Vì sao người đẹp Việt thường ‘trắng tay’ tại Hoa hậu Hoàn Vũ?

Sau 7 năm cử người đi thi thì chỉ có Thùy Lâm là gương mặt Việt duy nhất lọt vào top 15 Hoa hậu Hoàn Vũ 2008.

Hoa hậu Hoàn vũ là cuộc thi sắc đẹp hàng đầu hành tinh và là đối thủ cạnh tranh số một của cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cử 7 người đẹp tham gia cuộc thi này nhưng chỉ có duy nhất Thùy Lâm là gương mặt lọt được vào bán kết năm 2008. Tuy nhiên, Việt Nam năm đó lại là nước chủ nhà đăng cai cuộc thi.

Vậy vì đâu mà người đẹp Việt thường trắng tay tại Hoa hậu Hoàn vũ?

Đấu trường sắc đẹp khắc nghiệt nhất hành tinh

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã có 63 năm tuổi và được đánh giá là đấu trường sắc đẹp khắc nghiệt nhất hành tinh. Các thí sinh của Hoa hậu Hoàn vũ thường là những người đẹp đã chiến thắng ngôi vị cao nhất của cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Chính vì vậy nên dàn thí sinh của cuộc thi sắc đẹp này có chất lượng tốt hàng đầu thế giới.

Hành trình để vào được top 15 chung cuộc, sau nữa là đoạt vương miện là một cuộc chiến không khoan nhượng giữa các người đẹp. Mà yếu tố cần và đủ cho người được vinh danh là phải đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi: xinh đẹp sắc sảo, hình thể gợi cảm hoàn hảo, khả năng trình diễn lôi cuốn và trí tuệ, lối tư duy văn minh, năng động, hiện đại.


Người đẹp Dayana Mendoza của Venezuela đăng quang Miss Universe 2008.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của cuộc thi có thể thấy một số quốc gia đang “thống trị” tại đấu trường sắc đẹp này. Nước Mỹ đã có tới 8 lần đoạt được vương miện, sau đó là Venezuela 7 lần, Puerto Rico 5 lần. Những năm gần đây Philippines, Colombia, Canada, Brasil… đang có bước tiến vượt bậc tại đấu trường này khiến số lượng “cường quốc sắc đẹp” ngày một tăng lên.

Chính vì vậy nên chia sẻ của hoa hậu Diễm Hương – đại diện của Việt Nam năm 2012 có nhiều phần hợp lý: "Cuộc thi chưa diễn ra nhưng đã có thể đoán được gần hết danh sách top 16 chung cuộc. Nguyên nhân rất đơn giản là các quốc gia này luôn cử đi những người đẹp hoàn hảo, được đào tạo vô cùng chuyên nghiệp. Như vậy, một quốc gia còn “non trẻ” như Việt Nam sẽ rất khó để tìm một chỗ đứng trong cuộc thi này."


Top 5 của Miss Universe 2013 là những quốc gia rất quen thuộc.

Người đẹp dự thi không “danh chính ngôn thuận”

Hầu hết các người đẹp của Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn vũ đều không được “danh chính ngôn thuận”. Tức là vấn đề danh hiệu của người đẹp còn chưa thực sự phù hợp với cuộc thi lớn, luôn đòi hỏi các thí sinh phải là hoa hậu quốc gia.

Vào năm 2004, Siêu mẫu Việt Nam Hoàng Khánh Ngọc tham dự cuộc thi trong sự ngỡ ngàng của khán giả quê nhà. Bất ngờ hơn nữa là Phạm Thu Hằng dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005 trong khi cô chỉ đoạt danh hiệu Hoa khôi Hà Nội. Năm 2012, Diễm Hương dự thi trên danh nghĩa “Hoa hậu Thế giới người Việt” – một danh hiệu có phần phù hợp với Hoa hậu thế giới. Trong khi đó Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 Dương Trương Thiên Lý lại được cử đi thi Hoa hậu Thế giới – đối thủ số một của Hoa hậu Hoàn vũ…


Thùy Lâm tại Hoa hậu Hoàn vũ 2008.

Trong tổng số 7 người đẹp Việt dự thi HHHV chỉ có Thùy Lâm là “danh chính ngôn thuận” bởi cô đăng quang HH Hoàn vũ Việt Nam 2008. Ngược lại, rất nhiều nước như Philippines, Trung Quốc, Venezuela… mỗi năm đều tổ chức một cuộc thi sắc đẹp để tìm mỹ nhân đúng tiêu chí dự thi Hoa hậu Hoàn vũ. Rõ ràng việc cử một hoa hậu cấp quốc gia, cao hơn nữa là danh hiệu “đúng chuẩn” đi thi sẽ khiến hồ sơ của người đẹp hợp lý và ấn tượng hơn rất nhiều.

Câu chuyện “thời gian và chất lượng”

Đa số các quốc gia trên thế giới đều rất tập trung cho việc dành thời gian để các người đẹp rèn luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thi đấu quốc tế. Vì cuộc thi HH Hoàn vũ thường diễn ra vào cuối năm nên nhiều quốc gia tổ chức thi cử ngay từ đầu năm, hay lấy hoa hậu từ năm trước đi thi để đại diện của họ có thời gian dài chuẩn bị. Đó là cách làm việc rất chuyên nghiệp, giúp cho các cô gái của họ đủ hành trang và bản lĩnh để tỏa sáng.


Các đại diện của Venezuela đều là hoa hậu quốc gia từ năm trước.

Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, khi cuộc thi sắp diễn ra thì việc chọn người đẹp mới được bắt đầu một cách gấp gáp. Đơn vị nắm bản quyền sẽ chọn ra một vài người đẹp và gửi mời mời cho họ. Nếu không người đẹp nào đồng ý thì đồng nghĩa với việc sẽ không có đại diện Việt Nam dự thi. Còn nếu có người đẹp đồng ý thì sẽ phải hối hả lao vào chuẩn bị vật chất, rèn luyện thể chất cùng các kỹ năng ngoại ngữ, ứng xử…    

Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 2-3 tháng thì việc hoàn thiện về mọi mặt của các người đẹp còn là một dấu hỏi lớn. Hành trang và kỹ năng của các người đẹp chỉ dừng lại ở mức bình thường. Chúng ta đã thấy một Diễm Hương bị chê bai kịch liệt về khả năng ngoại ngữ, một Hoàng Yến “bê” nguyên phong cách lạnh lùng của một siêu mẫu lên sàn catwalk, một Trương Thị May còn thiếu cá tính khi trình diễn bikini…


Diễm Hương tại Hoa hậu Hoàn vũ 2012.

Mới đây, Á hậu Việt Nam Diễm Trang vừa đăng quang đầu tháng 12 đã được mời dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2014 được tổ chức đầu năm 2015. Á hậu đã rất khéo léo từ chối lời mời này.

Suy cho cùng, các người đẹp của chúng ta không hề có sự thua kém các nước bạn về nhan sắc mà vấn đề mấu chốt nằm ở việc thiếu kỹ năng và bản lĩnh để tỏa sáng.

Ban tổ chức có “xử ép” người đẹp Việt?

Nghi án Ban tổ chức HH Hoàn vũ “xử ép” người đẹp Việt được dấy lên sau khi Trương Thị May “trắng tay” trở về sau cuộc thi HH Hoàn vũ 2013. Theo nguồn tin từ Hector Joaquin - stylist của cuộc thi tiết lộ, các thí sinh trong cuộc thi Miss Universe đã không hiểu vì sao HH Trung Quốc lại thắng giải Hoa hậu Thân thiện, trong khi đại diện Việt Nam - Trương Thị May mới là người được các hoa hậu bỏ phiếu nhiều nhất. Điều này từng khiến rất nhiều fan Việt bức xúc.


Trương Thị May được đánh giá thân thiện nổi bật của HH Hoàn vũ 2013.

Ngược lại quãng thời gian năm 2011, Á hậu Hoàng My cũng hết sức bất ngờ khi mình không được lọt vào bán kết. Vẻ đẹp đậm chất “tây” và sự thể hiện tuyệt vời của cô được truyền thông trong nước và một số chuyên gia sắc đẹp quốc tế đánh giá rất cao. Phải chăng “duyên” chưa đến với Hoàng My hay nội tình còn nhiều điều đáng nói?

Với người đẹp mang danh hiệu ‘Hoa hậu”

Khác với nhiều nước trên thế giới, các cuộc thi Hoa hậu của Việt Nam không hề đặt ra rõ trách nhiệm phải dự thi quốc tế đối với người đẹp đăng quang. Mọi sự lựa chọn đều do đơn vị nắm bản quyền thực hiện. Đơn vị này sẽ gửi lời mời tới các hoa, á hậu. Nếu không nhận được sự đồng ý từ người đẹp nào thì đồng nghĩa với việc hai chữ “Việt Nam” sẽ vắng bóng trên đấu trường quốc tế.


Thùy Dung, Ngọc Hân, Thu Thảo đều chưa từng dự thi quốc tế.

Ba Hoa hậu Việt Nam trong các năm liên tiếp gần đây là Thùy Dung, Ngọc Hân và Thu Thảo đều chưa từng tham dự cuộc thi nhan sắc quốc tế nào. Điều đó đồng nghĩa với việc 6 năm qua không có sự hiện diện của một Hoa hậu Việt Nam thực sự trên đấu trường quốc tế. Trong đó, Ngọc Hân khẳng định sẽ không tham dự cuộc thi nào và Thu Thảo từ chối vì nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên sự từ chối của các người đẹp đã làm một bộ phận công chúng phật lòng. Họ là các hoa hậu, là các “viên ngọc” sáng giá nhất được tuyển chọn kỹ càng từ hàng ngàn thí sinh trên toàn quốc. Nếu họ không xứng đáng thì còn ai xứng đáng hơn?

Cũng có thể các hoa hậu lo ngại vì sợ bị công chúng “ném đá” khi trắng tay ra về. Tuy nhiên, nếu các hoa hậu phấn đấu hết sức mình thì công chúng vẫn ghi nhận điều đó, giống như tình cảm mà họ dành cho Trương Thị May hai năm về trước.

Đức Thịnh
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao