Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản 'Về nhà đi con'

Nguyễn Thu Thủy, biên kịch của phim "Về nhà đi con" lý giải sức hút của phim cũng như lần đầu tiên chia sẻ về hậu trường phim ít ai biết.

Chúng tôi không ưu ái cho Dương

- "Về nhà đi con" gần như tăng nhiệt hàng ngày và thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp khán giả, chị và ê kíp có bất ngờ vì bộ phim hot như vậy không?

Quả thực, khi bắt đầu xây dựng câu chuyện, chúng tôi không nghĩ Về nhà đi con được khán giả đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Vì đây là dòng phim gia đình, không có những yếu tố quá giật gân, câu khách. Nhưng là người làm nghề thì chúng tôi vẫn ý thức rằng, dù có thể không gây được tiếng vang lớn nhưng đây chắc chắn vẫn là một kịch bản tốt, là cơ sở để có được một bộ phim tốt. 

- Chị nghĩ vì sao "Về nhà đi con" lại có thể chiếm được cảm tình của nhiều khán giả như vậy không?

Tôi nghĩ Về nhà đi con chiếm được cảm tình bởi sự gần gũi, bởi những chuyện chúng tôi đề cập giống chuyện của mọi nhà.

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-1
Dàn diễn viên cùng biên kịch Nguyễn Thủy và đạo diễn Danh Dũng tại buổi ra mắt phim "Về nhà đi con".

- Các nhân vật trong phim đều hay: Thư, Huệ, Dương, Bố Sơn, Vũ, thậm chí là Liễu cũng được yêu thích. Diễn viên diễn hay và đạt, các nhân vật trên phim có giống như hình dung của chị khi viết kịch bản?

Thật may là chúng tôi được làm việc với anh Danh Dũng và team sản xuất thường xuyên. Chúng tôi có sự tương đồng, nhất quán trong quan điểm về nhân vật, nên khi anh Dũng chọn diễn viên, chúng tôi đều cảm thấy rất hợp vai. Có khác duy nhất là Liễu. Liễu trong kịch bản là một bà cô còn đáng ghét hơn nhiều, với sự ghê gớm từ bên trong đến bên ngoài. Nhưng trên phim, Liễu với ngoại hình và diễn xuất của Thủy Tiên khiến có lúc tôi còn thấy nhân vật ngộ nghĩnh và đáng yêu nữa. 

Cá nhân tôi, nếu thích ai nhất, thì tôi thích nhân vật bố Sơn. Thích theo cách tôi thường chăm chú dõi theo xem anh Trung Anh sẽ diễn xuất phân đoạn này thế nào. Ông Sơn trên phim, hài hước hơn, cứng rắn hơn ở trong kịch bản. Chúng tôi phải cảm ơn xử lý của đạo diễn và sáng tạo của anh Trung Anh rất nhiều, vì lúc lên phim mới thấy sự thay đổi này góp phần cân bằng sắc thái cảm xúc của phim rất tốt.

- Nhiều người nói nhân vật Dương được biên kịch ưu ái nên được xây dựng thành mẫu nhân vật cá tính gần như chưa thấy trên màn ảnh và được dành cho những câu thoại quá chất, thực tế đúng vậy không?

Không, chúng tôi không ưu ái cho Dương đâu. Dương hấp dẫn vì lâu rồi mẫu nhân vật như vậy chưa xuất hiện thôi. Với ba cô gái của bố Sơn, ở từng giai đoạn chúng tôi đều dành cho họ những sự đầu tư nhất định. Chúng tôi tin rằng sau này, khi dõi theo cuộc hôn nhân kịch tính của Huệ, dõi theo chuyện tình éo le ngang trái của Thư, thì sẽ thấy nhóm biên kịch thật sự rất “công bằng”.  

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-2
Bảo Hân là điểm sáng của phim nhưng cả 4 diễn viên chính đều được yêu thích và được dành cho những câu thoại đắt giá.
 

Tò mò vì số phận Anh Thư, Bảo Thanh không thể chờ đến khi kịch bản hoàn chỉnh 

- Nhân vật Dương không chỉ được khán giả yêu mến mà còn gây bất ngờ với chính ê kíp vì diễn xuất của Bảo Hân. Diễn viên Trung Anh chia sẻ rằng anh thấy Bảo Hân diễn quá hay và bất ngờ với cô bé. Bản thân chị thì sao? 

