Vụ bé lớp 6 nhảy lầu: Chuyên gia tư vấn điều cha mẹ cần làm

Theo chuyên gia, tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị. Ở trẻ nhỏ, tự sát đôi khi lại vì những lý do rất tầm thường.

Vụ bé lớp 6 nhảy lầu: Chuyên gia tư vấn điều cha mẹ cần làm-1
Xe cấp cứu tới hiện trường - Ảnh minh hoạ.

Câu chuyện đau lòng về trường hợp bé trai 12 tuổi sống tại chung cư Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tử vong sau khi rơi từ tầng 22 xuống khiến cho phụ huynh cần phải suy ngẫm nhiều hơn.

Qua xác định ban đầu, vào tối qua, bé trai áp lực về việc học, thi không làm bài tốt nên đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống. Ngay sau đó, cư dân phát hiện sự việc đã gọi xe cứu thương đến nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Trao đổi với GS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, về vấn đề tự sát ở tuổi vị thành niên, GS Đức cho hay, tự sát là vấn đề rất thường gặp tuy nhiên ít người để ý tới. Hiện nay, tự sát là thách thức lớn cho ngành y tế và toàn xã hội trên toàn thế giới.

Trên thực tế, nhiều người vẫn lầm tưởng chỉ người lớn mới nghĩ tới tự sát. Nhưng điều này không đúng vì trẻ nhỏ trẻ có thể có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Vụ bé lớp 6 nhảy lầu: Chuyên gia tư vấn điều cha mẹ cần làm-2
Trẻ nhỏ cũng có y định và hành vi tự sát như người lớn - Ảnh minh hoạ.

Tại nước Mỹ, tỷ lệ tự sát ở nhóm tuổi vị thành niên cao ngang so với người lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra tự sát xếp thứ 5 trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Mỹ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra có khoảng 33% dân số thực hiện hành vi tự sát tại một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời của mình. Nam giới có nguy cơ tử vong do tự sát cao gấp 4 lần so với nữ. Tuy nhiên, nữ có toan tự sát (tự sát không chết) cao hơn nhiều so với nam giới.

"Trẻ từ 10 tuổi trở đi, bố mẹ, người chăm sóc cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để phát hiện ra ý định tự sát sớm", GS Cao Tiến Đức nói.

Khi bệnh nhân có ý định tự sát, nhận thức của người bệnh trở nên thu hẹp như thể thế giới bắt đầu đóng lại trước mắt họ. Cách nhìn nhận thế giới như trong đường hầm, thường xảy ra ở các cá nhân mất đi động lực của cuộc sống. Khi người bệnh tự gây hại cho bản thân, họ bắt đầu cảm nhận như là họ không còn một lựa chọn nào khác.

Đối với nhóm trẻ tuổi vị thành niên, nguyên nhân tự sát rất đa dạng: mắc các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách, nhân cách chưa hoàn thiện dễ bị tác động, nghiện game...

Thông thường thì tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị (kế hoạch, phương tiện, thời gian, địa điểm…). Có trường hợp hành vi tự sát xảy ra đột ngột, như trong chiến đấu khi không muốn bị đối phương bắt, khi phạm tội bị bắt quả tang, khi bị bức tử… Tuy nhiên những trường hợp này hiếm gặp.

Đối với trẻ vị thành niên, tự sát đôi khi lại vì những lý do rất tầm thường. GS Đức đã từng gặp 2 câu chuyện rất đau lòng một trẻ 10 tuổi, đi qua suối đánh rơi một chiếc dép. Khi về bị mẹ mắng cho một vài câu, trẻ đã tìm cái chết. Hay như một trường hợp khác, trẻ đi học mất một cái bút chì. Do sợ bị bố mẹ đánh, trẻ cũng đã tự tử.

Từ những câu chuyện đau lòng trên, GS lưu ý ở trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhân cách phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị tác động. Do vậy, trẻ rất cần sự thấu hiểu, bao dung của bố mẹ. Đứng trước một vấn đề, bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con.

Đặc biệt, bố mẹ không nên quá kỳ vọng, gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con. Bố mẹ cần phải biết khả năng của con là gì và con làm được tới đâu.

"Sự yêu thương gần gũi, có đủ thời gian dành cho con chính là cách giúp cho cha mẹ phát hiện ra những bất thường và hành vi tự sát của trẻ", GS. Đức nói.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/vu-be-lop-6-nhay-lau-chuyen-gia-ke-hang-loat-ly-do-tre-tu-tu-tu-van-dieu-cha-me-can-lam-161211712195420348.htm

tử vong tự tử

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao