Dở khóc dở cười khi đi shopping sang chảnh ở Hà Nội

Ở Hà Nội, những câu chuyện về việc bị "phân biệt đối xử" khi bước chân vào một cửa tiệm sang chảnh chưa bao giờ là lỗi thời.

Từ đoạn status bức xúc của khách hàng khi bị nhân viên shop sang chảnh tỏ thái độ

Mới đây, một cô gái đã lên mạng bức xúc kể lại chuyện mình bị đối xử "không công bằng" khi bước chân vào shop thời trang sang trọng. Ngay lập tức, câu chuyện này thu hút nhiều sự chú ý của cư dân mạng, tạo ra những luồng ý kiến trái chiều quanh việc "những vị khách bình thường được đối xử như thế nào trong tiệm sang chảnh".

Chả là, cô gái tên T.N vào xem váy ở một cửa hàng trên phố Hàng Bông, con phố vốn nức tiếng trung tâm Thủ đô nhờ sự hào nhoáng, lộng lẫy của các tiệm thời trang nằm san sát nhau. "Mình dừng xe, đi vào cửa hàng, thầm nghĩ nếu có đồ đẹp mà ưng thì sẽ mua ngay. Vừa mở cửa bước vào, 3 em nhân viên trong cửa hàng đứng ra ngay sát mình, cách chừng 30cm khiến mình cảm thấy rất không thoải mái (Hình như nhân viên cửa hàng ở Hà Nội không biết thế nào là "Khoảng cách An toàn"). Mình tiến một bước, các em tiến 1 bước. Lùi 1 bước, các em lùi theo 1 bước. Cuối cùng mình liền quay sang nhẹ nhàng nói: "Các em có thể để chị xem tự nhiên một chút được không?", không quên kèm theo 1 nụ cười để tránh căng thẳng. Một trong 3 em quay đi và lườm mình, các em kia không thèm trả lời và vẫn tiếp tục bám sát mình...", T.N kể lại tình huống mà cô gặp phải.

Untitled-1-303e7

Đoạn status bức xúc khi cho rằng bị phân biệt đối xử lúc mua hàng của cô gái tên T.N

"... Mình đi lên tầng 2 để xem tiếp đồ mặc dù trong lòng đã cảm thấy không muốn tiếp tục mua sắm gì ở đây nữa. Trên tầng 2 là rất nhiều váy dạ hội, váy đi tiệc đẹp, màu sắc lạ đính kim tuyến óng ánh. Các em ấy vẫn cách mình chừng 30 cm như ban đầu. Mình cố gắng lờ đi và xem các mẫu váy thì một em đứng ra nói: "Chị ơi, đồ cửa hàng em là đồ dành cho người đi bar thôi chị ạ. Chị muốn đi đâu? Nhà em thiết kế quần áo rất kén người mặc, chỉ dành cho ai dáng chuẩn, cao gầy và đặc biệt là phải có ngực làm, ngực độn silicon. Quần áo váy vóc nhà em thiết kế để người mặc hở hết toàn bộ ngực chị ạ. Em không muốn mất thời gian của chị đâu."

Câu nói như "đấm thẳng vào mặt" khách hàng của cô nhân viên khiến bạn gái không khỏi sốc, và tất nhiên bạn đã không mua 1 cái váy nào vì cảm thấy bị xúc phạm. Câu chuyện sau khi đăng đàn trên Facebook, nhiều người đã chia sẻ. Nhiều bạn gái đã từng mua váy ở đây cho biết, cửa hàng này thuộc hàng danh tiếng ở Hà Nội, sản phẩm có giá khoảng vài triệu, và thiết kế đúng là dành cho những người sở hữu thân hình đẹp, gợi cảm. Một vài người cho rằng, cũng có thể nhân viên đã "đúng" khi nhắc khách về việc có mặc được váy của cửa hàng hay không, "đỡ mất thời gian" ở đây như một lời cảnh báo, nhắc nhở chứ không có ý gì!

Thế nhưng, có lẽ, đây vẫn là cú sốc lớn đối với người mê shopping như bạn nữ trên, và cũng là  "nỗi sợ" chung của những cô gái "lỡ" không có vẻ ngoài sành điệu, gợi cảm - khi họ bước chân vào những cửa tiệm hào nhoáng ở Hà Nội. Các câu chuyện dở khóc dở cười về thái độ bán hàng khi đi mua sắm ở hàng đồ hiệu, hoặc bán đồ đắt tiền - chưa bao giờ là lỗi thời đối với chị em. Nó không chỉ là nỗi bức xúc, sự ấm ức, mà lâu dần đã trở thành thói quen, thành lời truyền miệng: "Đi shopping ở Hà Nội, muốn được tiếp đón đàng hoàng tốt nhất hãy ăn mặc đẹp và tỏ ra mình nhiều tiền".

Đến "ác mộng" bị soi, đốt vía... khi đi shopping hàng đắt tiền

Tạm không bàn đến những hàng "bún mắng, cháo chửi" nức danh Hà thành, mà chỉ nhắc tới việc mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm... Việc khách hàng bước chân vào tiệm, nhận được ngay 3-4 cặp mắt soi mói của nhân viên, rồi đứng kè kè sát khách đề phòng bị "nhảy" đồ là chuyện khá phổ biến, mặc dù hầu như shop nào cũng đều trang bị camera chống trộm, và cả anh bảo vệ chễm chệ ngồi ngoài cửa.

Chị Huỳnh Phương (26 tuổi, nhân viên công sở) bức xúc kể lại chuyện bị soi đến mức "cháy quần cháy áo" khi bước chân vào cửa hàng sang chảnh trên phố Bà Triệu. "Cứ nghĩ rằng việc sờ vào mà không mua, bị ăn chửi chỉ có ở các chợ như trên báo. Thế nhưng tôi đàng hoàng vào shop trên phố trung tâm, mình có xấu bẩn gì cho cam, vậy mà vẫn bị coi như kẻ trộm. Hôm đó tôi cầm đi 5 triệu và định sẽ mua tầm 3 cái áo hàng hiệu bình dân. Vừa bước vào, lập tức 2 cô nhân viên đứng dậy đi sát mình như sợ tôi làm bẩn đồ. Đã thấy khó chịu nhưng tôi vẫn cố xem nốt. Hỏi: "Em ơi cái này còn size S không", một cô nhanh nhảu: "Còn mỗi cái ấy", cách trả lời trống không rất khó chịu. Thế rồi tôi mày mò 1 lúc trong dãy khác thì lại nhặt được đúng chiếc áo ấy size S. Thử hỏi các cô này có định bán hàng hay chỉ muốn soi là chính?"

Chị Phương kể thêm, định mua 3 cái nhưng chị chỉ lấy 1 chiếc áo vì có cảm giác nếu không lấy, họ sẽ lườm đến rách cả áo đang mặc mất. Đang thanh toán thì chiếc ô tô đỗ xịch trước cửa, một cô gái xách túi hiệu bước vào và lập tức 2 nhân viên đon đả chạy ra chào đón nhiệt liệt. Họ đứng vào một góc để cô gái ấy chọn chứ không kè kè như chị Phương. "Hóa ra, cửa hàng trên phố lớn phải ưu tiên khách ô tô hàng hiệu. Nhìn lại mình thì tóc còn đang bù xù vì đội mũ bảo hiểm...", chị chua chát nhận xét. Sau vụ này, chị chuyển sang order đồ, vừa rẻ hơn và đỡ gặp lại cảnh trên.