Trước khi phim bấm máy, chúng tôi có gặp Bảo Hân. Hôm đó em ấy qua VFC cùng với Quang Anh. Vừa thoạt nhìn, chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm, vì Bảo Hân thực sự đúng là Ánh Dương và Quang Anh thì đúng là Bảo mà chúng tôi hình dung qua câu thoại của ông Sơn “đứa con gái thì giống hệt con trai, đứa con trai thì giống y như con gái ấy”. Khi tiếp xúc, cảm giác ấy còn rõ ràng hơn nữa. Và đến hôm ra mắt phim, xem diễn xuất của Bảo Hân, chúng tôi cảm thấy may mắn vì đoàn phim đã tìm được cô bé.

- Chị có nghĩ nhờ dàn diễn viên nhập vai diễn chân thật nên các nhân vật trong kịch bản mới có thể sống động và được yêu thích như vậy?

Một bộ phim muốn thành công thì phải là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Và với Về nhà đi con thì tôi nghĩ việc chọn diễn viên hợp vai đã đóng vai trò rất quan trọng. Rất may, các diễn viên khi đọc kịch bản, đều có phản hồi rất tích cực, và trăn trở về nhân vật của mình. 

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-3
Chính Bảo Thanh cũng hồi hộp muốn biết số phận của Anh Thư như khán giả. 

Một ngày, bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn của Bảo Thanh. Trước đó, chúng tôi chưa hề nói chuyện với nhau. Thanh nói rằng cô ấy đã đọc xong 50 tập kịch bản, khóc sưng cả mắt và vô cùng tò mò không biết số phận của mình sẽ đi về đâu. Biết kịch bản chưa viết xong, Thanh bảo thế chị cho em xem đề cương thôi cũng được vì cô ấy cảm thấy như mình không thể chờ nữa… Hay như anh Trung Anh có lần biết chúng tôi đang sửa cái kết, anh hỏi: Thế nào rồi, có khác không? Anh chờ mong lắm đấy…

Khi những diễn viên quan tâm và chờ đợi về chính cái kết nhân vật của mình, thì chúng tôi cảm thấy thật sự rất vui. Vì họ đều là những diễn viên chuyên nghiệp mà còn chờ đợi thì hi vọng rằng khán giả của bộ phim cũng sẽ chờ mong như thế. 

-  Phim đang thu hút khán giả từng tập một và chị có hay nhận được những câu hỏi của khán giả về diễn biến tiếp theo của phim? 

Thật ra trong quá trình làm biên kịch những năm qua, chúng tôi cũng đã quen với tình huống này. Chỉ là với “Về nhà đi con” thì có đặc biệt hơn khi thành phần người nhà cũng hỏi han nhiệt tình không kém. Có cô bạn 15 năm không liên lạc một ngày nhắn cho tôi. Tôi tưởng cô ấy mời cưới nhưng hóa ra cô ấy lại hỏi về sau Vũ với Thư thế nào.

 "Về nhà đi con" không kéo dài thời lượng để chiều lòng khán giả

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-4
Phân cảnh vừa được quay cuối tuần qua của "Về nhà đi con". Hiện phim vẫn chưa đóng máy và chưa có kịch bản tập cuối cùng. 

- Có thông tin "Về nhà đi con" sẽ tăng tập thực tế khi phát sóng từ 66 tập trong kịch bản gốc lên 82 tập. Có khán giả lo phim kéo dài sẽ giống "Gạo nếp gạo tẻ" và dài tập đồng nghĩa thời lượng mỗi tập bị cắt giảm. Chị nói sao?

Về nhà đi con không kéo dài thời lượng để chiều lòng khán giả. Chúng tôi chỉ khai thác hết chất liệu mà mình đang có mà thôi. Đương nhiên, càng không có chuyện vì kéo dài mà thời lượng bị cắt giảm vì đây là khung sóng cố định rồi. 

- "Về nhà đi con" được phát triển dựa trên kịch bản phim "Khi đàn ông góa vợ bật khóc" và quả nhiên nhiều chi tiết trong phim cũng giống với bản gốc. Làm sao để "Về nhà đi con" có sức hút riêng hoàn toàn mới mà không còn bóng dáng của phim trước?

Trên generic cuối phim, chúng tôi có ghi “Lấy cảm hứng từ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc”. “Lấy cảm hứng” là từ chính xác nhất để nói về trường hợp sáng tác của “Về nhà đi con”. Khi xem kịch bản gốc, chúng tôi nhận thấy đây là một kịch bản cảm động và nhân văn. Chúng tôi cho rằng, với đề tài này, chất liệu này còn rất nhiều điều để khai thác, nhưng bảo làm lại thì chúng tôi hoàn toàn không muốn. Sau khi cân nhắc, nhóm chúng tôi quyết định chỉ giữ lại motip người đàn ông gà trống nuôi con, đồng thời, tận dụng lại mạch phát triển của tuyến cô gái thứ 2 trong kịch bản cũ.

Chúng tôi từng làm những dự án remake, làm dự án hợp tác, cho nên áp lực về sự so sánh thì không có! Với “Về nhà đi con”, chúng tôi càng không lo lắng về việc “biết trước nội dung” bởi vì tuyến của Thư chỉ là 1 trong 3 tuyến chuyện; hơn nữa, tình huống ban đầu có thể giống, nhưng cách xử lý và khai thác của chúng tôi thì khác. Và đương nhiên, càng về sau, hướng chuyện lại càng khác. Cho nên, cứ để khán giả tưởng vậy mà không phải vậy, cũng là một sự thú vị với team sản xuất.

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-5
Nhân vật Anh Thư của Bảo Thanh được phát triển hay hơn trong kịch bản "Khi đàn ông góa vợ bật khóc". 

Tập cuối phải viết đi viết lại nhiều

- Khán giả ngày càng có quyền lực mạnh và nhiều phim đã phải thay đổi hoặc thêm cái kết khác để làm hài lòng số đông. Diễn viên Bảo Thanh chia sẻ đến thời điểm này vẫn chưa có kb tập cuối. Là vì biên kịch chưa viết xong kịch bản tập cuối hay cái kết đã có có thể thay đổi phút cuối?

Cho đến nay, kịch bản “Về nhà đi con” đã hoàn thành. Riêng tập cuối là tập viết đi viết lại nhiều nhất. Mỗi khi nghĩ ra một điều gì đó tốt hơn, chúng tôi vẫn bổ sung hoặc thay đổi. Sẽ khó có một cái kết hài lòng tất cả, nên chúng tôi đã quyết định, trước hết, nó phải là cái kết hài lòng với chính team sáng tác đã. Dẫu vậy, chúng tôi cũng vẫn luôn hy vọng sự hài lòng của chúng tôi cũng là sự ưng ý của những khán giả đã ủng hô suốt hành trình của “Về nhà đi con”.

- Tôi thấy ê kíp biên kịch thường xuyên bình luận về phim, tương tác trên fanpage cũng như với chính các diễn viên, có kỷ niệm nào quá trình viết kịch bản cũng như khi phim lên sóng thú vị với riêng các chị?

Nhóm biên kịch của Về nhà đi con gồm có bốn người. Bốn chị em chúng tôi làm cùng cơ quan, rất thân thiết với nhau. Kỳ lạ rằng chúng tôi đều từng hợp tác riêng lẻ, nhưng lại chưa từng làm chung: Tôi từng làm với Thủy Tiên trong Tuổi Thanh Xuân, từng hợp tác với Thu Trang trong Ngược chiều nước mắt, Ngày ấy mình đã yêu và với Khánh Hà thì nhiều không kể hết: Zippo, Mù Tạt và Em, Quỳnh Búp Bê, Chạy trốn thanh xuân…

Nhưng đây là dự án đầu tiên bốn chị em chúng tôi làm với nhau. Và vì hiểu quá rõ nhau, nên làm việc khá ăn ý. Mỗi lần ngồi bàn kịch bản thì lại cười to nhất cơ quan. Có những kỷ niệm rất thú vị, ví dụ, chúng tôi thường xuyên đưa những tật xấu của nhau, đưa những câu hay nói đểu nhau vào kịch bản và khi phim phát sóng thì trích lại trêu nhau. 

Nhưng, cũng có khi, chúng tôi khóc khi bàn đến một tình huống cảm động, và rồi lại trêu chọc nhau vì sự sến sẩm đó. Nói chung, những trải nghiệm của quá trình sáng tác “Về nhà đi con” là một quãng thời gian thực sự thú vị và đáng nhớ, với những đồng nghiệp mà với tôi, còn hơn là những người bạn.

Tò mò về số phận Anh Thư, Bảo Thanh đòi đọc hết kịch bản Về nhà đi con-6
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy (thứ 3 từ trái qua) và 3 đồng tác giả kịch bản phim "Về nhà đi con". 

Theo Vietnamnet


Về nhà đi con

Tin tức mới nhất