Yên Bái sau mưa lũ lịch sử: 'Khổ cực quá nhưng giờ biết làm sao'

Bốn tháng sau trận mưa lũ lịch sử, người dân ở Yên Bái vẫn chưa quên khoảnh khắc căn nhà bị đất đá "nuốt trọn".


Mảnh đời cơ cực sau lũ ở Yên Bái: Chồng bị bệnh não bẩm sinh và đi làm xa, chị Trần Thị Hiền (xã Ngòi A, huyện Văn Yên), một mình nuôi dạy 3 con nhỏ trong căn nhà lá xiêu vẹo, dột nát.

Đợt mưa lũ lịch sử đợt tháng 8/2017 khiến nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại huyện Văn Yên, người dân nơi đây vẫn chưa thể quên nổi khoảnh khắc ruộng lúa ngập trắng, đất đá từ trên đỉnh đồi đổ xuống, "nuốt trọn" những căn nhà nhỏ.

Bốn tháng sau, vùng miền núi hẻo lánh vẫn đượm lại những khung cảnh đau buồn. Con đường dẫn vào các xã lầy lội, đầy ổ voi ổ gà. Nhiều đoạn ôtô tưởng chừng không thể di chuyển nổi. Xa xa, những ngọn đồi sạt lở ngang dọc.

"Mất hết rồi"

Anh Hà Trung Hiếu, 39 tuổi (xã Ngòi A, Văn Yên), xót xa khi nhắc lại câu chuyện đau lòng. Không chấp nhận cuộc sống nghèo khổ giữa vùng rừng núi sỏi đá, khô cằn ở xã Ngòi A, anh Hiếu vác balo vào TP HCM làm lao động chân tay, với ước mong đổi đời.

Sáng sớm ngày 6/8/2017, nhận được tin căn nhà bị đất đá đè sập, anh Hiếu bủn rủn chân tay, cảm tưởng như "sét đánh ngang tai". Vợ và 2 con của anh may mắn thoát thân.

“Lúc ấy, tôi chỉ biết rơi nước mắt, vì mình ở xa không thể về kịp”, anh Hiếu giãi bày.
 

Yên Bái sau mưa lũ lịch sử: Khổ cực quá nhưng giờ biết làm sao-1
Ngôi nhà của vợ chồng anh Hiếu bị đất đá đè sập. Ảnh: Thanh Vân.

Đau lòng khi nhắc tới căn nhà, chị Trần Thị Vy, vợ anh Hiếu, khóc hết nước mắt, không thể tin rằng cả gia tài lớn nhất của hai vợ chồng tan biến trong tích tắc. Ba năm trước, vợ chồng anh tích cóp, chạy vạy khắp nơi để dựng căn nhà đủ che nắng, che mưa. Giờ đây, ngôi nhà trở thành nó chỉ còn là đống đổ nát, lổm nhổm đất đá, cây cỏ. Vợ chồng anh chị cũng không ai dám lui tới khu vực đó, bởi "tử thần" có thể trở lại bất cứ lúc nào.

“Làm lụng vất vả trong bao nhiêu năm, cố gắng xây cất cho vợ con căn nhà, giờ cũng mất hết. Tôi buồn lắm”, anh Hiếu bày tỏ.

Nén giọng buồn tủi, anh kể rằng sau đó, vợ chồng anh và 2 con phải chuyển ra nhà văn hóa thôn tá túc trong vài tháng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh chị dựng lại căn nhà tạm ở mảnh đất được xã cấp cho bên cạnh.

Nhắc đến 2 con nhỏ, anh Hiếu chùng giọng xuống. Cậu con trai cả phải bỏ học khi đang lớp 10, đi làm thuê đỡ đần bố mẹ. "Bây giờ còn nước còn tát, cố gắng vớt vát thôi. Mất thì đã mất rồi, hai vợ chồng cứ động viên nhau khắc phục vậy. Tết sắp đến mà nhà vẫn chưa có gì, phải đi làm trả nợ đã”, anh nhìn sang vợ, giọng động viên.

"Mẹ ơi, đừng về nhà nữa"

Cách đó không xa, căn nhà đắp đất của chị Trần Thị Hiền, 32 tuổi, nằm vỏn vẹn trên khoảnh đất chỉ vài m2. Trong nhà, không có vật gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ, bộ bàn ghế và đôi giường bạc màu, xiêu vẹo.

