Hành khách kể phút ôm con 1 tuổi lộn nhào theo toa tàu xuống ruộng

“Thời điểm xảy ra tai nạn lật tàu khoảng quá nửa đêm, lúc đó khách trên tàu gần như đang ngủ hết. Nghe tiếng ầm, toa tàu từ từ lật xuống ruộng, tôi chỉ kịp ôm đứa con vào lòng”, chị Lê Thị Mùi, nhân chứng kể lại.

Theo báo cáo nhanh từ Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, vụ tai nạn làm 2 người chết và 13 người bị thương. Một số người bị thương nhẹ đã xuất viện, còn 7 người vẫn đang được điều trị tại: BV Đa khoa Vinh (Nghệ An), BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, BV Đa khoa Tĩnh Gia và một người bị thương nặng phải chuyển ra BV Việt Đức (Hà Nội).

Tại BV Đa khoa huyện Tĩnh Gia sáng nay, 3 nạn nhân trong vụ lật tàu đang được các bác sĩ điều trị tích cực.


Chị Lưu Thị Mùi cùng con đang chăm sóc chồng bị thương nặng

Chị Lưu Thị Mùi (SN 1991, quê Yên Định, Thanh Hóa) đang chăm sóc cho chồng là anh Lê Ngọc Tài (SN 1985).

Chị Mùi kể, gia đình chị đi du lịch Đà Nẵng cùng công ty. Chuyến đi này toàn công ty có tổng gần 300 người, xuất phát từ Hà Nội vào lúc 20h15, đến thời điểm xảy ra tai nạn khoảng quá nửa đêm.

Chồng chị ở toa số 1, chị và con gái 19 tháng tuổi nằm ở toa 2. “Tôi và con gái đang ngủ thì nghe tiếng rầm rất lớn, chỉ khoảng vài giây sau toa tàu từ từ lật. Lúc này tôi không biết chuyện gì xảy ra, chỉ vội ôm chặt đứa con rồi lộn nhào theo toa tàu. Điện mất, mọi người nhốn nháo và mùi dầu máy sộc vào khét lẹt”, chị Mùi kể.


 Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn và Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc công an tỉnh thăm hỏi nạn nhân

Theo chị Mùi, lúc đó mọi người nhốn nháo, không ai đủ bình tĩnh để đập cửa kính thoát hiểm. Một lúc sau có người đập được kính đưa mọi người lần lượt lên bờ.

“Nếu tôi không kịp ôm con gái vào lòng thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Hai mẹ con tôi còn sống, nhưng không thấy chồng đâu tôi lại nhốn nháo chạy đi tìm. Nghe mọi người nói đã đưa anh ấy vào viện tôi như chết lặng”, chị Mùi nói.

Hiện anh Tài đang được điều trị trong bệnh viện với nhiều vết thương ngoài da, nặng nhất là rách ở trong miệng phải khâu 13 mũi bên, giờ anh Tài chưa thể nói chuyện.


Anh Ngyễn Văn Dầu

Nằm giường kế bên là anh Nguyễn Văn Dầu (SN 1983, quê Tĩnh Gia), anh Dầu cho biết, theo sắp xếp của công ty, anh em đàn ông ngồi toa 1 (toa ghế ngồi) để nhường cho chị em phụ nữ và con nhỏ ngồi từ toa 2 chở đi (toa giường nằm).

“Tôi đang ngủ, bỗng thấy cả người lộn nhào. Người và hàng hóa chồng chất lên nhau. Mặc dù bị mảnh kính đâm vào đầu đầu gối nhưng tôi vẫn phải cố bò ra khỏi toa, lội xuống mương bùn ngang nửa người để đi tìm vợ và 2 đứa con. Đến lúc thấy 3 mẹ con ở toa 2 không sao, tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu”, anh Dầu kể lại.

Theo anh Dầu, khu vực xảy ra tai nạn, khoảng cách từ đường sắt đến mương không cao, lại lật từ từ nên số người bị thương nặng không nhiều, chủ yếu là bị xây xát ngoài da.

Đến 10h sáng nay, ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh đã đến bệnh viện thăm hỏi, động viên các nạn nhân.

Bộ Y tế yêu cầu điều trị miễn phí cho các nạn nhân

Trong buổi sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến BV Đa khoa huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa.

Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và tặng quà cho thân nhân của các nạn nhân tử vong của vụ lật tàu.
 


Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi các nạn nhân vụ lật tàu

Đồng thời, thăm hỏi và tặng quà 3 nạn nhân đang điều trị tại BV Đa khoa huyện Tĩnh Gia.

Bộ trưởng yêu cầu phía BV cố gắng tạo điều kiện chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân của vụ lật tàu ở Thanh Hóa, điều trị miễn phí cho các nạn nhân. Trong trường hợp cần hỗ trợ về chuyên môn thì báo cáo với Sở Y tế, Bộ Y tế để hỗ trợ kịp thời.

Theo Vietnamnet


lật tàu hỏa tai nạn đường sắt tai nạn giao thông

Tin tức mới nhất