Rước họa vào thân vì 3 sai lầm khi ăn cua đồng

Cua đồng giàu dinh dưỡng đặc biệt là canxi, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon vào mùa hè. Tuy nhiên, bạn cần tránh 3 điều khi ăn loại thực phẩm dân dã này.

Cua đồng nấu canh là món ăn tốn cơm ngày hè. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi cho rằng ăn cua sẽ béo vì chứa nhiều chất. Xin bác sĩ tư vấn cua đồng tốt cho sức khỏe như thế nào? Ai phải kiêng món cua đồng? Tôi xin cảm ơn! (Lê Thu Hà - Hà Đông, Hà Nội).

Bác sĩ Đông y Trương Văn Quân - Bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc (Thanh Hóa) tư vấn:

Cua đồng sống ở khu vực nước ngọt, phổ biến nhất là ruộng lúa. Theo Đông y, cua đồng có tên gọi là Điền giải. Cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính hàn giúp hoạt huyết, tán kết, bổ gân xương, trị nhiệt tà, giải độc.

Sách Lĩnh nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông có ghi: "Điền giải (cua đồng) hơi lạnh, mạnh cho gân cốt và thông huyết ứ, nhưng ăn nhiều thời người rời rạc ra, vì thế gọi là giải. Thứ cua này kiêng loại 6 chân, dưới bụng có lông, xương đầu có đốm như sao, chân có khoang, đều không nên ăn".

Rước họa vào thân vì 3 sai lầm khi ăn cua đồng-1
Cua đồng là thực phẩm dân dã được nhiều người Việt ưa chuộng. Ảnh:P. Thúy.

Trong cuốn Dược tính chỉ nam của Tuệ Tĩnh có viết: "Điền giải khí lạnh, vị mặn, hơi có độc. Có thể tiếp được xương, nối được gân, chữa chứng phong tà phát sốt. Chữa người bị ngã vấp hay bị đánh đòn, đánh tan được máu đọng".

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần dinh dưỡng của cua đồng rất đa dạng bao gồm protein, lipid, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B1, B2, PP, B6, cholesterol tốt.

Thực phẩm này chứa hàm lượng canxi lớn. 100g cua chứa 5g canxi, 430mg phốt pho, 4,7mg sắt. Khoáng chất này tốt cho quá trình hình thành tế bào xương, phòng chống còi xương ở trẻ, loãng xương ở người lớn.

Cua đồng giàu đạm, các lysine, methionie, leucin góp phần vào xây dựng các mô tế bào, làm lành vết thương nhanh chóng. 

Vào mùa hè, canh cua là món ăn được nhiều người yêu thích. Ngoài giúp ngon miệng, canh cua hỗ trợ giảm phù thũng, chướng bụng, chán ăn, phù tim, lở ngứa, bồn chồn, mất ngủ.

Những người không nên ăn canh cua

- Người bị bệnh gout: Ăn cua đồng giàu protein có thể dẫn tới cơn đau cấp tính. Ngoài ra, cua có tính hàn làm cho các chỗ sưng dễ nhiễm lạnh, đau nhức khiến bệnh càng trầm trọng hơn.

- Những người có cơ địa dị ứng cua, bị tiêu chảy, người mới ốm dậy hệ tiêu hóa còn yếu nên hạn chế ăn cua. 

- Cua giàu cholesterol nên nếu ăn nhiều cua đồng sẽ khiến cholesterol máu tăng cao. Điều này đặc biệt không tốt cho những người có tiền sử về tim mạch và tăng huyết áp.

Những điều cần tránh khi ăn cua

Không mua cua xay sẵn

Nhiều người hay mua cua xay sẵn cho tiện lợi nhưng có thể mua phải cua chết. Cua chứa nhiều axit amin histidine, khi cua chết, hoạt chất này biến đổi thành chất độc histamine gây ngộ độc, đau bụng, đau đầu, choáng váng, nôn mửa. Cua chết càng lâu càng độc. 

Không nên ăn cua sống

Cua chứa nhiều sán, ký sinh trùng đặc biệt là sán lá phổi. Nếu bạn ăn cua sống, các nang ấu trùng xâm nhập vào máu, có thể ký sinh ở phổi, xâm nhập lên não gây co giật, thậm chí dẫn tới bại liệt. Ký sinh trùng này còn xâm nhập vào các cơ quan khác như tủy sống, thận, tim, gan. 

Khi chế biến cua, bạn cần lưu ý thật kỹ phần mai cua có thể chứa ký sinh trùng như vắt, sán… cần vệ sinh tay chân sạch sẽ khi nấu nướng, tránh ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.

Không để canh cua qua đêm

Nhiều trường hợp bị ngộ độc vì canh cua để từ hôm trước. Bạn cần lưu ý chế biến tới đâu ăn hết tới đó, không để lại bữa sau dù bảo quản ở tủ lạnh. Ngoài ra, cua chứa nhiều chất đạm, nếu để qua đêm có thể biến đổi mất giá trị dinh dưỡng và gây ngộ độc.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ruoc-hoa-vao-than-vi-3-sai-lam-khi-an-cua-dong-2281124.html

ngộ độc ẩm thực

Tin tức mới nhất