Bà Trương Mỹ Lan không nhớ quốc tịch những người nước ngoài đứng tên cổ phần

Dù các cá nhân nước ngoài được cho là đứng tên cổ phần giúp bà Trương Mỹ Lan đều là cổ đông lớn, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai không nhớ quốc tịch những người này.

Tại CQĐT, bà Trương Mỹ Lan khai, năm 2011 bản thân gom mua cổ phần NH Đệ Nhất và nhờ người thân, quen đứng tên. Đến cuối năm 2011, thời điểm trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bà Lan đã sở hữu, chi phối 80,46% cổ phần NH Đệ Nhất; 89,74% cổ phần NH Tín Nghĩa và 81,43% cổ phần NH SCB.

Thời điểm 1/1/2012, khi 3 ngân hàng hợp nhất, bà Lan đã thông qua 74 pháp nhân, cá nhân sở hữu/chi phối 85,606% cổ phần NH SCB, đồng thời là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối được SCB sau khi hợp nhất.

Bản thân bà Trương Mỹ Lan thừa biết việc NHNN quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần một NH nên bà ta chỉ đứng tên sở hữu 5% cổ phần, còn lại phải nhờ những cá nhân, pháp nhân đứng tên cổ phần giúp.

Có 5 pháp nhân nước ngoài trực tiếp sở hữu cổ phần SCB và 3 cá nhân nước ngoài sở hữu cổ phần Công ty Việt Vĩnh Phú, gián tiếp sở hữu cổ phần SCB, nhưng điều "bí ẩn" là bà Lan không thừa nhận nhờ họ đứng tên cổ phần.

Bà Trương Mỹ Lan không nhớ quốc tịch những người nước ngoài đứng tên cổ phần-1
Các bị can vụ Vạn Thịnh Phát

Trong khi đó, CQĐT cho rằng, có đủ cơ sở kết luận việc bà Lan chi phối toàn bộ quyền cổ đông của các pháp nhân nước ngoài kể trên thông qua việc bị can khai nhận về việc mình là người đàm phán, đưa ra giá bán số cổ phần của 5 pháp nhân nước ngoài này cho nhóm cổ đông người Nhật Bản, Singapore với giá từ 1-1,5 chấm (10.000 đồng/cổ phần-15.000 đồng/cổ phần).

Trong các kỳ Đại hội đồng cổ đông SCB, bà Trương Mỹ Lan giao cho ông Tạ Chiêu Trung (thành viên HĐQT SCB) thực hiện ủy quyền từ 5 pháp nhân nước ngoài cho 5 cá nhân là nhân viên của bà Lan và ông Trung để họ tham gia biểu quyết tại Đại hội hoặc ủy quyền cho HĐQT SCB biểu quyết.

Mặc dù là cổ đông lớn, đầu tư số tiền lớn để trực tiếp, gián tiếp sở hữu cổ phần SCB nhưng theo lời khai của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà chỉ nhớ tên họ là Simons, Thomas, Kent, là người nhiều quốc tịch, cụ thể quốc tịch nào bà không rõ.

Thậm chí đối với những người bà Trương Mỹ Lan khai là bạn đầu tư vào 5 pháp nhân nước ngoài sở hữu cổ phần SCB nhưng bà không nhớ tên, thông tin liên lạc, địa chỉ của những người này.

Tiêu chí “không quậy phá”

Trong số những người thân tín của bà Trương Mỹ Lan phải kể đến bị can Tạ Chiêu Trung, TGĐ Công ty Việt Vĩnh Phú, kiêm Phó chủ tịch, thành viên HĐQT NH SCB.

Bà Lan để ông Trung là TGĐ Công ty Việt Vĩnh Phú (công ty nắm giữ hơn 12% cổ phần SCB), đồng thời đặt ông Trung ngồi ghế thành viên HĐQT SCB.

Bà Lan tin tưởng để ông Trung quản lý danh sách các cổ đông nhằm điều hành việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan. Việc chuyển nhượng cổ phần để các cá nhân đứng tên cổ phần NH SCB hộ bà Lan nhằm đảm bảo đúng tỷ lệ % quy định của NHNN (dưới 5%) và phải là người thân quen để họ không gây khó dễ.

Trường hợp các cá nhân này chuyển nơi cư trú (ra nước ngoài) hoặc bị bệnh nặng thì phải chuyển nhượng ngay cho người khác, tránh rắc rối.

Theo lời khai của ông Trung, từ khi sáp nhập 3 ngân hàng để thành NH SCB, bị can biết rõ bà Trương Mỹ Lan là chủ thực sự, nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của ngân hàng này. Ông Trung cũng biết rõ tại SCB có nhóm khách hàng vay vốn được ký hiệu “HSTT” là khách hàng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cho vay.

Với tư cách là thành viên, phó chủ tịch HĐQT, ông Trung đã ký các thủ tục để hợp thức cho các khoản vay theo chỉ đạo của bà Lan. Bị can thừa nhận, việc giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ký phê duyệt các khoản vay cho nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là không đúng quy định.

Ngoài ông Trung, những người được bà Lan đặt ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT SCB, thành viên HĐQT SCB qua các thời kỳ đều phải đạt tiêu chí “hiền lành, không quậy phá”, được lòng người. Những người đó phải kể đến như: Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên HĐQT SCB).

Cả 3 cái tên được nhắc ở trên đều đã xuất cảnh ra nước ngoài, hiện không xác định được họ đang ở đâu. 

CQĐT cho rằng, với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của những người này. CQĐT cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi các bị can đăng ký thường trú, lập biên bản vận động họ ra đầu thú.

CQĐT căn cứ điều 290 Bộ luật TTHS đề nghị VKSND Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm truy tố, xét xử vắng mặt nghiêm minh đối với các bị can bỏ trốn nêu trên để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ba-truong-my-lan-khong-nho-quoc-tich-nhung-nguoi-nuoc-ngoai-dung-ten-co-phan-2217419.html?fbclid=IwAR0TNqtvnthyutPfYHGbNp_NRAr7Pv6_NOCEpFkMJRtYGzB7AIvEdQx6j8I

Trương Mỹ Lan

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao