Dẹp loạn trào lưu xâm hại nền phim ảnh trên TikTok Trung Quốc

Ngành phim ảnh xứ tỷ dân từng điêu đứng, chịu thiệt hại nặng nề vì trào lưu làm video ngắn, tóm tắt nhanh nội dung phim. Hiện, phương thức xem phim này không còn đất tồn tại.

Theo China Times, từ năm 2019, nền tảng video trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Douyin (tên gọi khác của TikTok) bùng nổ trào lưu thưởng thức phim trong 3 phút hay 5 phút. Các video tóm tắt những dự án phim ảnh xuất hiện lan tràn trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm hoành hành, trào lưu xem phim "mỳ ăn liền" này đã biến mất vĩnh viễn khỏi mạng xã hội xứ tỷ dân.

Gây thiệt hại hàng chục triệu USD

China Times cho biết các video ngắn tóm tắt phim, show truyền hình phổ biến ở Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh. Phong cách xem phim này được các nhà sáng tạo nội dung trên Internet thực hiện để đáp ứng nhu cầu giải trí của hàng tỷ người.

Chỉ sau thời gian ngắn, hàng nghìn bộ phim từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, được mang ra mổ xẻ, cắt ghép để xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các nền tảng video hàng đầu cũng đua nhau chạy quảng cáo như "5 phút xem hết bom tấn + tên phim", "3 phút để biết nội dung tập phim mới nhất của + tên phim/show truyền hình" hay đặt tiêu đề giật gân về tình tiết phim để câu kéo người xem.

Dẹp loạn trào lưu xâm hại nền phim ảnh trên TikTok Trung Quốc-1
Một video tóm tắt phim có hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng. Ảnh: China Times.

Sina cho biết bằng cách biên tập và diễn giải lại các tác phẩm điện ảnh và truyền hình, người khai thác nội dung có thể thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người xem. Trong đó, các clip làm về phim nổi tiếng hoặc đang gây sốt màn ảnh nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.

Điển hình là đoạn tóm tắt phim Nhân Danh Nhân Dân có 269.300 lượt xem. Tác phẩm cung đấu kinh điển màn ảnh Hoa ngữ là Chân Hoàn Truyện có hơn 261.000 người theo dõi, trong khi Tiên Kiếm Kỳ Hiệp có hơn 150.000 người xem.

Với lượng views cao ngất ngưởng nói trên, nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm hàng chục nghìn NDT/video. Qua tìm hiểu của phóng viên Tân Hoa Xã, người làm video ngắn sẽ nhận mức phí 1 NDT (0,15 USD) cho 10.000 lượt truy cập.

Theo báo cáo về tình trạng phát triển Internet của Trung Quốc lần thứ 47 do Trung tâm thông tin mạng (CNNIC), tính đến tháng 12/2020, số lượng người dùng các dịch vụ video trực tuyến ở Trung Quốc là 927 triệu.

Trong đó có 873 triệu người thường xuyên xem các review phim ngắn, đạt tỷ lệ truy cập 2,72 tỷ, chiếm 88,3%. Một cư dân mạng tên Lão San chia sẻ với phóng viên Thanh Niên Nhật Báo rằng trong số hơn 260 tài khoản Douyin mà anh theo dõi, có ít nhất 60% tài khoản là bình luận phim và xem phim nhanh.

Con số cho thấy thế thống trị của trào lưu xem phim "mỳ ăn liền" tại xứ tỷ dân.

Theo Sina, hệ lụy của trào lưu là hàng loạt sản phẩm nghệ thuật bị xâm phạm bản quyền và trục lợi trái phép. Theo báo cáo Trung tâm Giám sát Bản quyền 12426 của Trung Quốc, tính từ tháng 1/2019 đến tháng 10/2020, có hơn 100.000 tài khoản mạng xã hội bị báo cáo vi phạm bản quyền phim ảnh, âm nhạc và show truyền hình.

Cục bản quyền quốc gia Trung Quốc cũng đưa ra con số có hơn 10 triệu tác phẩm bị cắt ghép chưa qua cấp phép. Trong đó, có hơn 3 triệu video ngắn bị xóa từ 2019 đến tháng 10/2020.

Theo Sina, sự nở rộ của trào lưu xem phim nhanh khiến đơn vị nắm giữ bản quyền sản phẩm văn hóa đại chúng thiệt hại 272 triệu NDT (hơn 41 triệu USD) chỉ trong 2 năm ngắn ngủi.

Cú tuýt còi cứu nguy của nhà chức trách

Theo Sina, sau hai năm trơ mắt nhìn thành quả nghệ thuật bị ăn cắp trắng trợn trên nền tảng mạng xã hội, các nhà làm nghệ thuật xứ tỷ dân đồng loạt lên án trào lưu tóm tắt nội dung phim qua video.

Giám chế Cao Hiểu Hổ đánh giá trào lưu thưởng phim "mỳ ăn liền" là cú tát với ngành nghệ thuật. Hình thức này làm méo mó nội dung, khiến sản phẩm phim ảnh đánh mất giá trị cảm xúc khi lời thoại, biểu cảm và chi tiết cốt truyện bị bỏ qua.

"Trừ lồng tiếng, tất cả hành vi chỉnh sửa hay bình luận theo góc nhìn cá nhân của các nhà sáng tạo nội dung đều là hành vi bóp méo sản phẩm nghệ thuật. Ngôn ngữ có chiều sâu và hình ảnh tua nhanh sẽ chôn vùi và phá hủy bộ phim xuất sắc", Thường Bình, trưởng khoa Văn hóa Đại học Bắc Kinh chia sẻ.

Theo Từ Tuyên, trưởng khoa của Viện nghiên cứu sở hữu trí tuệ thuộc Đại học Tế Nam, việc làm các video ngắn ảnh hưởng đến lượt truy cập, doanh thu ngành truyền hình và đặc biệt là khả năng khai thác thương mại của lĩnh vực điện ảnh.

Dẹp loạn trào lưu xâm hại nền phim ảnh trên TikTok Trung Quốc-2
Các tựa phim nổi tiếng Trung Quốc như "Lưu Lạc Địa cầu", "Chân Hoàn Truyện", "Tiên Kiếm Kỳ Hiệp", "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa" thường xuyên bị khai thác trái phép trên mạng. Ảnh: Sohu.

Không chỉ vậy, trào lưu xem phim "mỳ ăn liền" còn tạo ra thói quen không tốt khi thưởng thức nghệ thuật. Khán giả hình thành tâm lý "xem chùa", không cần đến rạp hoặc trả tiền bản quyền vẫn có thể xem được tác phẩm vừa ra mắt trên thị trường.

Tháng 4/2021, 15 hiệp hội bao gồm Hiệp hội giao lưu nghệ thuật truyền hình Trung Quốc, Hiệp hội công nghiệp sản xuất phim truyền hình, 5 nền tảng video như iQiyi, Tencent Video, Linmon Pictures, công ty Chính Ngọ Dương Quang, Hoa Sách và hơn 500 nghệ sĩ ra tuyên bố chung, kêu gọi các nền tảng mạng xã hội tôn trọng tính nguyên bản, bảo vệ bản quyền, không cắt sửa tác phẩm điện ảnh và truyền hình khi chưa được phép.

Cục Điện ảnh và Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc đánh giá trào lưu tóm tắt phim ngắn là vấn nạn nhức nhối, gây nguy hại cho nền công nghiệp phim ảnh xứ tỷ dân.

Nhà chức trách ra văn bản nghiêm cấm hành vi sao chép, chỉnh sửa và phổ biến tác phẩm nghệ thuật trái phép trên nền tảng video ngắn.

Đáng chú ý, việc dùng ảnh chụp màn hình sản phẩm nghệ thuật cho mục đích thương mại trên mạng xã hội cũng bị tuýt còi. Những người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để diệt cỏ tận gốc vấn nạn nói trên, tòa án Bắc Kinh lần đầu truy tố và đưa ra xét xử trường hợp cắt ghép phim điện ảnh và truyền hình để làm thành video tóm tắt nội dung trên Douyin.

Bị cáo là tài khoản Đồ giải điện ảnh bị tố tự ý cắt ghép, sử dụng trái phép tư liệu của phim Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa của Dương Mịch và Triệu Hựu Đình.

Theo phán quyết của tòa án Bắc Kinh, bị cáo bị kết tội vi phạm bản quyền hình ảnh minh họa. Người này phải bồi thường 30.000 NDT (4.400 USD) cho Youku - đơn vị nắm giữ bản quyền phim Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa.

Theo China Times, với sự ra đời của luật bảo hộ bản quyền điện ảnh, truyền hình Trung Quốc và động thái trừng phạt nghiêm hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường Internet, video ngắn cắt ghép, thuyết minh nhanh nội dung phim đã trở thành dĩ vãng trên không gian mạng xứ tỷ dân.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dep-loan-trao-luu-xam-hai-nen-phim-anh-tren-tiktok-trung-quoc-post1346109.html

phim trung quốc Dương Mịch

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao