Nơi trị những học sinh hư hỏng, cá biệt

Những thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường nhưng hư hỏng hay đánh nhau, ham chơi được nhiều bậc cha mẹ đưa đến ngôi trường nội trú để rèn luyện trong nhiều năm.

Trường nội trú IVS, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Vovinam và Thể thao. Ngôi trường này nhận tất cả những học sinh cá biệt, những em khó bảo, mải chơi lười học hoặc đam mê các trò chơi dẫn đến những hậu quả khó lường.


Học viên của trường đều có những hoàn cảnh và tính cách đặc biệt. Có học sinh từng thường xuyên bỏ học, bỏ nhà theo bạn bè đua xe, đánh nhau và cũng có những em suốt ngày đi thơ thẩn. Trong ảnh, các em đang tập trung xem tivi trong giờ cho phép.


Học viên Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1999, đến từ Đắk Lắk) học ở trường được một năm. Em là học sinh cá biệt với những "chiến tích" bỏ nhà, bỏ học, gia đình hoàn toàn không thể kiểm soát được. Khánh cho biết sẽ học ở đây tới khi hết cấp 3 để ra trường có thể đi làm.


Em Đỗ Hoàng Tú (sinh năm 2001) khi còn ở nhà thường bị bạn bè xấu dụ dỗ chơi bời, bố mẹ bận rộn không có thời gian quan tâm nên học kém. Em quyết định xin mẹ cho vào trường để được giao lưu với các bạn và tập trung học hành.


Mỗi học sinh đều có tính cách mạnh do trước đây ở môi trường xấu và ít được sự quan tâm chia sẻ của gia đình.


Tuy nhiên, các thầy giáo đang giảng dạy tại ngôi trường này lại cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các em chưa có môi trường và phương pháp giáo dục đào tạo thích hợp, chứ không có trẻ em hư.


Thầy Sơn (quản sinh của trường) thường ngồi nói chuyện với học sinh mỗi buổi tối. Học sinh vào đây sẽ không được sử dụng đồ công nghệ, do đó mỗi lần thấy điện thoại các em đều rất háo hức.


Tại ngôi trường này, các hoạt động giáo dục sẽ theo kỷ luật của quân đội. Các em phải dậy từ 5h30 sáng để gấp chăn màn và vệ sinh cá nhân trong thời gian ngắn.


Móng tay có thể không cắt nhưng chăn màn phải cực kỳ vuông vắn.


Nếu trước đây học viên thường xuyên đi bụi, đua xe, nay giờ giải lao, các bạn sẽ chơi rubic. Trong ảnh, thầy giám thị đang quan sát học sinh trong giờ ra chơi. Mỗi lớp đều có camera giám sát từng phòng.


Ngoài kỷ luật, ngôi trường giáo dục học sinh theo hướng thúc đẩy khả năng của từng em bằng những “phác đồ” giáo dục riêng. Em Phạm Sĩ Hùng (giường trên) có đam mê hội họa nên tự đăng ký lớp luyện vẽ truyện tranh hàng ngày.


Với những học sinh tăng động hoặc cá tính mạnh, các em sẽ được tăng cường vào lớp võ.


Các lớp học vẽ, hát hoặc Yoga sẽ làm "mềm" tính cách của mỗi học trò, đồng thời giúp các em khám phá năng lực của bản thân.


Học sinh xếp hàng lấy cơm trong giờ ăn tối. Được biết, trước đây, một số em bỏ trốn ngay cả trong lúc học hoặc giờ ăn đông người.


Nếu trước đây là những đêm tụ tập đua xe, thì giờ đây mỗi buổi tối sau giờ ăn, các em tự động làm bài tập cùng nhau.


Một học viên bị ốm đang được bạn nấu mỳ giúp. Các học viên ở đây, sau thời gian hòa nhập, đều quý mến lẫn nhau, không còn gây gổ.


Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác, các giáo viên phải rất vất vả ứng phó. Một số trường hợp có vấn đề thần kinh, hoặc tự kỷ nặng. Thời gian hòa nhập của các em này rất lâu.


Học viên tên Trân đang xin phép thầy Sơn cho nghỉ tiết thể thao. Thầy cho biết cô bé này mới vào và rất hay tìm lý do xin nghỉ học.


Những học sinh trước đây khó dạy hay hoàn toàn không có hy vọng gì về tương lai thì tại đây các em được nhìn nhận như những học sinh có cá tính khác biệt với người bình thường. Trong ảnh, những tấm hình kỷ niệm cùng dòng tâm sự được các em tự dán lên bảng.


Ngôi trường hoạt động theo tôn chỉ đưa các học viên trở thành người trung thực, tự lập, có trách nhiệm với bản thân và mọi người.
Theo Zing


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao