2Sao
Thanh Hằng

inh năm 1974, Ngô Kinh thuộc dòng dõi "Chính Hoàng Kỳ", một trong "Thượng Tam Kỳ" của Hoàng tộc Mãn Châu. Là con trai một trong nhà, từ nhỏ Ngô Kinh đã mắc chứng bệnh suy nhược cơ thể. Cha mẹ anh vì lo lắng cho sức khỏe của con trai nên đã đăng ký cho anh gia nhập đội võ thuật của trường Thể Dục Thể Thao Bắc Kinh để rèn luyện.

Hồi nhỏ, Ngô Kinh không hiểu vì sao mà bố nhất định phải bắt anh học võ. Đến mãi sau này anh mới biết: “Bà nội tôi nói tổ tiên nhà tôi là mãn tộc Đa Nhĩ Cổn, từng nhiều lần làm Võ Trạng Nguyên. Ông nội tôi học Thái cực quyền Ngô thị. Còn ba tôi là sự kết hợp giữa Đường Lang Quyền và Cửu Tiết Tiên. Nhưng ông lại gắn bó với công việc trong ngành hàng không. Mà nhà tôi lại nhất định phải có người học võ”.

Năm 6 tuổi, Ngô Kinh vào học võ tại viện võ thuật Bắc Kinh ở Thập Sát Hải. Năm 13 tuổi, anh được chọn vào đội tuyển Wushu Bắc Kinh. Tại đây anh làm quen với những tháng ngày luyện tập vất vả dưới sự chỉ dẫn của sư phụ Ngô Bân, người từng đào tạo cho Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan và Triệu Văn Trác.

Thế nhưng vì muốn đạt thành tích cao trong kỳ thi chuyển đai nên Ngô Kinh đã thi đấu vượt quá giới hạn và bị chấn thương cột sống. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện cột sống của Ngô Kinh bị thoái hóa, dẫn đến tình trạng mất cảm giác cả 2 chân. Hàng ngày, anh phải chích thuốc giảm đau và làm vật lý trị liệu rất đau đớn.

Sau khi xuất viện, mặc dù đôi chân vẫn chưa khỏi hẳn, Ngô Kinh vẫn quyết tâm trở lại lớp học. Sư phụ Ngô Bân giúp đỡ đệ tử bằng cách đưa ra một chương trình huấn luyện đặc biệt nhằm khôi phục lại đôi chân cho anh.

Hàng ngày Ngô Kinh phải nhảy cóc 400m, bơi 10 vòng hồ bơi 100m, mỗi chân phải mang 1 quả tạ 2 kg, chưa nói đến việc châm cứu. Với tính cách gai góc và quyết tâm vượt qua bệnh tật, Ngô Kinh đã trở lại sàn thi đấu. Chỉ trong vòng 2 năm thượng đài, anh đánh bại nhiều đối thủ cũng như đoạt nhiều giải thưởng ở các bộ môn võ thuật như côn, quyền pháp, đao, thương.

Năm 1992, một chấn thương trong khi thi đấu đã khiến chân phải của Ngô Kinh bị thương nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ tàn phế. Điều này khiến chàng thiếu niên nản chí, suy sụp.

Muốn quên đi đau thương, Ngô Kinh chọn cách dọn ra ở riêng và xa lánh mọi người. Trong một lần ra chợ mua thực phẩm, Ngô Kinh bắt gặp một cô gái đang bị cưỡng hiếp. Dù bản thân tàn tật, anh vẫn không thể làm ngơ. Bằng khả năng võ nghệ nhiều năm tập luyện, Ngô Kinh đánh đuổi được bọn xấu.

Chính trong cuộc đấu không cân sức ấy, anh phát hiện chân mình có cảm giác. Hành động trượng nghĩa của Ngô Kinh sau đó được tuyên dương trên báo đài, giúp anh lấy lại niềm tin đấu tranh với bệnh tật.

Năm 1994, vết thương lành, anh trở lại trường thể dục thể thao. Một năm sau, giống như Thành Long và Chân Tử Đan, cậu thiếu niên Ngô Kinh bước vào con đường của một diễn viên võ thuật dưới sự dẫn dắt của Viên Hòa Bình.

Năm 1995, đoàn làm phim điện ảnh Thái Cực quyền của Hong Kong đến trường Thể dục thể thao Bắc Kinh tìm nam diễn viên có căn bản võ thuật cho phim, và Viên Hòa Bình đã chọn Ngô Kinh. Khó khăn lắm đạo diễn này mới thuyết phục được nhà trường cho mượn Ngô Kinh trong 4 tháng, vì vào thời điểm đó anh cũng đang chuẩn bị đi thi đấu toàn quốc.

Vai diễn đầu đời khiến Ngô Kinh không tránh khỏi hồi hộp khi được hợp tác với các đạo diễn nổi tiếng - Trương Toàn Viêm và Viên Hòa Bình, lại đóng chung với “quả bom sex” Chung Lệ Đề. Chẳng những không lột tả được cảm xúc nhân vật mà mỗi lần diễn cảnh đánh nhau, Ngô Kinh đều đánh thật và rất mạnh tay với bạn diễn vì không biết đánh thế nào cho vừa phải. Bù lại gương mặt ngây thơ, trong sáng của anh đã thuyết phục đạo diễn và khán giả.

Thái Cực quyền ra mắt thành công, Ngô Kinh được Trương Toàn Viêm mời tiếp vào Công phu tiểu tử phá tình quan trong năm đó. May mắn phim cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Thành công bước đầu với điện ảnh đã góp phần dẫn Ngô Kinh rời khỏi trường lớp, đi vào con đường diễn xuất chuyên nghiệp.


Lúc ấy, Ngô Kinh chủ yếu đóng phim truyền hình ở Trung Quốc nhưng chẳng có vai diễn nào giúp bản thân tạo được bứt phá. Nhìn sang các ngôi sao võ thuật đàn anh, chàng trai trẻ cảm thấy mình thật thua kém.

Năm 2003, sau khi quay xong bộ phim điện ảnh Túy hầu, trực giác mách bảo anh cần phải đi Hong Kong – miền đất hứa của những ngôi sao võ thuật.

"Hong Kong rất thực tế. Anh nổi tiếng, anh sẽ có vô vàn những lời mời. Anh vô danh, không ai thèm để ý đến anh", Ngô Kinh đã lường trước những điều tồi tệ có thể xảy ra.

Đặt chân đến Hương Cảng, chàng trai trẻ ký kết trở thành nghệ sĩ đầu tiên không phải là ca sĩ của Hoàng Bách Cao - người một tay dẫn dắt Trần Tuệ Lâm, Trịnh Tú Văn, Hứa Chí An, Dương Thiên Hoa.

Sau này, Hoàng Bách Cao kể về ngày đầu mới gặp Ngô Kinh: "Anh ấy nói ra nỗi khổ tâm với tôi, người đại lục muốn du nhập giới điện ảnh và truyền hình Hong Kong thật sự rất vất vả. Phải hy sinh rất nhiều, giao tiếp phải hết sức thận trọng khiêm tốn".

Năm 2005, Ngô Kinh góp mặt trong hai phim điện ảnh là Nhất tiễn song điêu và Sát Phá Lang. Trong đó, vai diễn trong phim Sát Phá Lang đã đánh dấu một bước quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của anh.

Trong phim này, lần đầu tiên Ngô Kinh đóng vai phản diện. Anh vào vai Jack, một sát thủ lạnh lùng, tàn bạo, chỉ biết tuân lệnh cấp trên. Bộ phim là sự quy tụ của ba thế hệ diễn viên võ thuật: Hồng Kim Bảo, Chân Tử Đan và Ngô Kinh. Ngôi sao trẻ đã có một trận đấu tay đôi với Chân Tử Đan ở đoạn gần cuối phim, và đó cũng là trận giao đấu ấn tượng nhất của bộ phim.

Thành công của Sát Phá Lang khiến Ngô Kinh được nhiều nhà làm phim điện ảnh chú ý. Từ năm 2006 đến 2008, anh có 8 tác phẩm điện ảnh, trong đó có một số phim ăn khách: Hắc quyền, Nam nhi bản sắc, Điệp vụ song sinh, Huyết chiến và một phim của Hollywood là Xác ướp Ai Cập III.


Chân Tử Đan và Ngô Kinh từng xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng khi cùng xuất hiện trong Sát Phá Lang. Nguồn tin nội bộ tiết lộ nam diễn viên họ Chân đã ra đòn thật trong một cảnh quay khiến đàn em bị gãy xương.

