2 Bộ trưởng phối hợp chỉ đạo điều tra vụ điểm thi bất thường tại Hà Giang

Trước nghi vấn điểm thi bất thường tại Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an để phối hợp chỉ đạo điều tra làm rõ những sai phạm.


Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) báo cáo kết quả rà soát điểm thi bất thường ở Hà Giang trong buổi họp báo chiều ngày 17/7
 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết:

Qua dư luận phản ánh, đồng thời qua rà soát của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, thấy có dấu hiệu bất thường về kết quả thi của một số thí sinh tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, đề nghị phối hợp chỉ đạo điều tra làm rõ sự việc để xử lý nghiêm các sai phạm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trực tiếp chỉ đạo xác minh và xử lý nghiêm các sai phạm trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết kịp thời chính xác, đúng quy định.

- Kết quả rà soát điểm thi bất thường của Hà Giang năm nay với hơn 300 bài thi bị sửa điểm có khiến ông bất ngờ?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định trong những ngày vừa qua tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Trước hết là vì bà con, đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang, vì gần 5500 thí sinh của tỉnh Hà Giang đã dự thi năm nay và hơn hết là vì sự công bằng nghiêm túc của kỳ thi trong cả nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật, rất nghiêm túc, chúng ta đã đi được đến kết quả như hôm nay.

Chúng ta đánh giá rằng sai phạm đối với việc thay đổi điểm theo hướng nâng điểm cho các thí sinh trong các bài thi trắc nghiệm là việc vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi.

Qua xác minh ban đầu, do ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) trực tiếp làm ngay trong khâu chấm bài thi trắc nghiệm. Mà cụ thể là đã chuẩn bị trước đó để thay đổi kết quả quét bài thi của thí sinh sau đã chuyển thành dạng văn bản. Hiểu một cách nôm na là sao chép đáp án đúng đè lên đáp án thực tế mà thí sinh đã làm được.

Thực ra năm nào cũng vậy, công bố kết quả thi xong không phải là kỳ thi đã kết thúc mà chúng tôi còn phân tích phổ điểm của cả nước cũng như từng địa phương, để có việc điều chỉnh trở lại đối với quá trình dạy học.

Đây cũng là một mục đích khác của kỳ thi THPT quốc gia và chắc chắn trong quá trình phân tích như vậy, chúng tôi sẽ phát hiện ra những bất thường. Trong trường hợp có bất thường, chúng tôi sẽ có phương án xử lý. Chính vì thế, ngay trong quy chế đã có một điều mà năm nay chúng ta đã phải vận dụng đó là trong trường hợp cần thiết thì phải tổ chức chấm thẩm định.

Như vậy có nghĩa là Bộ GD-ĐT đã chủ động lường trước những tình huống này và đã đưa vào quy chế để làm khung pháp lý để thực hiện xử lý các tình huống có thể xảy ra.

- Những năm tới, để hạn chế việc bài thi dễ bị tẩy xóa, Bộ GD-ĐT có nghĩ tới phương án nào khác không?

Trước hết chúng ta phải khẳng định, với những điều chỉnh của năm nay, đặc biệt là việc điều chỉnh hình thức niêm phong túi bài thi và quản lý túi bài thi thật sự đã rất hiệu quả. Minh chứng là đi đến các hội đồng thi đều nhận được nhận xét như vậy. Tem niêm phong chỉ dùng 1 lần, bóc 1 lần sẽ rách ngay và có cả chữ kỹ của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH, CĐ. Trước khi mở túi đó ra phải xác nhận tình trạng niêm phong, tình trạng nguyên vẹn của chữ ký trước khi cắt ra.

Và đặc biệt nữa là quy trình chấm trắc nghiệm, hình dung trong một căn phòng có từng ấy con người, có sự giám sát của PA83 và thanh tra, tuyệt đại đa số hầu hết rất nghiêm túc. Tuy nhiên trong mọi công việc, nếu con người có ý định xấu và có những sự chuẩn bị thì việc xảy ra sai sót và vi phạm là sẽ có. Chính vì thế trong mọi công việc bao giờ chúng ta cũng phải có cơ chế giám sát  và xử lý vi phạm. Trong trường hợp này chúng ta sẽ phải tiến hành để xử lý vi phạm.
 

Theo Vietnamnet


Thi THPT quốc gia

Tin tức mới nhất