Khi học trò đua nhau 'vẽ hươu, vẽ vượn' trong SGK

Hình ảnh cố nhà văn Kim Lân được trang điểm quyến rũ như một Geisha hay đại thi hào Shakespeare được tái hiện rùng rợn với tua tủa dao găm và máu...

Từ ngộ nghĩnh đến dung tục

Học sinh hiện nay quan niệm, sách giáo khoa là vật sở hữu riêng nên "sáng tạo" hình vẽ cũng là sở thích riêng.  Nhiều học sinh coi việc vẽ bậy lên sách là một cách thể hiện cá tính và "đẳng cấp" trong việc "sáng tạo nghệ thuật". Những hình vẽ thường khá ngộ nghĩnh, mang đậm phong cách 9X. Đó việc "hóa trang" cho các nhân vật, tác giả có hình minh họa trong sách.

Thanh Nam - học sinh lớp 11 trường Việt Đức (Hà Nội) được bạn bè tôn là "cao thủ" trong nghệ thuật "họa chế". Hình vẽ xuyên tạc đầu tiên của Nam là hình ảnh một cố nhà văn. Nam kể, ý tưởng bắt nguồn từ cơn sốt về bộ phim Trung Quốc "Hồi ức một Geisha" nên Nam nhanh chóng "hóa trang" cố nhà văn này thành một Geisha thứ thiệt với lối trang điểm ấn tượng, tô hồng đậm môi và hai bên má của nhân vật.

Nam khoe với phóng viên, giọng đầy tự hào: "Từ khi "mục sở thị" những hình minh họa tự chế trong sách giáo khoa môn văn học, các bạn trong lớp mới biết đến hoa tay của em. Nhận được hưởng ứng của bạn bè, bây giờ em minh họa nhân vật, tác giả của hầu hết các môn học như lịch sử, địa lý... làm các bạn phục "sát đất".


Một minh họa nhạy cảm trên sách giáo khoa của học sinh.

Quả thật chứng kiến những hình minh họa của Nam, tôi hết sức bất ngờ. Ở cuốn sách địa lý lớp 11, dãy núi Himalaya được minh họa bằng việc chuyển thể thành hoa quả sơn (trong truyện Tây Du Ký - Trung Quốc) đồng thời vẽ thêm Tôn Ngộ Không đang "cân" đầu mây cho thêm phần sinh động.

Long, học sinh lớp 12 trường PTTH N.C.T, TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) kể: Thấy thầy có đặc điểm hói đầu từ rất sớm và có thói quen thường xuyên hút thuốc lá bằng tẩu nên Long bèn khắc họa hai đặc điểm nổi bật. Để thêm phần ấn tượng Long còn minh họa thêm một bộ răng chỗ vàng, chỗ đen xỉn - hậu quả của việc hút thuốc lá. Khỏi phải nói thầy giáo cảm thấy bị xúc phạm thế nào trước hành vi ngang ngược của học trò.

Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh ngộ nghĩnh mang ý nghĩa vui là chính, trò "đùa" này được học sinh cho "muối" quá đà bằng những hình minh họa  biến tướng tục tĩu. Vốn là "tín đồ" của các thể loại phim bạo lực, từ chưởng Hồng Kông đến phim hành động của Mỹ, Hoàng Quân đã triệt để thú vui này của mình bằng cách chuyển tải chúng ngay trên sách giáo khoa.

Kiểm tra một lượt bộ sách của Quân, ai cũng phải ngạc nhiên bởi sức "sáng tạo" của cậu học trò này. Hầu hết các cuốn sách văn học, địa lý, lịch sử thậm chí đến cả toán học, những đồ thị hình sin khô khan cũng được Quân "sinh động" hóa bằng các nét vẽ. Đầu tiên phải kể đến khả năng đổi quốc tịch cho các tác giả trong sách giáo khoa của Quân.

Từ hình minh họa của nhà thơ H.C được cậu vẽ thêm áo, khăn, dao kiếm và khắc họa nhân vật trong tư thế của Võ Tòng đả hổ. Hay như hình ảnh đại thi hào Shakespeare được mô phỏng rùng rợn với dao găm tua tủa cắm trên đầu và kèm theo đó là máu me nhỏ từng giọt.

Tục tĩu hơn nhiều học sinh còn táo bạo minh họa bằng những hình ảnh nhạy cảm, hở hang chỉ có ở những bộ phim cấp ba. Vì thiếu đất "dụng võ" nhiều bạn còn thẳng tay vẽ chèn xuống cả dòng chữ phía bên dưới. Hình minh họa càng sống động chi tiết bao nhiêu thì trang sách lại càng nhằng nhịt bấy nhiêu. Nhiều trường hợp, nét vẽ che khuất hết chữ, khiến học sinh không luận được chữ viết của sách. "Có khi đến cận ngày thi còn phải đi mượn sách bạn bè về phô tô lại để học" -  Quang Long kể về bài học xương máu của chính bản thân mình.

Người trong cuộc nói gì

Học sinh vẽ bậy lên sách có 1001 lý do biện luận cho hành động "nhất quỷ, nhì ma" của mình. Thanh Nam còn tự hào khoe, từ ngày các bạn trong lớp phát hiện ra "năng khiếu" vẽ "sáng tạo" của mình, thì tỏ ra phục "sát đất". Điều đó, khiến cậu nảy sinh ý định trở thành một họa sỹ tương lai.

Khá nhiều học sinh lại cho rằng, "sáng tạo" đó là biện pháp hữu hiệu chống buồn ngủ trong các giờ học. Quang Long cho biết: Nhiều lúc ngồi trong lớp học buồn ngủ quá, nhất là những tiết học Văn dài lê thê nên em lấy bút vẽ vào sách cho vui, vừa đỡ buồn ngủ lại có hứng để nghe giảng...

Tuy nhiên ngoài những lý do rất hồn nhiên này, một số bạn trẻ còn bày tỏ quan niệm rất cực đoan khi cho rằng sách của mình, mình muốn làm gì thì làm. Phụ huynh thì tỏ ra lo ngại bởi sự ích kỷ của con, đã tâm sự: Trước đây một bộ sách giáo khoa thường được truyền từ thế hệ học sinh này qua thế hệ học sinh khác. Ý thức giữ gìn và nâng niu sách để  nhường lại cho em sử dụng rất rõ ràng. Thế nhưng bây giờ, học sinh không như vậy. Nhiều học sinh cho rằng, vẽ lên sách giáo khoa là thú "vui", là một cách để "lên đai" cho thứ "nghệ thuật" độc nhất vô nhị này.

Cô giáo Nguyễn Hoài Thu, giảng viên bộ môn Xã hội học, trường cao đẳng Sư phạm Nam Định cho biết: "Nhìn nhận ở góc độ tích cực thì đó là một sự "sáng tạo" của học sinh bởi lối thể hiện này bộc lộ năng khiếu của các em. Tuy nhiên nhìn nhận một cách công bằng, cần phải chấn chỉnh lại cách thức tiếp cận bài giảng cho thêm phần sinh động của giáo viên để tạo sự hứng thú cho học sinh. Chấn chỉnh lại ý thức của học sinh trong giờ học".

Ngoài ra, cô giáo Thu còn cho biết thêm, tâm lý dùng xong rồi bỏ sách xuất phát từ nguyên nhân chương trình giáo dục của nước ta liên tục cải cách, chỉnh sửa. Điều đó, ảnh hưởng lớn đến tính ích kỷ, sự sở hữu sách của học sinh.

Theo NĐT

Tin tức mới nhất