Vụ bé trai bị tôn cứa vào cổ: Câu chuyện đau lòng từ 2 phía gia đình

Vụ tai nạn xảy ra trong chớp nhoáng nhưng nỗi đau quá lớn. Với gia đình anh Hiếu, họ đã mãi mãi mất đi một người con còn ở phía bên kia, gia đình anh Bình không bao giờ thôi day dứt vì vô tình hại chết một mạng người...

>>> Vụ bé trai bị tấm tôn cứa cổ: ‘Anh ơi, đừng để con ở đây một mình, nó lạnh lắm’
>>> Nguy hiểm không ngờ từ mái tôn khiến em bé tiểu học tử vong

Nuôi con 10 năm, mất đi chỉ sau vài canh giờ, nỗi đau ấy đối với gia đình em Trần Minh Hoàng có lẽ không thể nào diễn tả hết thành lời. Ngày hôm qua (23/9), khi cả bố và mẹ em đều đang bận việc cơ quan, đều đang vui vẻ nói chuyện với đồng nghiệp thì có ngờ đâu, trong một con ngõ gần nhà, con trai họ lại gặp tai nạn kinh hoàng.

"Tang lễ là chuyện cuối cùng tôi được lo cho con trai mình"

Suốt từ hôm qua, người dân khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết xôn xao về vụ tai nạn thương tâm xảy ra với em Hoàng. Vì mải nô đùa với những người bạn, em không may va phải tấm tôn dài khoảng 6m đặt trên một chiếc xích lô, tử vong tại chỗ vì chảy quá nhiều máu ở cổ.

 - Ảnh 1.
Anh Hiếu chia sẻ về những mất mát mà gia đình gặp phải.

Bước vào căn hộ gia đình Trần Công Hiếu (SN 1983) và chị Đỗ Thị Thanh Phương - cha mẹ em Hoàng, không khí tang thương đang bao trùm khắp căn nhà nhỏ lạnh lẽo. Anh Hiếu nói, lịch học thì hôm nay là ngày Hoàng phải đi học. Tầm 7h sáng, mọi người đang bận sửa soạn cho em đi học... còn hôm nay, mọi thứ đều đã thay đổi.

 - Ảnh 2.
Cả gia đình đang tập trung lo tang lễ cho cháu bé, không khí tang thương bao trùm khắp ngôi nhà.

Nhớ lại chuyện xảy ra ngày hôm qua, anh Hiếu vẫn chưa hết bàng hoàng. Đối với anh, đó là một cơn ác mộng dài mà đến bây giờ, anh vẫn không thể nào tin đó lại là sự thật. "Ngày hôm đó tôi và mẹ bé đều bận đi làm. Mọi thứ ở cơ quan vẫn diễn ra bình thường... đùng một cái, tôi nhận được cú điện thoại từ bố, mẹ mình...".

Theo lời anh kể, vì trường Tiểu học Tân Mai quá đông học sinh nên nhà trường phải sắp lịch học - nghỉ luân phiên. Hôm qua tuy là thứ 6 nhưng Hoàng lại được nghỉ học và sẽ học bù vào sáng thứ 7. "Vì được nghỉ học nên con xin bố mẹ đi chơi, còn xin thêm mấy chục nghìn để mua truyện về đọc. Tôi vui vẻ đồng ý, cứ nghĩ con chỉ đi chơi một lúc rồi về, ai ngờ là nó sẽ không bao giờ về được nhà nữa", anh Hiếu không giấu nổi những giọt nước mắt làm mờ ướt hai hàng mi.

 - Ảnh 3.
Sự gia đi của bé Hoàng khiến cả gia đình bàng hoàng đau xót.

Chị Phương (mẹ em Hoàng) kể rằng, Hoàng học đi xe đạp từ ngày lớp 1 nên đi xe rất thành thạo, chưa bao giờ xảy ra va quệt gì. "Chiếc xe đó đang đi sửa thì con xin đi lấy xe từ chỗ sửa về nhà, tiện đường đi chơi một lát. Đáng lẽ là sẽ chỉ đi chơi một lát thôi. Lúc xảy ra tai nạn, cháu đang trên đường về mà, chỉ một chút nữa là về đến nhà rồi", chị Phương nức nở.

Gia đình chị Phương có 3 người con trai, em Hoàng là con trai thứ 2, đang học lớp 4. Bố mẹ em làm trong ngành xây dựng và bảo hiểm nên công việc cũng khá bận rộn. Ngày thường, khi nghỉ học, Hoàng thường ở nhà với ông bà nội. Theo lời người dân quanh đây, em là một cậu bé rất ngoan ngoãn, lễ phép. Tuy là con trai nhưng ít khi nghịch ngợm lung tung.

"Sáng nay tôi phải đến bệnh viện Bạch Mai lo khám nghiệm tử thi cho cháu, bàn thờ cháu còn chưa kịp lập...". Anh Hiếu cho biết, điều anh muốn làm nhất lúc này là lo hậu sự chu tất cho con trai còn mọi việc khác, sẽ chờ đợi theo cách xử lý của pháp luật.

"Tôi chỉ mong lo lắng chu toàn lần cuối cùng cho con. Đây là lần cuối rồi vì sẽ không bao giờ, tôi còn được lo lắng cho nó nữa", anh Hiếu nghẹn lời.

Anh tâm sự, bản thân mình cũng biết hoàn cảnh gia đình bác lái xe xích lô rất khó khăn nên không hề trách cứ. " Tôi chỉ trách những người mua bán những tấm tôn đó, tại sao khi đưa nó lên xe xích lô của ông Bình lại không che chắn lại. Giá kể những tấm tôn dài, sắc nhọn ấy được bọc một lượt giấy thôi thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Ông Bình nghèo, mải kiếm tiền nuôi thân nên có thể không để ý nhưng làm sao những người bán tấm tôn có thể thoải mái nâng những tấm tôn trần ấy đặt lên xe xích lô được ".

Gia cảnh đáng thương của người đàn ông chở tấm tôn dài bằng xe xích lô

Vụ việc xảy ra tại ngõ 66 Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng khắp xung quanh khu vực này, không ai là không biết đến câu chuyện đau lòng ấy.

Bà Diệt (một người dân sống gần khu tập thể A5, Tân Mai) cho biết: "Sự việc xảy ra đúng là họa vô đơn chí, là nỗi đau cho cả hai gia đình. Nhà chị Phương mất con mà thằng bé ngoan ngoãn lắm, còn bên gia đình anh Bình cũng khổ, gia cảnh nheo nhóc lắm. Anh này chạy xích lô tiền không đủ mua cơm ăn hàng ngày, căn nhà đang ở cũng do nhà nước xây cho đấy".

 - Ảnh 4.
Bà Diệt - hàng xóm của anh Bình chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình anh.

Theo lời bà, nhiều năm nay ông Bình làm nghề tự do và chở xe xích lô (chủ yếu chở hàng hóa) với mức giá rẻ mạt để kiếm sống. "Vợ con đều sống ở quê. Tôi thấy bảo lần chở tấm tôn dài gây tai nạn kia, người ta cũng chỉ trả cho nó 20.000 đồng thôi. Mỗi ngày nó chạy một vài chuyến như thế, tiền ăn không đủ".

 - Ảnh 5.
Căn nhà nhỏ chật hẹp như gian nhà trọ của anh Bình

Trong khi đó, chị Phương (một người dân khác tại khu tập thể A5) cũng chia sẻ rằng gia đình anh Bình rất nghèo khổ. Sự việc xảy ra, hàng xóm không chỉ thương gia đình anh Hiếu, chị Phương mà còn rất đồng cảm cho anh Bình. "Chiếc xích lô lúc đó cũng đang đỗ ở đầu ngõ 66, anh Bình đang ăn trưa nên mọi thứ thực sự cũng là điều không may".

 - Ảnh 6.
Chị Phương, hàng xóm nhà anh Bình cho biết, gia đình anh khá khó khăn

Chị Thu (SN 1968, vợ anh Bình) tâm sự, anh Bình quê gốc người Phủ Lý, Hà Nam. Sau khi kết hôn với chị, anh tiếp tục lên Hà Nội làm việc, kiếm tiền phụ chị ở quê nuôi 2 con (một trai, một gái) ăn học. Hiện tại, các con của anh chị đều đã lớn và lập gia đình. Gia cảnh của anh chị và các con đều rất khó khăn.

 - Ảnh 7.
Chị Thu đang phải chạy xuôi, chạy ngược vay mượn từng đồng để lo lắng cho anh Bình

"Tôi với anh ấy lấy nhau 30 năm nay rồi. Anh ấy là người hiền lành lắm, có bao giờ làm hại ai đâu. Nhà tôi nghèo, một mình anh ấy đau ốm nhưng vẫn phải nai lưng làm việc kiếm sống", chị Thu kể.

Theo lời chị, từ hôm xảy ra sự việc, chị đang phải chạy xuôi, chạy ngược vay mượn từng đồng để lo lắng cho anh Bình. " Tôi cũng chỉ mong gia đình anh Hiếu, chị Phương bớt đau lòng. Chúng tôi sẽ cố gắng xoay xở, đền bù cho họ không phải chỉ vì trách nhiệm mà còn bởi lương tâm nữa. Tôi biết anh chị ấy là chỗ hàng xóm nên cũng rất thông cảm với nhà tôi... chứ nếu họ bắt đền bù nhiều quá, tôi cũng không biết tính sao ", chị Thu nói thêm.


Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất