Thêm tiết lộ chấn động về hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ của “cậu” Thủy

Nói là có hài cốt nhưng thực chất chỉ có mấy khúc xương động vật được chôn kèm, nếu có xương người thì cũng là họ ăn cắp ở các nghĩa trang rồi lừa đảo các gia đình.

Ông Võ Văn Mãng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, cho biết, nhiều trường hợp nói là có hài cốt nhưng thực chất chỉ có mấy khúc xương động vật được chôn kèm, nếu có xương người thì cũng là họ ăn cắp ở các nghĩa trang rồi lừa đảo các gia đình.



Theo ông Võ Văn Mãng, Bình Phước là một trong những tỉnh có rất nhiều gia đình tìm đến để cất bốc cất hài cốt liệt sỹ theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm. Nhưng tất cả những gì họ khai quật được chỉ là những nắm đất đen chứ không hề có hài cốt nào cả. Nhiều trường hợp nói là có hài cốt nhưng thực chất chỉ có mấy khúc xương, trong đó có cả xương của động vật được chôn kèm, nếu có xương người thì cũng là họ ăn cắp ở các nghĩa trang rồi lừa đảo các gia đình liệt sỹ để trục lợi.

“Ngân hàng không cho chúng tôi tham gia việc cất bốc liệt sỹ”

Được biết trong những ngày cuối tháng 1/2013, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với ông Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu” Thủy) tiến hành quy tập 15 hài cốt liệt tại phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Việc quy tập này có sự giám sát của chính quyền địa phương không, thưa ông?

Đây là những bộ hài cốt được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức khai quật tại 3 hố chôn tập thể ven quốc lộ 13 đoạn đi qua địa bàn phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước vào tối 29/1. Công tác khai quật được thực hiện từ 17h15 ngày 29/1 và đến tận 0h ngày hôm sau, 30/1. Sau hơn 6 tiếng thực hiện, các cán bộ trong đoàn đã phát hiện và bốc được 15 bộ hiện vật được cho là hài cốt, tại 3 hố chôn tập thể. Những hiện vật này được đoàn công tác đó xác định là của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuy nhiên, quá trình khai quật bốc hài cốt, ông Thúy cùng đoàn của ngân hàng không cho cán bộ, chiến sĩ đội quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ K72 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước) tham gia, thậm chí không cho vào khu vực đào tìm. Họ quây dây, chăng bạt kín. Chỉ đến khi bốc cất xong, ngân hàng mới tiến hành bàn giao cho tỉnh và đề nghị được đưa vào nghĩa trang để làm lễ truy điệu.

Ngay từ đầu, khi thấy họ đào tìm tại khu vực phường Hưng Chiến, chúng tôi đã biết ở đó toàn là mộ giả và có nhiều dấu hiệu “lừa đảo”.

Dựa trên cơ sở nào Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước nhận định đó là mộ giả? Tại sao Sở không ngăn chặn việc này ngay từ lúc đó, thưa ông?

Địa điểm khai quật hài cốt là rừng cao su với độ sâu chỉ từ 30cm là vô lý. Nhiều công nhân ở đây cho biết, rừng cao su này đã thanh lý trồng lại lần này là lần thứ 3. Địa điểm khai quật lại là gốc cây cao su đã chết, mà trước đó công nhân dùng máy đào xới, múc đất khá sâu nên hài cốt liệt sĩ, nếu có, sẽ không còn ở vị trí đó.

Ngay sau khi tổ chức lễ truy điệu, an táng về nghĩa trang tỉnh Bình Phước, Tỉnh đội K72 và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã tiến hành kiểm tra lại những hài cốt được bàn giao và phát hiện ra rất nhiều dấu hiệu giả mạo: Vì sao các chiến sĩ hy sinh năm 1972 nhưng trong những di vật tìm thấy lại có “huy hiệu ngôi sao” sau năm 1975? Có một chiến sĩ hy sinh tận Bến Lớn (gần khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương hiện nay) nhưng lại phát hiện chôn ở phường Hưng Chiến - cách nhau gần 100 km? Có trường hợp chiến sĩ hy sinh 2 năm trước nhưng lại được chôn chung mộ với người hy sinh sau. Có 2 chiến sĩ bị sốt rét mất trong căn cứ (cách nơi tìm thấy mộ 2-3 km theo đường chim bay) nhưng ông Thúy lại khẳng định chôn tại nơi ông ta cùng đoàn ngân hàng đào!

Điều vô lý nhất là khi chúng tôi tiến hành kiểm tra hài cốt được ông Thúy cho là đốt xương cổ của liệt sỹ thì phát hiện hai đầu khúc xương được bịt xi măng, bên trong đổ đầy cát trắng xóa hòa với xi măng bột màu đen. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu và gửi đi giám định ADN thì đến ngày 28/8 có kết quả là không phải xương người!

Nhiều người dân sống ở xung quanh đó nhận định, khả năng các di vật này được chôn ở đây từ đầu mùa mưa, sau vài tháng cỏ mọc um tùm nên dễ dàng che hết dấu vết làm giả.

Ngân hàng chính sách xã hội thật khó hiểu!


Trước đó Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có văn bản chỉ đạo ghi rõ không công nhận danh tính đối với những hài cốt liệt sỹ được quy tập bằng phương pháp ngoại cảm, tại sao tỉnh Bình Phước vẫn tổ chức lễ truy điệu các hài cốt này vào nghĩa trang mà chưa có kết quả giám định ADN, thưa ông?


Ngay từ lúc đầu chúng tôi đã không đồng ý rồi. Nhưng đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội đến đặt vấn đề và mang văn bản đến đề nghị với tỉnh, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt bốc cất được vào nghĩa trang tỉnh. Vì có văn bản nên chúng tôi phải chấp hành.

Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời: những liệt sỹ có tên trong danh sách cất bốc không hi sinh tại địa điểm đó. Phát hiện nhiều dấu hiệu làm giả hài cốt liệt sỹ, ngay lập tức, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Phước đã có báo cáo gửi lên cấp trên. Nhưng không hiểu vì lý do gì, phía ngân hàng vẫn kết hợp với ông Thúy tiếp tục lên huyện Ea H'leo, tỉnh Đắc Lăk quy tập thêm 31 bộ “hài cốt liệt sỹ” nữa.

Ông Nguyễn Thanh Thúy đã bị bắt vì hành vi làm giả hài cốt liệt sỹ, tỉnh Bình Phước có hướng xử lý như thế nào đối với những bộ hài cốt đã quy tập được?

Hiện tại, ba bộ “hài cốt liệt sỹ” xác định được danh tính đã được Ngân hàng Chính sách xã hội bàn giao cho người nhà mang về địa phương an táng ngay tại thời điểm đó. 12 bộ hài cốt còn lại hiện nằm trong nghĩa trang tỉnh Bình Phước, đang để nguyên trạng phục vụ công tác điều tra. Sau khi công tác điều tra hoàn tất, chắc chắn tỉnh Bình Phước sẽ đưa các hài cốt này ra khỏi nghĩa trang liệt sỹ.

Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc một nơi linh thiêng, tưởng niệm các liệt sỹ đã xả thân vì đất nước lại bị ô tạp bởi những thứ giả mạo, lừa đảo như thế được!

Trước đây việc tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ thất lạc trong chiến tranh tại tỉnh Bình Phước được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã thực hiện việc cất bốc hài cốt liệt sỹ từ nhiều năm trước nhưng chưa bao giờ dùng đến phương pháp ngoại cảm. Tỉnh Bình Phước huy động tất cả các nguồn tin trong đó dựa chủ yếu vào các thông tin của các đơn vị, sư đoàn, trung đoàn từng đóng trên địa bàn tỉnh cung cấp. Dựa vào danh sách liệt sỹ hi sinh, sơ đồ, tọa độ trận đánh để tìm kiếm.

Chúng tôi cũng luôn kêu gọi người dân trong quá trình đi làm ruộng, làm nương rẫy phát hiện hài cốt thì báo với chính quyền địa phương. Sau đó, dựa vào các di vật, đối chiếu với thông tin các đơn vị bộ đội cung cấp để xác định danh tính liệt sỹ. Khi có kết quả giám định ADN rồi, tỉnh tổ chức bàn giao để thân nhân gia đình liệt sỹ làm lễ an táng tại địa phương mình.

Theo Dân Trí

Tin tức mới nhất