Cắt da thừa quá đà, người phụ nữ không khép được mắt

Chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ gần nhà để cắt da thừa mí trên nhưng gần 2 tháng qua, chị Hà My (35 tuổi, Ninh Bình) phải sống khổ sở vì không khép kín được mi mắt khi nhắm, lại còn thêm cộm, rát vô cùng khó chịu.

Tin tưởng người quen để rồi hối hận vì "ham rẻ"

Trước đây, Hà My đeo kính cận nên không quá quan tâm đến "ngoại hình" của đôi mắt. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mổ cận, chị lại muốn trang điểm cho đôi mắt thêm long lanh. Gần đây, 2 mí mắt trên của My có dấu hiệu như sụp xuống, ảnh hưởng đến tầm nhìn và thẩm mỹ.

Cắt da thừa quá đà, người phụ nữ không khép được mắt-1
Bác sĩ Thiều Hoa đang thăm khám cho bệnh nhân

Cắt da thừa quá đà, người phụ nữ không khép được mắt-2
Kỹ thuật viên đo khúc xạ cho bệnh nhân

Tự tìm hiểu phương pháp cắt mí, Hà My thấy không quá phức tạp. Nhân tiện có cơ sở thẩm mỹ gần nhà mới khai trương, giảm giá 50% cho tất cả các dịch vụ nên Hà My quyết định phẫu thuật cắt da thừa mí mắt trên.

Thế nhưng sau khi phẫu thuật, 2 mắt của My không khép kín được, nhất là khi ngủ. Dần dần mắt còn bị đỏ, cộm, rát, ngứa như vướng dị vật trong mắt, khiến cô vô cùng đau khổ.

Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết, phẫu thuật tạo hình mí thường được thực hiện với các trường hợp: không có nếp mí, sụp mí gây cản trở tầm nhìn, 2 bên mí mắt không đều (bên 2 mí, bên 1 mí), nhiều nếp mí hay nếp mí hẹp ở góc mũi và rộng về phía ngoài đuôi mắt.

Trường hợp của Hà My là cắt da thừa mí trên để cải thiện tình trạng chức năng do mí mắt trên sụp xuống, cản trở tầm nhìn, vừa tạo thẩm mỹ cho người bệnh.

Tuy nhiên, người bệnh đã bị cắt phần da quá nhiều dẫn đến tình trạng mi mắt bị co kéo ngược lên trên, không khép được kín. Cũng không loại trừ trường hợp trước khi phẫu thuật cắt da thừa mí trên, mắt người bệnh vốn đã không khép được kín. Tuy nhiên, người bệnh không để ý hoặc không được thăm khám, tư vấn cụ thể vấn đề này, dẫn đến tình trạng càng nặng hơn sau khi phẫu thuật.

Khi mắt không khép được kín rất dễ khiến mắt bị khô, gây viêm với các biểu hiện cộm, rát, ngứa mắt, lâu dần có thể biến chứng bị mờ đục, loét giác mạc, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Để khắc phục di chứng sau phẫu thuật, người bệnh có thể được ghép da mi giúp mắt nhắm trở lại như bình thường.

Thẩm mỹ nhưng phải xét cả chức năng thị giác

Theo bác sĩ Thiều Hoa, trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cắt da thừa mí mắt trên, người bệnh sẽ được đo và đánh dấu lượng da thừa để xác định vị trí cần cắt, tránh tình trạng cắt quá ít sẽ phải cắt thêm lần nữa hoặc cắt quá nhiều dẫn đến mắt bị trợn/co kéo. Thủ thuật có thể được thực hiện tại các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện, cơ sở y tế được cấp phép.

Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa, trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, người bệnh sẽ được bác sĩ kiểm tra chức năng thị giác, khả năng nhắm - mở mắt hoặc các dấu hiệu bệnh lý khác. Đồng thời phân tích các yếu tố rủi ro có thể gặp phải, đưa ra lời khuyên hữu ích nhất cho người bệnh để đảo bảo chức năng thị giác và yếu tố thẩm mỹ.

Bác sĩ Thiều Hoa dẫn chứng một số rủi ro, biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật cắt da thừa mí trên như: chảy máu sau phẫu thuật; sẹo ở những người có cơ địa sẹo lồi; 2 mắt không tương xứng do lượng da cắt không cân xứng hai bên; cắt ít hoặc quá nhiều da gây lật mi dưới hoặc hở mi trên; nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Để tránh các di chứng có thể xảy ra, bác sĩ Thiều Hoa khuyến cáo khách hàng, người bệnh có nhu cầu thực hiện bất kỳ thủ thuật nào từ đơn giản đến phức tạp nên thăm khám chuyên sâu tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa trước khi thực hiện phẫu thuật.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/cat-da-thua-qua-da-nguoi-phu-nu-khong-khep-duoc-mat-20240102083206097.htm

Phẫu thuật thẩm mỹ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao