo lên hái dừa trộm trong vườn nhà, ông liền đứng lại chờ cho đến khi người đó hái xong, tuột xuống gốc ông mới đi tiếp. Có người nhìn thấy ngạc nhiên hỏi tại sao ông không bắt trộm thì Ba Phi cười trả lời: “Nếu tôi la lên vô tình làm người ta té ngã từ trên cao xuống thì tôi là người phải tội”.

Chuyện Ba Phi tốt bụng nổi tiếng ai ai cũng biết, những sản vật mồ hôi công sức bản thân làm ra nhưng nếu ai đói, ai thiếu đến xin, ông đều cho mà không lấy tiền. Bên cạnh đó sau những ngày mệt nhọc ngoài đồng ruộng về, Bác Ba Phi lại quây quần cùng người dân nướng cá lóc nhậu, kể những câu chuyện “trên trời dưới đất” do ông tự phịa ra khiến người nghe tin “sái cổ”. Rồi cái danh “đệ nhất xạo” có từ lúc nào không hay.

Ông Nguễn Văn Mười (76 tuổi, ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) là con người em thứ 6 của Ba Phi. Ngày trước bên cạnh nhà Bác Ba Phi có một ngôi trường, do nhà nghèo nên ông được Bác Ba Phi cưu mang nuôi trong nhà cho ăn học. Bởi thế, chuyện về bác Hai mình, ông còn nhớ nằm lòng.

Ông kể: “Tuy Ba Phi có trong tay mười mấy ngàn công đất, nhưng ông chưa bao giờ tự coi mình như địa chủ. Sinh thời, Ba Phi không bóc lột tô, tức người dân, những ai đến làm công xong ông đều trả tiền rất sòng phẳng. Khi kháng chiến chống Pháp xảy ra năm 1946, nhà nước kêu gọi ủng hộ, ông còn hiến mấy ngàn công đất, không bán cho ai, chuyện này anh em trong họ hàng ai cũng biết. Bởi vậy lúc còn sống, ông rất được nhiều người yêu mến và kính nể gọi là Bác Ba Phi”.

 “Võ Tòng” đất Nam Bộ

Ngày nay nói về Bác Ba Phi, dân gian thường biết đến ông là người sáng tạo và kể chuyện phiếm nổi tiếng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, ít ai biết “đệ nhất xạo” từng là một người rất giỏi võ, sống nghĩa hiệp. Ông Mười bảo ngày còn thanh niên, ít ai cao lớn như Ba Phi, sức vóc lại hơn người, tính tình ngay thẳng, phóng khoáng. Có một chuyện mà cụ Mười đến nay vẫn  kể cho con cháu nghe là thuở thanh niên Ba Phi từng đánh hổ. Thuở ấy, vùng U Minh nổi tiếng rắn độc và thú dữ, đặc biệt là hổ dữ. Về đêm, tiếng hổ cà um (gầm) vang khắp rừng. Những ngày đói, chúng thường kéo đàn tìm đến các ấp để tìm mồi, khiến người dân phải khóa trái cửa, khiến trẻ nhỏ cũng không dám khóc lớn.

Ngày đó, vùng U Minh có con hổ đực rất khôn ngoan, nhiều người lạc chân trong rừng thường mất tích một cách bí ẩn mà người ta nghi bị nó ăn thịt. Mãi cho đến khi có người tận mắt thấy hổ tha xác người chạy vào rừng, thì chuyện người mất tích không còn là bí ẩn nữa. Rồi một ngày nọ, con hổ lại xuất hiện. Lần này, nó bắt một phụ nữ đang đi ruộng (làm ruộng). Người dân thấy hô nhau bao vây nhưng không ai dám vào đánh để giành xác lại. Mẹ ruột Ba Phi là người biết võ đánh hổ nên khi nghe tin liền bảo với Ba Phi trông nhà để bà đi đánh hổ giành xác về cho bà con. Nghe thấy vậy, chàng trai Ba Phi ngăn lại ngay rồi xung phong đi.

