Bà Trương Mỹ Lan dùng tiền chiếm đoạt của SCB vào việc gì?

Theo lời khai của bà Trương Mỹ Lan, tiền giải ngân các khoản vay được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước, trả nợ vay cho bạn bè, người thân…

Theo lời khai của bà Trương Mỹ Lan, liên quan đến việc NH SCB cấp tín dụng cho các khách hàng, bà Lan trao đổi, chỉ đạo các bị can Nguyễn Thị Thu Sương, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ NH SCB; Trương Khánh Hoàng, quyền TGĐ SCB hoặc Trần Thị Mỹ Dung, Phó TGĐ SCB. Các bị can sẽ thông báo cho bà Lan biết để tìm phương án xử lý.

Để xử lý các khoản vay này, bà Trương Mỹ Lan đi gặp bạn bè để mượn tài sản (hoặc dự án) hoặc lấy tài sản của mình sử dụng làm tài sản đảm bảo để đưa vào SCB vay tiền ra xử lý các khoản vay trước. Các tài sản đảm bảo thấp hơn nhiều giá trị số tiền rút ra.

Để giải quyết việc này, bà Trương Mỹ Lan khai phải thuê Thẩm định giá nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những việc này sau khi báo cáo với bà Lan, lãnh đạo NH SCB qua các thời kỳ sẽ chủ động phân công cán bộ nhân viên SCB và những người liên quan thực hiện.

Bà Trương Mỹ Lan dùng tiền chiếm đoạt của SCB vào việc gì?-1
Bà Trương Mỹ Lan.

Bà Trương Mỹ Lan khai nhận, tiền giải ngân các khoản vay trên được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước, trả nợ vay cho bạn bè, người thân mà bà Lan vay của họ; trả chi phí cho các hoạt động của NH SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được).

Tiền còn được dùng để trả tiền mua lại các dự án, thường là các dự án đã mượn để thế chấp ngân hàng, sau đó bà Trương Mỹ Lan mua lại; Trả tiền gốc lãi trái phiếu; Chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản; Chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản và chi vào nhiều các mục đích khác.

Theo CQĐT, từ 1/1/2018 - 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền, chiếm đoạt của NH SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ hơn 545.039 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 415.666 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt này đều phục vụ cho mục đích cá nhân của bà Lan. Tuy nhiên CQĐT xác định nhiều tài sản còn lại bảo đảm cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan có giá trị, hiện NH SCB đang theo dõi quản lý. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, CQĐT xác định trách nhiệm của bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 304.096 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi tham ô tài sản của bà Lan còn gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.

Đây là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên. CQĐT cũng làm rõ, từ năm 2012- 2022, các đối tượng tại SCB và các đối tượng liên quan khác đã cho vay trái quy định, đến nay không có khả năng thu hồi số tiền hơn 677.286 tỷ đồng nợ gốc, nợ lãi hơn 193.315 tỷ đồng.

Tổ chức tội phạm quy mô lớn

Theo lời khai của ông Võ Tấn Hoàng Văn, TGĐ NH SCB, các khoản vay đối với các khách hàng thuộc hệ thống sinh thái Vạn Thịnh Phát chiếm tỷ trọng phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Mỗi khi cần tiền sử dụng, bà Lan sẽ gọi điện trao đổi với ông Văn, qua đó TGĐ SCB sẽ nắm được chủ trương, chỉ đạo để SCB giải ngân khoản vay nào đó cho bà Lan sử dụng.

Ông Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để rút tiền SCB ra sử dụng vào các mục đích như trả nợ cũ tại SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của bà Lan.

Vẫn theo lời khai của ông Văn, việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay, nhưng vì biết bà Lan thực sự là chủ của NH SCB nên sau khi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo thì ông Văn đều cùng lãnh đạo, nhân viên thực hiện các bộ hồ sơ để giải ngân.

Từ năm 2020, các khoản vay cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tại trường ký hiệu là “HSTT”, viết tắt của từ “Hội sở tiếp thị” trên hệ thống phần mềm quản lý “Core Banking” của SCB. Trường thông tin này để làm cơ sở xác định các khoản vay thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phục vụ yêu cầu theo dõi, thống kê, phê duyệt trái với quy định cho vay thông thường.

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hệ sinh thái gồm hơn 1.000 doanh nghiệp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó phải kể đến Nhóm mạng lưới công ty tại nước ngoài. Ở nhóm này, bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan ở nước ngoài.

CQĐT đánh giá, đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt. Hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

CQĐT tách vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền, cùng một số sai phạm liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý và thu hồi triệt để tài sản để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Theo Vietnamnet

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ba-truong-my-lan-tieu-tien-chiem-doat-cua-scb-vao-viec-gi-2217496.html

Trương Mỹ Lan

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao