10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2012

Một năm qua, thể thao Việt Nam đã trải qua rất nhiều sự kiện lớn nhỏ. Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận vẫn còn không ít vấn đề cần khắc phục. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trong năm 2012 của thể thao Việt.

1. Tham dự Olympic London 2012

Đây chắc chắn là sự kiện quốc tế nổi bật mà thể thao Việt Nam tham dự trong năm 2012. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa hè với 18 suất chính thức ở 11 môn. Với 2 tấm huy chương giành được đoàn thể thao nước ta đã ít nhiều để lại ấn tượng ở giải đấu tầm thế giới này.



Điều đáng tiếc duy nhất chỉ là việc tấm huy chương thế vận hội mong đợi thứ 3 đã không tới khi sự chuẩn bị còn tương đối cập rập, một số tuyển thủ không đạt được phong độ tốt nhất. và cả sự thiếu may mắn trong thi đấu.

2. Giành quyền đăng cai ASIAD lần thứ 18

Sau thành công của Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà châu Á - AI Games 3 năm 2009, Đại hội thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 18 - 2019 sẽ là sự kiện thể thao lớn tiếp theo Việt Nam giành quyền đăng cai.



Đó sẽ dấu mốc quan trọng trong việc nâng tầm thể thao Việt Nam ở cấp độ châu lục trước khi hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

3. ĐTVN thất bại đau đớn tại AFF Cup 2012

Chỉ có 1 điểm sau vòng bảng với 1 trận hòa, 2 thua, ghi được 2 bàn thắng trong khi hứng chịu tới 7 bàn thua. Đó là kết quả tồi tệ nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam kể từ năm 1996 tới nay.



Thất bại cay đắng ở AFF Cup 2012 và các giải đấu trước đó đã cho thấy bóng đá Việt Nam đang trở nên tụt hậu so với chính mặt bằng chuyên môn khu vực. Cũng sau thất bại này, HLV Phan Thanh Hùng đã từ chức dù đây là vị HLV nội đầu tiên được Liên đoàn bóng đá Việt Nam tin dùng sau 20 năm thuộc về thầy ngoại.

4. Tuyển nữ Việt Nam đăng quang tại giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á


Đây chính là điểm sáng đáng tự hào nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2012. Thêm lần nữa, lại là các cô gái Vàng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Điều đó góp phần xoa dịu phần nào những thất bại của bóng đá nam trong năm qua. Người hâm mộ thể thao nước nhà càng có lý do để tự hòa về chiến tích này của bóng đá nữ khi đội bóng đang trong quá trình chuyển giao lực lượng cũng như không có sự chuẩn bị tốt nhất.



Hình ảnh các nữ cầu thủ hạ gục đội tuyển Myanmar ở loạt đá luân lưu 11m trong trận chung kết tại sân Thống Nhất (TPHCM) cho thấy bóng đá nữ nước ta xứng đáng được quan tâm đầu tư lớn hơn.

5. Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF ra đời

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng cho sự phát triển các giải đấu chuyên nghiệp và cả nền bóng đá nước nhà khi ra đời bởi những mục tiêu, kế hoạch hoành tráng mà Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF đặt ra.

Tuy nhiên sau một mùa giải trực tiếp nắm quyền điều hành các giải đấu, những ông “bầu” làm bóng đá không hề tạo được sự cải thiện nào từ công tác tổ chức, đến chuyên môn... thậm chí là còn tụt lùi, bế tắc. Thực chất những gì VPF đã làm ở mùa giải 2012 không khác là mấy so với VFF. Chính xác thi đó chỉ là việc đổ “rượu cũ vào bình mới” mà thôi.

6. Hàng loạt CLB phải giải thể


Bóng đá đỉnh cao cuối cùng cũng không thoát nổi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế chung. Hàng loạt doanh nghiệp, kể cả khối ngân hàng buộc phải thắt chặt chi tiêu, bó hẹp quy mô sản xuất nhằm vượt khó và đương nhiên, bóng đá không còn là sự ưu tiên số 1, nhất là với thứ bóng đá không sinh lời, tốn kém.



Các đội CLB bóng đá Hà Nội, N. Sài Gòn, K. Khánh Hòa... phải giải thể, hoặc chuyển giao vì không tìm được nguồn kinh phí hoạt động.

7. Hà Thanh liên tiếp giành HC thế giới môn thể dục dụng cụ


Sau tấm HCĐ thế giới 2012 và suất tham dự chính thức Olympic London, Phan Thị Hà Thanh tiếp tục tỏa sáng để trở thành VĐV Việt Nam giàu thành tích quốc tế nhất trong năm 2012 khi giành tấm HCV châu Á đầu tiên cho TDDC Việt Nam tại giải vô địch châu Á tổ chức ở Phúc Kiến (Trung Quốc) vào ngày 13/11.



Sau đó đúng 1 tuần, Hà Thanh đoạt tiếp HCV nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ cúp thế giới 2012 tại CH Czech.

8. Cuộc cạnh tranh bản quyền truyền hình V.League

Ngay khi vừa ra đời, điểm nóng mà VPF tạo ra không phải là công tác chuyên môn mà lại là cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình V-League, điều chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam liên quan đến bóng đá nội.



Mỗi bên đều có lý trong cuộc tranh chấp tưởng như chẳng có hồi kết này, nhưng thật kỳ lạ là đã kết thúc khá êm đẹp khi AVG nhượng bản quyền lại cho VPF. Tuy nhiên, đó lại chẳng hề là thắng lợi lớn, khi những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình V-League đã "chìm" cùng vụ bầu Kiên bị bắt.

9. Bốn cầu thủ học viện HAGL Arsenal sang Anh đào tạo tiếp

Bất chấp những khó khăn, tồn tại, nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển mà bằng chứng là bốn cầu thủ của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG được mời sang thử việc tại đội trẻ của CLB Arsenal theo lời mời của HLV Arsene Wenger.



Bốn cầu thủ trẻ này là trung vệ Trần Hữu Đông Triều, tiền vệ Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và tiền vệ tấn công Nguyễn Công Phượng - Những gương mặt đã được HLV Arsene Wenger ‘chấm’ sau trận thắng 1-0 của Học viện HAGL Arsenal JMG trước đội U17 Arsenal cách đây hơn một tháng.

10. Sự xuống cấp trong lối sống của một bộ phận VĐV



Đây tiếp tục là điểm nóng đáng quan ngại trong tiến trình phát triển chung của Thể thao Việt Nam. Từ vụ nghi án trung vệ Huy Hoàng của SLNA “phê thuốc”, đến cầu thủ Hồng Việt bị chém, các tuyển thủ đội tuyển bóng bàn quốc gia đánh nhau khi đi thi đấu quốc tế, 2 VĐV đua thuyền trốn ở lại Australia trong thời gian tập huấn... tiếp tục rung lên  hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong lối sống, hành vi đạo đức của một bộ phận không nhỏ của giới VĐV, cầu thủ.

Theo Đất Việt

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao