Lật tẩy những lời đồn gian dối tai hại về vắc xin COVID-19 gây bức xúc

Khi thế giới đang phải vật lộn chống lại đại dịch, thật cần thiết để phơi bày sự thật và xoá bỏ những điều giả dối về vắc xin COVID-19.

Trong số những thành tựu của nền y học hiện đại, có rất ít thành tựu lại trở thành nạn nhân của tin giả nhiều như như vaccine. Khi thế giới đang phải vật lộn chống lại đại dịch, thật cần thiết để phơi bày sự thật và xoá bỏ những điều giả dối.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2010 đến năm 2015, ước tính đã có khoảng 10 triệu người được cứu sống nhờ vaccine.

Các nhà khoa học đã làm việc miệt mài để tạo ra các vaccine an toàn và hiệu quả nhằm bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2.

Hiện nay, khi nhiều nước đã triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 thì các nhà khoa học và chuyên gia y tế lại phải đối mặt với một thách thức mới: thông tin sai lệch và mối lo ngại khi tiêm vaccine.

Một số người anti-vaccine tin rằng vaccine là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh, vì vậy họ đã dành tất cả thời gian và công sức của mình để chống lại chúng, nhưng thực tế là vaccine đã cứu sống hàng triệu triệu người.

Sự do dự và lo ngại khi tiêm vaccine không phải là điều mới mẻ, và nó hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng hạn sự xuất hiện đầy rẫy thông tin sai lệch về độ an toàn và hiệu quả của vaccine trên internet.

Ngoài ra, việc vaccine COVID-19 được tạo ra trong một thời gian ngắn cùng với việc sử dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những lo ngại này.

Ngày nay, một tỷ lệ lớn dân số nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang có những lo ngại khi tiêm vaccine. Bài viết này sẽ lý giải những mối lo ngại và lời đồn phổ biến liên quan đến vaccine COVID-19.

Mặc dù, có thể không thuyết phục được những người anti-vaccine nhưng hy vọng các thông tin này sẽ giúp ích cho những ai còn đang do dự.

Lời đồn 1. Vaccine không an toàn vì được tạo ra quá nhanh

Có một sự thật không thể chối cãi rằng các nhà khoa học chỉ mất chưa đến 1 năm để tạo ra vaccine COVID-19. Đây là khoảng thời gian kỷ lục, nhanh hơn bất kỳ loại vaccine nào khác.

Kỷ lục trước đó thuộc về vaccine phòng quai bị được phát triển trong 4 năm.

Có nhiều lý do để vaccine COVID-19 được tạo ra nhanh hơn, nhưng không có lý do gì làm giảm độ an toàn của nó.

Lật tẩy những lời đồn gian dối tai hại về vắc xin COVID-19 gây bức xúc-1
Hãy cố gắng đưa con bạn đi tiêm chủng. Nguồn: Unicef.

Mặc dù SARS-CoV-2 là loại virus mới, nhưng nó cũng thuộc họ Coronaviridae là loài mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Vì thế việc phát triển vaccine phần nào được tiếp tục từ những nghiên cứu trước đó.

Bên cạnh đó, COVID-19 đã lan ra khắp các lục địa, vì vậy quá trình phát triển vaccine nhận được sự hợp tác chưa từng có trên toàn thế giới.

Trong khi nhiều nhà khoa học đối mặt với khó khăn về tài chính thì các nhà nghiên cứu về COVID-19 lại nhận được những khoản tài trợ khổng lồ.

Một yếu tố khác làm chậm quá trình phát triển vaccine là việc tuyển tình nguyện viên. Tuy nhiên, chúng ta lại không thiếu những người khỏe mạnh tự nguyện tham gia các thử nghiệm về COVID-19.

Thông thường các thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện tuần tự. Nhưng trong trường hợp này, các nhà khoa học có thể thực hiện đồng thời nhiều thử nghiệm giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Các điều kể trên cho thấy vaccine COVID-19 có thể được phát triển nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến tính an toàn.

Nói tóm lại: virus được xác định nhanh hơn; các nhà khoa học đã có kinh nghiệm trước đó với các mầm bệnh tương tự; công nghệ phát triển vượt bậc kể từ những năm 1980; mọi chính phủ đều khuyến khích đầu tư; và có rất ít hạn chế về tài chính.

Lời đồn 2. Vaccine sẽ làm thay đổi DNA của con người

Một số vaccine COVID-19, bao gồm vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna, dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA). Các loại vaccine này có cơ chế hoạt động khác với vaccine truyền thống.

Các vaccine truyền thống đưa mầm bệnh bất hoạt hoặc một phần mầm bệnh vào cơ thể để "dạy" cơ thể biết cách tạo ra phản ứng miễn dịch.

Ngược lại, vaccine mRNA giúp cho tế bào biết được cách virus tạo ra protein. Một khi protein được tạo ra, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, giúp cơ thể phản ứng lại các cuộc xâm nhập trong tương lai của chính mầm bệnh đó.

Tuy nhiên, mRNA không ở mãi trong cơ thể, và không được tích hợp vào DNA của chúng ta. Khi hoàn thành nhiệm vụ, tế bào sẽ phá hủy nó.

Sự thật là mRNA sẽ không thể tiếp cận được nhân tế bào, nơi chứa DNA.

Lật tẩy những lời đồn gian dối tai hại về vắc xin COVID-19 gây bức xúc-2
Ảnh minh họa virus corona

Lời đồn 3. Vaccine COVID-19 có thể gây mắc COVID-19

Điều này không thể xảy ra. Không có một loại vaccine COVID-19 nào chứa virus còn sống. Bất kỳ tác dụng phụ nào như đau đầu hay ớn lạnh đều do phản ứng miễn dịch chứ không phải do mắc COVID-19.

Lời đồn 4. Vaccine có chứa vi mạch

Một cuộc thăm dò của YouGov được thực hiện ở Hoa Kỳ vào năm ngoái đã hỏi 1.640 người một loạt câu hỏi về COVID-19. Đáng kinh ngạc, 28% người được hỏi tin rằng Bill Gates có kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 như một phương tiện để cấy vi mạch vào con người.

Theo một số người, bộ vi mạch này sẽ cho phép những người có quyền lực có thể theo dõi mọi hành động của họ. Trên thực tế, điện thoại di động thông minh đã làm được điều này một cách dễ dàng.

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào có chứa vi mạch.

Mặc dù có nhiều thông tin khác nhau từ các thuyết âm mưu, một số người tin rằng vaccine có chứa các thẻ nhận dạng tần số vô tuyến. Chúng bao gồm một bộ nhận dạng, máy thu vô tuyến và máy phát. Tuy nhiên, không thể thu nhỏ các bộ phận này đến kích thước đủ nhỏ để vừa với đầu kim tiêm.

Lời đồn 5. Vaccine COVID-19 có thể khiến con người bị vô sinh

Không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người. Tương tự, không có bằng chứng cho thấy chúng gây nguy hiểm cho việc mang thai.

Tin đồn này bắt đầu lan rộng vì mối liên hệ giữa protein gai (spike protein) được mã hóa bởi vaccine mRNA và một protein có tên là syncytin-1 rất quan trọng để nhau thai bám vào tử cung trong thai kỳ.

Lật tẩy những lời đồn gian dối tai hại về vắc xin COVID-19 gây bức xúc-3
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mặc dù protein gai có chung một số axit amin với syncytin-1, nhưng chúng không giống nhau đến mức gây nhầm lẫn cho hệ thống miễn dịch.

Tin đồn dường như được sự ủng hộ của Tiến sĩ Wolfgang Wodarg. Vào tháng 12 năm ngoái, ông đã kiến ​​nghị Cơ quan Dược phẩm Châu Âu tạm dừng các thử nghiệm vaccine COVID-19 ở Liên minh Châu Âu. Một trong số các mối quan tâm của ông là "vấn đề" syncytin-1.

Tiến sĩ Wodarg có tiền sử hoài nghi đối với vaccine và đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Ông và cựu phó chủ tịch kiêm nghiên cứu viên chính của công ty dược phẩm Pfizer Inc. đã cùng lên tiếng để đưa ra tuyên bố về vaccine gây vô sinh, do đó làm dấy lên những lo ngại này.

Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Lời đồn 6. Vaccine COVID-19 chứa mô thai nhi

Trong nhiều năm, những người anti-vaccine đã lan truyền tin đồn rằng, vaccine có chứa mô bào thai. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 nói riêng hay bất kỳ vaccine nào đều không chứa bất kỳ loại mô nào từ bào thai.

Tiến sĩ Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Southampton ở Vương quốc Anh nói với BBC rằng, "Không có tế bào bào thai NÀO được sử dụng trong bất kỳ quy trình sản xuất vaccine".

Lời đồn 7. Những người đã mắc COVID-19 không cần tiêm vaccine

Ngay cả những người từng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cũng nên được tiêm phòng. Như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã đề cập:

"Do các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến COVID-19 và thực tế là có thể tái nhiễm COVID-19, hãy tiêm vaccine cho dù đã nhiễm hay chưa nhiễm virus SARS-CoV-2".

Nói cách khác, cũng có khả năng xét nghiệm ban đầu cho kết quả dương tính giả, xét nghiệm cho kết quả dương tính, nhưng không có nhiễm virus. Vì lý do này, tốt hơn hết là tiêm vaccine.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/lat-tay-nhung-loi-don-gian-doi-day-tai-hai-ve-vac-xin-covid-19-gay-buc-xuc-161210802071909721.htm

COVID-19 vaccine

Tin tức mới nhất