Bị ngăn cản thăm con sau ly hôn, phải làm sao?

Cùng là bậc sinh thành, ấy vậy có người chồng cũ, vợ cũ sau khi giành được quyền nuôi con đã mang lòng thù hận, sự tổn thương cá nhân mà quyết ngăn cản, chặn mọi mối liên hệ của người còn lại với con.

Cũng đành rằng, con cái không phải cái áo cái quần mà giành giựt lại bằng vũ lực được. Nếu có giằng xé, tranh giành thì con cái càng thêm đau khổ, thương tổn.

Thế nhưng lẽ nào hôn nhân đã đành kết thúc mà nay còn mất cả một người con, mất đi huyết thống máu mủ, bao nhiêu tình phụ tử. Lẽ nào bất lực trước hành động vi phạm cả tình người, vi phạm pháp luật của người đó.

Trong trường hợp này, để giành lại được quyền thăm gặp con thì cần phải tiến hành như thế nào theo pháp luật?

Luật hôn nhân gia đình ghi nhận rằng: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở" (khoản 3, điều 82, Luật hôn nhân gia đình năm 2014). Ngay tại các bản án, quyết định ly hôn Tòa án cũng khẳng định: Không ai được quyền ngăn cản việc thăm nom, chăm sóc con cái.

Bởi vậy hành động cản trở người không trực tiếp nuôi dưỡng thăm nom con là vi phạm pháp luật, vi phạm phán quyết của Tòa án. Hành vi vi phạm pháp luật như trên đều có thể bị chế tài xử lý và được bảo vệ bởi cơ quan thi hành án.

Việc người còn lại không cho gặp con sau ly hôn cũng đã vi phạm điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con".

Người không trực tiếp nuôi dưỡng còn có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án nơi có Tòa án ban hành bản án sơ thẩm can thiệp làm việc yêu cầu người trực tiếp nuôi dưỡng chấm dứt hành vi ngăn cản và được thăm gặp con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi dưỡng không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế.

Việc yêu cầu xử phạt hành chính, hay yêu cầu cơ quan thi hành án là những thủ tục pháp lý khá phức tạp, mất nhiều thời gian công sức nên đòi hỏi người yêu cầu có hiểu biết pháp luật và kiên trì theo đuổi.

Tuy nhiên việc bị xử phạt hay được cơ quan thi hành án can thiệp để cho người không trực tiếp nuôi dưỡng thăm gặp con cũng chỉ có giá trị, tác dụng trong một lần hoặc một thời gian nhất định. Rất nhiều trường hợp khi cơ quan thi hành án, ban ngành chức năng không có mặt người trực tiếp nuôi dưỡng lại tiếp tục ngăn cản quyền thăm nuôi con của người còn lại.

Để có biện pháp pháp lý mang tính chất dài lâu thì người không trực tiếp nuôi dưỡng có thể đề nghị tòa án thay đổi quyền nuôi con với căn cứ người đang trực tiếp nuôi dưỡng có hành vi phạm pháp luật, "không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con" (điểm b, khoản 2, điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014). Các bước xử phạt hành chính về hành vi ngăn cản quyền thăm non con, văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản của cơ quan thi hành án với người vi phạm là bằng chứng quan trọng để tòa án chấp thuận thay đổi quyền nuôi con theo yêu cầu của người không trực tiếp nuôi dưỡng.

Với tâm lý thù hận, muốn người còn lại phải chịu đau khổ khi không được nhìn, được gặp, được chăm sóc con mà không bị làm sao, không bị ai xử lý nên đã thúc đẩy người đang trực tiếp nuôi con thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Còn khi hành vi này bị cơ quan chức năng xử lý, đối mặt với việc mất quyền trực tiếp nuôi con thì người vi phạm sẽ phải tuân theo để không thiệt cả về lý, thua cả về tình.

Đây là con đường tốt nhất, hữu hiệu đi đến đích, có thể có những con đường vòng khác nhưng sẽ mất nhiều thời gian mà hiệu quả không thực sự như mong muốn. Mong rằng những chia sẻ chân thành trên giúp ích được cho nhiều hoàn cảnh chia xa đau lòng.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/bi-ngan-can-tham-con-sau-ly-hon-phai-lam-sao-20240302091651860.htm

ly hôn

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao