Con chết ngạt trong bụng vì mẹ không thể vượt bùn lầy giữa đường

Sản phụ Lầu Thị Sáng được người nhà đưa lên trạm y tế xã để sinh. Tuy nhiên không thể vượt qua được con đường lầy lội dẫn lên xã.

Mẹ đi sinh nhưng không thể vượt bùn lầy 

Sáng sớm 6.8, sản phụ Lầu Thị Sáng được người nhà đưa lên trạm y tế xã để sinh. Tuy nhiên không thể vượt qua được con đường lầy lội dẫn lên xã. Vừa quay về đến nhà thì chị sinh nhưng đứa bé đã chết trong bụng vì ngạt.

6h sáng, tiếng chuông điện thoại liên tục réo. Phía bên kia đầu dây, tiếng trưởng bản Tráng A Dơ (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) hớt hải và đau đớn: “Sáng nay một sản phụ không tìm được đường ra trạm y tế xã nên đứa con đã chết ngạt trong bụng. Đau xót lắm chú ơi! Từ năm ngoái đến nay gần chục đứa trẻ trong bản chết oan vì con đường đau khổ này rồi”.

Con chết ngạt trong bụng vì mẹ không thể vượt bùn lầy giữa đường-1
Vợ chồng sản phụ Sáng thất thần khi đứa con đầu lòng tử vong chỉ vì không đến được trạm y tế.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng tôi vượt gần 100 km từ thị xã Gia Nghĩa về bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức nhờ sự dẫn đường ông Lê Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã.

Ông Minh cho biết, tròn một tháng cơn mưa mới chịu dứt nên con đường từ ủy ban xã dẫn vào trung tâm bản Đoàn Kết rất khó đi. Những đoạn đường đất đá lởm chởm rồi lại đến bùn lầy nhão nhoét nối tiếp nhau khiến cho nhiều người phải bỏ lại xe mà lội bộ hoặc gắn thêm “áo giáp” cho xe mới đi vào được.

Đi sinh đến nửa đường đành quay đầu về

Bản Đoàn Kết là bản xa nhất của xã Đắk Ngo. Cứ đến mùa mưa, bản này lại bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi con đường đất duy nhất bị cày tung dưới những chiếc bánh xe công nông. Mặt đường là những hố sâu nham nhở, từng vũng bùn đỏ au, đặc quánh.

Trên đường đi ông Minh cho biết thêm, bản Đoàn Kết là bản người Mông sinh sống, được hình thành từ khoảng 10 năm trước. Từ đó đến nay vào mùa mưa người dân trong bản phải sống chung với con đường lầy lội còn mùa khô thì mù mịt bụi.

Bốn năm trước, nhà nước cấp kinh phí cho bản Đoàn Kết cải tạo lại đường dẫn vào bản, tuy nhiên con đường này chỉ dài khoảng 1,5 km, bắt đầu từ lưng chừng núi và kết thúc khi cách đầu bản vài trăm mét.

Con chết ngạt trong bụng vì mẹ không thể vượt bùn lầy giữa đường-2
Xe máy khi đã sa phải vũng lầy không thể nào thoát ra được.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm được đến nhà sản phụ Lầu Thị Sáng (SN 1999). Từ đầu ngõ, hàng chục người đã vây kín căn nhà gỗ của Sáng, bên trong tiếng khóc của người già, người trẻ cứ nối tiếp nhau vang lên.

Ngồi thất thần trước cửa với gương mặt tuyệt vọng đau đớn, ông Lầu Sau Vừ (bố chồng Sáng) kể lại: “Sáng sớm  6.8, con dâu tôi trở dạ nên được người nhà đưa lên trạm y tế xã để sinh.

Tuy nhiên, vừa đi được khoảng 30 phút thì phải quay trở lại vì cả xe máy lẫn xe công nông đều không thể đi qua được con đường lầy lội dẫn lên xã. Vừa quay về đến nhà thì nó sinh. Tuy nhiên, cháu trai chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì đã chết trong bụng mẹ”.

Bên trong nhà, Sáng dường như vẫn chưa dám tin đứa con trai đầu lòng của mình đã mất, cô chỉ nằm bất động trên giường, thi thoảng ú ớ một vài tiếng. Ngồi bên cạnh, Lầu Sau Sùng (chồng của Sáng) giọng mếu máo và trách than: “Giá như có con đường thì con tôi đã sống rồi!”.

Được biết, trường hợp của sản phụ Sáng không phải là duy nhất ở bản này. Theo trưởng bản Dơ, mỗi năm có khoảng 10 trường hợp tử vong do không đưa kịp đến cơ sở y tế để cấp cứu, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 6 tuổi.

“Ngoài nguyên nhân là khi bệnh nặng thì người nhà nạn nhân mới đưa đến bệnh viện thì con đường lầy lội dẫn đến xã cũng là một phần gây ra những sự cố đáng tiếc trên”.

Mòn mỏi chờ một con đường

Theo ghi nhận của phóng viên, con đường dài gần 10km từ xã dẫn vào bản Đoàn Kết, một bên đường là vực thẳm, một bên toàn là lau lách che khuất cả lối đi. Đây cũng là con đường dẫn vào bản Tân Lập (một bản người Mông khác thuộc xã Đắk Ngo).

Thi thoảng trên con đường “đau khổ” này mới có một vài người dân bì bõm lội bộ giữa những vũng bùn lầy, gương mặt, quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, lộ rõ vẻ khắc khổ.

Ông Lầu Sau Vừ (bố chồng của Lầu Thị Sáng) cho biết: “Để đi qua con đường này thì gian nan, vất vả lắm nên nhiều người phải chọn cách đi bộ cho an toàn.

Tuy nhiên, con dâu tôi trở dạ chẳng lẽ lại bắt nó đi bộ ra đến trạm y tế, nên phải dùng xe công nông đưa đi. Công nông đi được một đoạn thì sa lầy buộc phải chuyển sang xe máy, nhưng xe máy cũng chỉ đi được một đoạn thì phải quay về vì không đi thêm được nữa. Đường khó đi nên dân bản chúng tôi thiệt thòi đủ thứ”.

Trong khi đó, ông Sùng Seo Nhè (trưởng bản Tân Lập) cho biết: “Đường hư hỏng nhiều, nên dẫn đến xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông. Hầu hết các vụ va chạm, hoặc tai nạn, xe tự lật là do đường gồ ghề, xuống cấp trầm trọng.

Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất khi bị bệnh tật, ốm đau nặng cần phải đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến trên. Bởi người bị nhẹ được chuyển bằng xe máy thì ra đến bệnh viện cũng thành nặng. Những người bị nặng ra tới nơi cũng khó lòng qua khỏi.

Bây giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền các cấp trả lời dứt khoát có làm đường cho chúng tôi không ? Chứ sống trong cảnh này, cái đói cái nghèo cứ bám lấy dân bản chúng tôi thôi”, một người dân bản Tân Lập bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết: “Đường sá không thuận lợi làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của người dân, địa phương.

Điển hình như có một số doanh nghiệp ở nơi khác đến, muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, nhưng đường sá chưa được đầu tư xây dựng, nên họ chẳng mặn mà.

Chính quyền, người dân rất mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa trên địa bàn”.

Theo Dân trí


mưa lũ sản phụ

Tin tức mới nhất