Đề thi văn về Ngọc Trinh, Bà Tưng là "phi giáo dục"

PGS Văn Như Cương thốt lên: 'Tại sao lại đòi hỏi học sinh quan tâm đến Ngọc Trinh, Bà Tưng?' khi đọc đề thi HSG Văn của TP Hải Phòng.

Những ngày qua, cư dân mạng sốt lên khi đọc đề thi HSG Văn của TP Hải Phòng với sự xuất hiện của Ngọc Trinh và Bà Tưng:

“Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" Mới đât cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn : "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền: (Theo Vietnamnet)

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề : "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
 
Cư dân mạng rất tâm đắc với đề thi này

Ngay sau khi được phát tán, đề thi nhận  được sự quan tâm lớn từ cư dân mạng, rất nhiều người khen đề thi hay, sáng tạo, bám sát thực tế và có khả năng phân loại học sinh cao. Ngay sau khi đọc câu hỏi này, PGS.Văn Như Cương đã khẳng định: “Tôi không tán thành câu hỏi này. Khi đưa Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề thi, cần phải lường trước được liệu các em học sinh có biết về những người này không? Tôi nghi ngờ rằng không phải học sinh nào cũng biết về câu nói của họ.

Trước đây có báo đã từng hỏi tôi về Huyền Chíp nhưng tôi từ chối trả lời vì tôi không biết Huyền Chíp là ai. Để có thể bình luận về một hiện tượng, một câu nói thì phải biết sâu về nó. Vậy khi đưa câu nói của Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề thi HSG phải chăng để khuyến khích các em đọc về những câu chuyện lá cải như thế?”
 
PGS.Văn Như Cương: "Khi đưa câu nói của Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề thi
HSG phải chăng để khuyến khích các em đọc về
 những câu chuyện lá cải như thế?”


Theo thầy Cương, để đưa ra được một đề thi, người làm đề cần hướng vào đại đa số người thi. Đặc biệt là đề thi nghị luận xã hội thì càng phải cẩn trọng hơn. Không phải cứ đưa những hiện tượng nóng sốt của xã hội đã là hay, là cập nhật. Nhiều người đánh giá  đề thi này có khả năng phân loại học sinh cao.

Thứ nhất, học sinh phải biết được Ngọc Trinh, Bà Tưng là ai, biết về câu nói của họ, nghĩa là có kiến thức xã hội tốt. Thứ hai, học sinh phải có khả năng lập luận rõ ràng, quan điểm đúng đắn mới có thể làm được bài, không sa đà vào chém gió.

Tuy nhiên, thầy Cương nói: “Để phân loại học sinh có nhiều cách. Nhưng những đề thi PR cho “trai đẹp bị trục xuất” rồi Ngọc Trinh, Bà Tưng như thế này là không ổn. Tại sao lại đòi hỏi học sinh quan tâm đến Ngọc Trinh, Bà Tưng? Có những người chỉ quan tâm đến Syria, Triều Tiên thì sao?”

Trong khi cư dân mạng thích thú với đề thi này, thầy Văn Như Cương lại cho rằng nó chưa toàn diện, chưa phổ cập. Nội dung đề thi không hướng tới tất cả đối tượng dự thi là phi giáo dục.
 
Theo Người đưa tin

Tin tức mới nhất