Trải lòng của những người lưỡng tính, không biết mình là nam hay nữ

“Khi đi làm, em không thể mặc bộ váy trong khi giới tính mình là nam. Không thể mặc váy, để bê két bia”, Thanh chia sẻ.




 Một trong những người mong muốn sớm được phẫu thuật chuyển đổi giới tính

“Người chia sẻ thì ít nhưng người “chọc ngoáy” thì nhiều”

Nguyễn Mai Thanh, sinh năm 1992,  TP HCM cho rằng mình là con trai nhưng lại có thân hình một phụ nữ (ngực to, bộ phận sinh dục một nửa nam, một nửa nữ).

Thanh cho biết, trong suy nghĩ từ trước đến nay, Thanh luôn xem mình là con trai. Tính cách, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày hoàn toàn hoạt động như một nam nhi chứ không xem mình là nữ, thậm chí có ngực Thanh cũng phải buộc lại.

Thanh mong muốn được phẫu thuật thành nam giới để trở thành một con người mới hoàn toàn không chỉ ở giới tính mà cả về nhân thân.

Thanh kể, khi đi làm, em bị từ chối ở rất nhiều nơi vì họ muốn em thể hiện đúng với giới tính sinh học là nữ. Mặc dù em muốn làm công việc phù hợp với lực học và tấm bằng nhưng đi đâu cũng bị từ chối.

“Khi đi làm, em không thể mặc bộ váy trong khi giới tính mình là nam. Không thể mặc váy, để bê két bia”, Thanh chia sẻ.

Thanh luôn cảm thấy đơn độc và khó khăn khi phải đối mặt với những lời kỳ thị.

 Hiện tại, Tâm vẫn chưa dám công khai giới tính thật.

Khác với Thanh, Tâm chia sẻ, từ nhỏ em đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Đặc biệt hơn, Tâm có hai bộ phận sinh dục (nửa nam, nửa nữ).

Lo lắng nhưng Tâm không thể chia sẻ với ai, em quyết tâm học đại học, kiếm tiền để phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng loại khá đi phỏng vấn và bị từ chối. Nhà tuyển dụng phản hồi, nếu Tâm muốn vào làm việc phải thay đổi bản thân bởi vóc dáng, hình thể, lời ăn tiếng nói không phù hợp với văn hóa công ty.

Tâm buộc phải tìm cách tăng cân. Em ngày đêm ăn uống, tập luyện để tăng từ 45 kg đến 75 kg trong vòng 1 năm. Em học cách cư xử, đi đứng nói năng như một người đàn ông. Từ đó bản thân Tâm phải đối mặt với nhiều vấn đề. Em bị kỳ thị và cảm thấy mình bị tước đi cơ hội học hành, cơ hội làm việc và cơ hội thể hiện.

Hiện tại, Tâm vẫn chưa dám công khai giới tính thật, chỉ số ít người biết Tâm mang hình dáng nam nhưng thực tế là nữ. Số người chia sẻ thì ít mà số người “chọc ngoáy” thì nhiều. Mỗi lần va chạm công việc, họ lại đem vấn đề về giới tính của Tâm ra chế giễu.

Từ câu chuyện đau lòng của đời mình, Tâm đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế cho phép trẻ xác định lại giới tính trước tuổi dậy thì để có biện pháp y học can thiệp kịp thời.

Những ai được công nhận chuyển đổi giới tính?

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo Tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính ngày 12/5, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đề xuất chỉ công nhận chuyển đổi giới tính với các trường hợp có can thiệp y học.

Ông Quang lý gải, để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, pháp luật, đạo đức và phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, dự kiến tới đây sẽ công nhận chuyển đổi giới tính đối với các trường hợp đã sử dụng hóc môn hoặc đã can thiệp ngoại khoa về các bộ phận của cơ thể như ngực, hoặc cơ quan bộ phận sinh dục. Còn đối với các trường hợp không can thiệp về mặt y học thì sẽ không công nhận.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng, đề xuất này đưa ra vì có liên quan đến nhiều vấn đề như: Có trường hợp lợi dụng điều này trốn tránh nghĩa vụ quân sự, trốn tránh trách nhiệm về mặt pháp lý; hoặc tránh được các hệ quả của việc đua đòi, a dua của một bộ phận nào đó.

Liên quan đến độ tuổi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, ông Quang cho rằng, đây là điều rất quan trọng vì quyết định này sẽ ảnh hướng đến suốt cuộc đời còn lại của họ.

Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định người đủ từ 18 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này đã có đủ nhận thức để tự quyết về quyền nhân thân, tự chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự, phù hợp với Luật Dân sự hiện nay.

Về tình trạng hôn nhân, có thể chấp nhận tình trạng độc thân (chưa kết hôn, đã ly hôn, hoặc góa vợ, góa chồng) để tạo điều kiện cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện ước mơ của mình. Theo ông Quang, đây là điều mang ý nghĩa hết sức nhân văn.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh được can thiệp chuyển đổi giới tính, Vụ trưởng Pháp chế cho biết, vấn đề bất cập hiện nay là có rất nhiều cơ sở được cho phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí nhiều cơ sở chưa được phép vẫn thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, việc cho phép cơ sở nào được thực hiện đến đâu cần có quy định để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người chuyển đổi giới tính.

Do đó, việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện chuyển đổi giới tính trước ngày Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Theo Dân Việt


giới tính hôn nhân

Tin tức mới nhất