Lạm dụng trò chơi mạo hiểm trên truyền hình: Thiếu tính giáo dục và phản cảm

Sự cố nuốt nhầm axít của thí sinh trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt” trên truyền hình vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly...

Càng mạo hiểm, càng... ăn khách


Về sự cố uống nhầm axít, BTC cho biết: “Tấn Phát bị bỏng môi và khoang miệng phía trước dưới lưỡi ở cấp độ nhẹ”. Còn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán Tấn Phát bị bỏng miệng, họng độ 2. Tranh thủ lúc nằm viện, Tấn Phát làm clip xin lỗi chương trình và khán giả, còn BTC thì chưa thấy lên tiếng nhận trách nhiệm.

Cộng đồng mạng đã phản ứng trước sự “vô tâm” của cả BTC, cũng như ban giám khảo và cả MC - tất cả dường như không hề có ứng phó nào kịp thời khi thí sinh uống nhầm ly axít, thậm chí, còn kéo dài phần hỏi, thay vì đưa đi cấp cứu ngay. Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu tiết mục nguy hiểm tương tự, mà vẫn được phát sóng trực tiếp? Trong chuyện này, ai chịu trách nhiệm khi đưa lên những trò gay cấn không đảm bảo cho tính mạng người chơi, và đâu là tính giáo dục trong những trò chơi này?

Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt” không hiếm những màn trình diễn rùng rợn. Khán giả nhiều lần thót tim khi xem màn nuốt kim, nuốt rắn, nuốt kéo, cầm thương nhọn đâm vào yết hầu, dùng lò xo, dao sắt xuyên qua mũi, dùng đầu đập đinh vào ván...

Kinh khủng hơn, còn có trò nuốt lưỡi cưa 20cm vào cổ họng, cắm chiếc ốc vít được nối với nguồn điện vào mũi, nuốt cây kéo sắt dài hơn 50cm được nối với nguồn điện cho dòng điện chạy qua tim và vẫn rút ra thản nhiên như trường hợp “người điện” Hoàng Nhựt. Hay trò may rủi dùng máy bắn ghim bắn thẳng vào đầu.

Chương trình “Vietnam’s Next Top Model” qua từng mùa giải cũng có những pha mạo hiểm như cho thí sinh chụp ảnh cùng rắn lục, trăn, các loài bò sát, côn trùng, treo người trên cần cẩu cao 15m, lơ lửng giữa không trung, đứng thẳng góc trên vách nhà cao tầng cách mặt đất 20m để tạo dáng... Còn sân chơi “Cuộc đua kỳ thú” cũng buộc thí sinh nhảy dù, đu dây mạo hiểm ở độ cao 60m.
 Thí sinh Tấn Phát phải nhập viện sau khi uống nhầm ly axít.

Đâm lao, phải theo lao


Những màn diễn kiểu trên từng bị nhiều khán giả cho là phi giáo dục. Ca sĩ Ánh Tuyết nhìn nhận: “Làm gì thì làm, nhưng phải nghĩ đến vấn đề con người, xã hội và giáo dục. Ở nước ngoài, người ta kiểm soát rất kỹ trước khi cho diễn các show mạo hiểm. Nếu có sự cố, tổ chức, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho người đó, nói chung là chịu trách nhiệm rất nặng. Còn ở ta, không những không kiểm tra trước, xem có nguy hiểm đến tính mạng không, mà còn bỏ qua chuyện giới trẻ sẽ “học hỏi”, bắt chước làm những trò nguy hiểm như vậy. Dường như ở đây, người ta khuyến khích tính liều mạng!

TS - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ phân tích: “Một số chương trình như vậy đang được đẩy lên thành cao trào. Không ít đài, nhất là khu vực phía nam và TPHCM có phong trào khai thác văn hóa đại chúng, hướng về giới trẻ. Giới trẻ cần trực quan sinh động, mang yếu tố mạo hiểm, kích thích sự chú ý. Nhà đài đâm lao phải theo lao mà không tính thiệt hơn, cũng như xem nhẹ tính giáo dục. Cho nên, một số chương trình hơi quá đà”.

Cũng theo TS Thơ, chất nghệ thuật của các chương trình dần biến mất. Giới trẻ thiếu trang bị hiểu biết, chưa đủ năng lực cảm thụ nghệ thuật, lại không đủ thời gian… nên nhà đài đánh vào những gì chớp nhoáng, như ảo thuật, kịch hài, miễn qua rồi thôi. “Tôi không ủng hộ những trò “Sơn Đông mãi võ” đó. Rõ ràng, người ta hy sinh quá nhiều, để đánh đổi số lượng người xem đông” - ông chia sẻ.

Theo Lao Động

Tin tức mới nhất