Vụ thảm sát ở Thái Bình: Khi quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ bị đánh cắp!

2 đứa trẻ ngơ ngác hỏi "Mẹ con đâu rồi" mà không biết rằng người ra tay thủ ác lại chính là bố chúng. Quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ sao nỡ bị tước bỏ?

Khi lá đơn ly hôn chìa ra... bộ mặt kẻ sát nhân lộ diện

Vụ thảm án Thái Bình xảy ra đúng vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6 khiến ai cũng bàng hoàng và phẫn nộ. Chị vợ và bố mẹ chị đã phải chết dưới nhát dao oan nghiệt của gã chồng, gã con rể mất nhân tính.

Cái giá cho sự tự do của phụ nữ đắt đỏ và oan nghiệt như thế sao? Nó phải đánh đổi bằng chính mạng sống của người phụ nữ mà đúng hơn là của 3 mạng người. Chỉ còn lại 2 đứa trẻ ngơ ngác: "Mẹ con đâu rồi?".

Cuộc hôn nhân sai lầm với một gã chồng tồi, nghiện ma túy, thường xuyên đánh đập vợ, từng dọa đổ xăng đốt vợ... 

Người phụ nữ ấy chỉ lãi 2 đứa con, mang con trốn khỏi cuộc hôn nhân địa ngục do gã chồng tạo nên vẫn chưa đủ, cuối cùng sự tự do chị đòi lại, quyền giải thoát chính đáng của chị bị gã chồng vô nhân tính cướp đoạt. Gã đàn ông đê tiện có không giữ, nhưng mất thì nhất định đi tìm.

Vụ thảm sát ở Thái Bình: Khi quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ bị đánh cắp!-1

Thực ra ngoài kia có bao nhiêu người phụ nữ vẫn đang chịu đựng sống cùng một cuộc hôn nhân ngục tù như thế? Tôi không chắc đó là số ít. 

Những người phụ nữ vì thương con, sợ bị đánh, sợ bị giết, sợ mang tiếng bỏ chồng, sợ bố mẹ đau lòng... vẫn ngồi trong một cuộc hôn nhân địa ngục không hề có chút ánh sáng nào dù là le lói. Họ sống bằng thể xác nhưng tinh thần phải chịu những nỗi đau lớn, sự giày vò về tinh thần và thể xác, cũng chẳng khác nô lệ là bao...

Chị S. dám đấu tranh, dám thoát khỏi nó, nhưng cuối cùng cái kết cũng lại thảm khốc nhường kia. Nếu chị ngồi lại, cuộc hôn nhân ấy có lẽ cũng chết bằng cách này hay cách khác mà thôi. 

Nhưng việc rời đi một cách chính đáng của chị bị tước bỏ. Cuối cùng, chị vẫn chết bởi gã đàn ông muốn vợ làm nô lệ suốt đời, muốn người phụ nữ phải chịu đựng một thằng đàn ông tồi mạt kiếp, một gã đàn ông không chỉ tồi mà còn ác độc đến nghiệt ngã.

Và rồi cuộc hôn nhân kết thúc không phải bằng lá đơn ly hôn mà bằng việc kết thúc một mạng sống. Đàn bà muốn tự do nhưng gã chồng muốn trói họ đến chết. Có bao nhiêu người đàn ông dã tâm như thế?

Vụ thảm sát ở Thái Bình: Khi quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ bị đánh cắp!-2
Cái giá cho sự tự do chính đáng của phụ nữ đắt đỏ và oan nghiệt như thế sao?

Người ta bảo muốn biết bộ mặt thật của đàn ông hãy đợi đến lúc lá đơn ly hôn được chìa ra cũng chẳng sai. Và không phụ nữ nào muốn vào lúc ấy người đàn ông đã từng đầu ấp tay gối lại lộ diện là... một tên sát nhân hết cả.

Người ta cũng bảo không có loại mỹ phẩm nào làm đẹp cho phụ nữ đắt giá bằng sự tử tế của đàn ông. 

Ừ thì không còn tử tế được với nhau như lúc mặn nồng, không còn làm đẹp được cho người phụ nữ mình như đã từng thề non hẹn biển, thì ít nhất cũng hãy nhớ người ấy là người mình đã từng thương, là mẹ của con mình. 

Nhớ để dẹp cái ích kỷ tầm thường xuống để biết giải thoát cho đối phương là chút tình còn sót lại cuối cùng...

Trước khi đặt bút kí "quyết định sống chung" hãy nhớ đôi bên đều có quyền được giải thoát

Đằng nào cũng là chia tay, nhưng là vợ là chồng rồi thì chia tay nó không giống những mối quan hệ khác kiểu đứt là đứt. Còn con cái đấy là còn sợi dây vô hình không thể nào cắt. Vậy hãy cho nhau một sự giải thoát nhẹ nhàng nhất.

Kể cả sự buông tay ấy là chủ động hay miễn cưỡng, nhưng khi lòng người đã quyết, kẻ còn lại không thể cưỡng cầu. Nếu dằn vặt nhau bằng lời nói, bằng hành động cay nghiệt và thậm chí là tính mạng thì thứ còn lại là bi kịch muôn kiếp.

Vụ thảm sát ở Thái Bình: Khi quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ bị đánh cắp!-3
Trước khi ký vào tờ giấy kết hôn hãy nhớ đôi bên đều có quyền giải thoát 1 cách chính đáng.

Hãy buông để lòng mình thanh thản, để lòng người bớt hận thù và để những đứa trẻ không cảm thấy khó xử. Hãy để sự chia cách này không khiến cho lũ trẻ cảm thấy thiệt thòi. Rằng chúng vẫn đủ mẹ, đủ cha, chỉ là một hành trình khác chứ không còn hạnh phúc kiểu cùng nhau nữa.

Hãy để chúng thấy cha mẹ chia tay cũng chẳng phải là việc quá "nguy hiểm" bởi chính bản thân họ cũng thấy nhẹ nhàng.

Gã chồng vô nhân tính xuống tay với người đã từng đầu gối tay ấp, với mẹ của con mình rồi cái giá phải trả đã là một nhẽ, mạng người bị đoạt vô tội cũng là một nhẽ. 2 đứa trẻ non nớt kia chúng sẽ phải sống tiếp thế nào với câu chuyện sau này có thể tìm lại trên Google về việc bố giết ông bà và giết mẹ mình? Ám ảnh về sự việc đó có lẽ sẽ theo chúng đến suốt cuộc đời!

Kết thúc một cuộc hôn nhân thực sự không phải là chấm hết. Chúng ta vẫn có thể làm lại bằng một cuộc hôn nhân khác tốt đẹp hơn. Hoặc ngay cả khi không bước vào một cuộc hôn nhân nào nữa thì chúng ta vẫn có thể hạnh phúc theo một cách khác. Cuộc sống vẫn diễn tiếp, có bao nhiêu thứ để lo lắng, để thương yêu... để rời khỏi một mối quan hệ tồi tệ hoặc thứ tình cảm chỉ còn một chiều thật nhẹ nhàng.

Trước khi ký vào tờ giấy kết hôn hãy nhớ đôi bên đều có quyền giải thoát một cách chính đáng. Hôn nhân tốt đẹp không có chỗ nương cho sự sở hữu hay bất kỳ hạnh động bạo lực nào.

Hãy đi ăn một bữa thật ngon, hãy chọn cho mình góc nhỏ trong quán cafe, hãy cùng hội bạn, hãy ở trong vòng tay gia đình lớn... gì cũng được. Nó đáng để ăn mừng, dấu mốc mới cho sự trưởng thành, phiên bản cũ đóng lại, nhất định phải mở ra được trang mới hoàn hảo hơn.

Sự cay cú, tức giận, ăn thua hay nghi kị đều làm chúng ta mệt mỏi, cho dù mối quan hệ đã dừng lại nhưng sự bi bét thì mãi mãi. Kết thúc là khởi đầu chặng đường mới. Chủ động hay ở thế bị động thì cũng là kết cục không thể khác, không có sự níu kéo nào bằng bạo lực có giá trị hết. Không có sự thù hận, ân oán nào giữ lại mà mang lại hạnh phúc hết.

Điều chỉnh chính mình cho một suy nghĩ đúng đắn để kết thúc là bắt đầu chứ không phải kết thúc để thương đau.

Hôn nhân khi đã không thể cứu vãn, hãy nhẹ nhàng buông tay

Kết cục đau xót cho vụ thảm án Thái Bình cùng với lá đơn ly hôn vương máu sẽ ám ảnh người ở lại đến muôn kiếp. Không có ai là người thắng cuộc chỉ có kẻ thua cuộc đau đớn và nỗi ân hận muôn đời.

Chỉ có những đứa trẻ vô tội côi cút với vành khăn trắng. Chỉ có mạng người vô tội bị cướp đoạt một cách nghiệt ngã.

Chỉ có sự đấu tranh cho tự do chính đáng của một người phụ nữ phải đánh đổi bằng mạng sống mà lỗi lầm không thuộc về cô ấy...

Vụ thảm sát ở Thái Bình: Khi quyền giải thoát chính đáng của phụ nữ bị đánh cắp!-4
Ảnh minh họa

Nói gì về sự việc này thì cũng đã muộn, nhưng đó cũng là bài học cho tất cả chúng ta.

Ngay cả nếu không thể làm người tử tế, ngay cả lúc quên mất ân tình đã có, ngay cả quên đi giọt máu chung đang hiện hữu, thì cũng hãy nên biết buông tha cho nhau đúng lúc bởi... quyền giải thoát thuộc về cả hai.

Đừng níu kéo khi lòng người đã quyết. Nếu muốn níu hãy nghĩ tới lúc còn bên nhau để đổi thay đúng lúc, để sửa mình và làm lại lúc trái tim đối phương còn chưa kịp đóng băng.

Đừng hận thù lúc người kia muốn kết thúc nếu không nỗi đau sẽ kéo dài.

Kết thúc để bắt đầu, chỉ là không còn chung đường. Ít nhất nếu còn gặp lại vẫn có thể tặng cho nhau 1 nụ cười. Như thế chẳng tốt hơn sao?

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/vu-tham-sat-o-thai-binh-va-la-don-ly-hon-sot-lai-ben-canh-thi-the-khi-quyen-giai-thoat-chinh-dang-cua-phu-nu-bi-danh-cap-162212906193445025.htm

Thái Bình thảm sát ly hôn Giết Người

Tin tức mới nhất