Sau bộ phim này, Ngô Kinh thề sẽ không bao giờ đóng chung phim với Chân Tử Đan nữa. Nam diễn viên cho rằng đàn anh đã gặp đạo diễn Hồng Kim Bảo và yêu cầu cắt gọt cảnh quay, thậm chí giới hạn cả lời thoại của mình.

Mối quan hệ của Ngô Kinh và Chân Tử Đan càng tồi tệ hơn khi đàn anh liên tiếp có những phát ngôn công kích. Trong một họp báo, họ Chân đã lên tiếng chê bai: “Ngô Kinh là diễn viên võ thuật giỏi, nhiều động tác đẹp mắt. Song dù giỏi, thì tốc độ và lực ra đòn vẫn không thể theo kịp tôi. Quán quân võ thuật giờ đầy đường, nhưng không phải ai cũng trở thành ngôi sao kung fu”.

Những lời nói của nam tài tử này đã ngầm ám chỉ rằng, Ngô Kinh chưa đạt đến tầm siêu sao võ thuật điện ảnh.

Chiến Lang 2 là phần tiếp theo của phim Chiến Lang được Ngô Kinh tung ra hồi năm 2015. Phim do nam diễn viên đạo diễn, biên kịch đồng thời thủ diễn chính.

Trong phim, anh thủ vai Lãnh Phong, một người lính Trung Quốc bị tù giam sau khi hạ gục ông chủ có trách nhiệm phá hủy thành phố của anh. Sau khi được ra tù, Lãnh Phong tới châu Phi để bắt đầu cuộc sống bình dị, song anh lại gặp một nhóm lính đánh thuê tàn nhẫn và bị cuốn vào một cuộc chiến nguy hiểm ở lục địa đen.

Nam tài tử 42 tuổi đã rất vất vả khi bắt tay thực hiện Chiến lang 2. Chẳng những phải kiêm luôn vai nam chính để giảm thiểu chi phí sản xuất, anh còn phải chật vật tìm gương mặt mới vào các vai diễn khác bởi những lựa chọn ban đầu đều từ chối anh khi biết thù lao thấp.

Ngô Kinh cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm đối tác phát hành. Công ty điện ảnh Quang Tuyến từ chối Chiến lang 2 để chọn Tam sinh tam thế thập lý đào hoa.

Tính đến thời điểm này, bộ phim đã đem về 3,6 tỷ NDT (12.600 tỷ đồng). Tên tuổi của Ngô Kinh cũng được giới truyền thông và các nhà chuyên môn xếp trên Chân Tử Đan.

Trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất hiện nay, Ngô Kinh vẫn rất bình thản: “Tôi chỉ muốn làm tốt ba việc: ăn no, ngủ tốt, vệ sinh đúng giờ. Con người tôi trước giờ chỉ như vậy”.

Ngô Kinh và Lý Liên Kiệt có rất nhiều điểm giống nhau. Họ cùng trưởng thành ở khu Tây thành Bắc Kinh, học cùng một ngôi trường tiểu học, trung học và là thành viên xuất sắc của đội tuyển võ thuật Bắc Kinh. Sư phụ của họ cùng là Ngô Bân, đều đến với điện ảnh từ tác phẩm của đạo diễn Trương Toàn Viêm, sau đó qua tay đạo diễn Viên Hoà Bình và nổi tiếng nhờ phim Từ Khắc.

Đối với Ngô Kinh, Lý Liên Kiệt không chỉ là một vị sư huynh đáng kính mà còn là thần tượng từ thủa nhỏ. Có lần Lý Liên Kiệt trở lại thăm đội tuyển, Ngô Kinh đã chạy tới ôm chặt hai chân thần tượng và bảo: “Anh bay thử cho em xem, bay đi anh!”. Hóa ra cậu thiếu niên ngô nghê năm đó vẫn luôn nghĩ rằng, sư huynh của mình có thể bay giống như những nhân vật trong phim.

Đến sau này, khi được báo chí gọi là “Người kế thừa” Lý Liên Kiệt, họ Ngô cảm thấy rất tự hào nhưng không vì thế mà tự mãn: “Có thêm 20 năm nữa tôi cũng chưa thể làm được những gì mà anh ấy đã làm. Tôi không có ý định theo bước Lý Liên Kiệt sang Hollywood mà chỉ muốn làm một diễn viên võ thuật Trung Quốc được khán giả Trung Quốc yêu mến mà thôi”.