Lúc Ba Phi đến nơi thì thấy người dân tay gậy, tay cuốc đứng vây sẵn. Bên trong, con hổ một chân giữ mồi, miệng gầm rú tìm đường thoát thân. Thấy vậy, ông bảo người dân vây kín để ông lao vào đánh. Đụng độ với hổ thì Ba Phi gặp thường xuyên nên ông đủ tự tin để buộc con thú nhả mồi. Bởi ông biết, hổ hung bạo là vậy nhưng biết lựa thế đánh vào yếu huyệt thì nó sẽ khiếp vía bỏ chạy ngay. Chàng trai Ba Phi dáng cao tầm thước, đầu quấn khăn rằn sải những bước chân chắc nịch, tay cầm roi tiến từng bước thận trọng. Con hổ thấy đối thủ liền tạm thả con mồi chuẩn bị giao chiến. Loài hổ có đặc điểm quẫy đuôi bên phải ắt chồm móng vuốt sang bên trái và ngược lại, quy luật này Ba Phi biết rất rõ. Những miếng vuốt của con hổ thì Ba Phi đều tả xung hữu đột tránh được, đồng thời những nhát đòn chí mạng bằng roi mây như dùi nện do chàng trai đáp trả khiến con hổ phải lùi bước. Lựa thế xông lên, Ba Phi ngoài người tung bàn tay gọng kìm dáng đòn chí mạng đúng ngay vào mắt con hổ làm máu chảy toe toét.

Một tiếng gầm vang cả cánh rừng, con hổ lồng lên lao một mạch nhằm hướng rừng sâu chạy thục mạng. Cuộc giao chiến kiết thúc trước sự thán phục của người dân, Ba Phi khênh người phụ nữ xấu số về. Ông Mười bảo chuyện này hoàn toàn có thật. Hiện nay, đại ngàn U Minh không còn hổ nữa, nhưng thuở “khai sơn lập địa” thì nơi đây loài thú này nhiều vô kể. Bởi vậy xưa kia, miệt U Minh của Cà Mau có những thợ săn hổ nổi tiếng là vậy.

Không những đánh hổ, Ba Phi còn là biểu tượng cho người nông dân quật cường không chịu sự đàn áp của chúa đất. Ông Mười lại kể, ngày trước ở Xà Qưới (địa danh xưa ở huyện Trần Văn Thời ngày nay - PV) có một tên chúa đất người Khơ me nổi tiếng hống hách và giỏi võ. Tên này cậy thế có nhiều tay chân nên hay gây hấn lấn chiếp đất đai của những người nông dân chân lấm tay bùn. Thấy Ba Phi có nhiều đất lại được đông đảo bà con ủng hộ, hắn hăm he đòi chiếm. Một ngày nọ, hắn cho người sang thách đấu với điều kiện, nếu đấu tay đôi mà Ba Phi thắng cuộc, hắn ta sẽ nhường đất và giúp đỡ cho làm ăn, ngược lại nếu thua thì phải chấp nhận ngồi “chiếu dưới”. Không ngần ngại, Ba Phi nhận lời ngay.

Sân đấu là một bãi cát trống ven sông ở vùng Xà Qưới, dân trong vùng nghe tin bỏ công việc kéo nhau đi xem. Trước khi vào trận Ba Phi cất lời hỏi: “Bây giờ anh muốn đấu bằng cái gì?”, tên chúa đất hất hàm trả lời: “Tôi thích đấu bằng roi”. Ba Phi điềm tĩnh gật đầu, bởi đó là “món” sở trường mà ông được học rèn từ nhỏ.

Cuộc giao chiến bắt đầu, tên chúa đất ra tay quất nhát roi mạnh ra tiếng gió, Ba Phi lùi lại lách một tay đưa roi ứng đỡ, đoạn roi của đối thủ rơi cắm ngay xuống đất. Ba Phi dừng tay bảo tên chúa đất rút roi lên đấu tiếp. Cuộc đấu lại bắt đầu, lần này tên chúa đất vẫn chủ động ra đòn, nhưng Ba Phi chỉ dùng một thao tác hóa giải, lần thứ hai chiếc roi lại rơi khỏi tay đối thủ. Biết không thể thắng, tên chúa đất đành phải cay cú chấp nhận chịu thua trước sự tán thưởng của người dân. Từ đó, hắn nể phục, không quấy nhiễu người dân nữa.

Theo Gia đình & Xã Hội

Tin tức mới nhất