Căn nhà lạnh lẽo, từng đợt gió hun hút qua những khe nứt. Trời động mưa phùn, người mẹ khắc khổ ngồi co ro ở một góc giường, ủ ấm cho bé út.

Chị bảo: “Mấy ngày mưa gió như này, tôi và các cháu phải sang nhà ông bà nội trú tránh. Ở nhà rét quá, không chịu được. Có đêm, gió to, chạy không kịp, mấy mẹ con chỉ biết nằm ôm nhau lo sợ”.

Chỉ tay về phía bức tường ở góc nhà, chị Hiền cho biết mưa lũ, gió lớn làm nghiêng cả bức tường, còn chút nữa thôi thì sập. Nói xong, chị lại quay sang dỗ dành cậu con út đang đòi ăn.

“Khổ cực lắm nhưng không biết phải làm sao”, người mẹ 3 con than thở.

Yên Bái sau mưa lũ lịch sử: Khổ cực quá nhưng giờ biết làm sao-2
Chị Hiền cùng 3 con sống trong căn nhà vách đất không có vật dụng gì giá trị. Ảnh: Lê Hiếu.

Chồng chị, anh Hoàng Văn Quý, 33 tuổi, bị mắc căn bệnh não bẩm sinh. Anh đi làm xa, để chị ở nhà nuôi nấng, dạy dỗ 3 đứa con nhỏ nheo nhóc.

“Gia đình cũng chữa chạy khắp nơi nhưng bệnh tình của anh ấy không thuyên giảm. Thôi đành chịu vậy, 3 miệng ăn nữa đang chờ, không làm thì lấy tiền đâu ra", chị Hiền kể. Anh Quý đi làm được dăm bữa nửa tháng lại phải nghỉ về nhà, vì cánh tay trái có dấu hiệu bị liệt, không cử động được nhưng vẫn cố.

Người phụ nữ vùng cao này tâm sự, cứ mỗi đợt mưa lũ, chị lại canh cánh nỗi lo nhà đổ sập bất cứ lúc nào song đành phó mặc cho số phận. Thi thoảng, các con lại nói với chị: “Mẹ ơi, đừng về nhà nữa. Nhà mà đổ thì mẹ con mình không chạy đi đâu được đâu”.

Nghĩ đến cái Tết trước mắt, chị Hiền chỉ biết thở dài: “Thôi Tết to bé cũng vẫn phải ở đây chứ biết đi đâu, muốn chuẩn bị gì cũng không có tiền". Chị chỉ mong ước có ngôi nhà vững chãi, chồng khỏi bệnh và con cái được ăn học đàng hoàng tử tế.

"Vợ chồng cứ động viên nhau cố gắng. Sang năm, tôi đi làm mong có thêm chút tiền, mong cuộc sống bớt khổ cực", chị nói.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học và THCS Ngòi A, do nằm ở vị trí cao nên không bị thiệt hại nhiều vì mưa lũ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường hiện xuống cấp trầm trọng.

"Các trang thiết bị từ lâu, máy móc lạc hâu, nhà trường lại không đủ khả năng đáp ứng được", thầy Đoàn Tuấn Anh, Hiệu phó trường Tiểu học và THCS Ngòi A cho biết. Thầy Tuấn Anh cho biết nhà trường rất cần hỗ trợ về sách vở, máy tính mới... nhằm phục vụ tốt hơn công tác dạy và học.

Theo thống kê của UBND tỉnh Yên Bái, thiên tai năm 2017, đặc biệt 2 đợt mưa lũ vào tháng 8 và tháng 10, khiến 36 người thiệt mạng, gần 20 người còn mất tích. Ước tính, tổng giá trị thiệt hại trên toàn tỉnh hơn 1.800 tỷ đồng.

Riêng huyện Văn Yên có 4 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Toàn huyện hiện còn 10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; 50% dân số là người dân tộc thiểu số, một số xã như Ngòi A, Yên Thái... gần 80%.

"Người dân chủ yếu làm kinh tế thuần nông, không có sản xuất lớn nên rất khó khăn", ông Nông Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ngòi A cho hay.

Theo Zing


lũ quét Yên Bái lũ lụt

Tin tức mới nhất