"Đốt vía" là hành vi khó đỡ nhất của một vài cửa hàng, bởi vì khách vào xem mà không mua. "Thà như đốt vía sau khi mình đi còn đỡ, đây đốt ngay khi bước chân ra cửa kèm theo cái môi trều ra, thật không thể hiểu nổi", K.L - chia sẻ trên mạng xã hội sau khi từ thượng đế biến thành "của nợ".

K.L chia sẻ, mua hàng trên những con phố hào nhoáng, trung tâm như Hàng Bông, Hàng Điếu, Phố Huế... nếu không may mắn sẽ gặp phải những bà chủ hàng khá ghê gớm. Mới đây nhất, K.L bước chân vào một hàng bán đồ thiết kế trên phố Hàng Điếu, chắc vì cô gái đi xe đạp điện, ăn mặc không được sang chảnh nên lập tức bị bà chủ liếc cho vài cái sắc lẹm. Xem đồ xong nhưng không tìm thấy cái nào vừa, K.L cũng lịch sự hẹn nhân viên để khi khác quay lại. Vừa bước một chân ra khỏi cửa, bà chủ đã cầm bật lửa hơ hơ lên đốt vía và tiễn khách bằng câu: "Thôi khỏi quay lại".

clothes_shopping_fa_rszd-12112
Văn hóa bán hàng, thái độ phục vụ tại Hà Nội: Đừng trông mặt mà bắt hình dong -
(Ảnh minh họa: Internet)


Rất nhiều vị khách phải kêu trời vì họ đi xe đạp điện mua quần áo hiệu, đã không được đối xử như đi 4 bánh. Có lẽ các chủ tiệm sang chảnh quên mất một điều, phố phường Hà Nội bé, chắc gì khách đi xe đạp điện không cất chìa khóa những chiếc ô tô hạng sang ở trong túi kia? Và cư xử kiểu phân biệt, lườm khách như thế, chỉ tổ đem lại những thiệt hại mà họ khó lường trước được.

Dân Hà Nội thường truyền miệng nhau một câu chuyện như thế này. Một vị khách trung tuổi, mặc áo phông quần sooc đi dép, bước chân vào cửa hàng bán đồ hiệu sang chảnh bậc nhất. Anh đi đi lại lại xem vài món đồ. Tất nhiên các nhân viên bán hàng đang hết sức lịch sự trong bộ áo vest chỉn chu, tỏ ra khó chịu. Họ đứng sát vị khách, không hề tư vấn cũng như nở nụ cười chào đón. Như thể chỉ vài phút sau là ông khách quần đùi sẽ "nhảy" mất cái gì vậy.

Một lúc sau, vì quá nóng mắt, vị khách đã gom gần như 2/3 số đồ hiệu mới nhất, đắt nhất của cửa hàng, với số tiền không dưới 8 số 0. Và anh này trả bằng tiền mặt. Không chỉ các nhân viên mà quản lý đều suýt ngất, họ thi nhau kéo ghế, mời nước, gói đồ cẩn thận và còn gọi taxi để khách quý ra về. Vị khách trước khi đi, đã nói to với quản lý: "Bọn em xem lại cách bán hàng đi, mấy em này chưa đủ tuổi bán đồ hiệu đâu".

Câu chuyện luôn được kể lại như một bài học dành cho những ai muốn thành công khi kinh doanh hàng hiệu, hàng đắt tiền, về thái độ phục vụ khách hàng. Một lời nhắc rằng: trên đời có rất nhiều đại gia ẩn dật, không hào nhoáng nhưng tiêu tiền phải "cả quyển", đừng trông mặt mà bắt hình dong. Thế nhưng, vẫn có những "thượng đế" phải ngậm ngùi, ấm ức bước chân ra khỏi hàng vì bị phân biệt đối xử, bị soi như kẻ không có tiền mà "dám" đi mua hàng. Và văn hóa bán hàng, thái độ phục vụ của các nhân viên tại các shop thời trang ở Hà Nội, vẫn còn là điều phải kể dài dài...


Theo kênh 14/ Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao