Mẹ bầu 8 tháng nâng tạ nặng hơn 60 kg

Yêu thích tập gym từ trước khi mang thai, Tố Trinh vẫn duy trì tập luyện đến tuần 32 của thai kỳ.

Mới đây, video dài hơn một phút ghi lại hình ảnh người phụ nữ mang thai 8 tháng nhưng vẫn nâng tạ nặng hơn 60 kg gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Chủ nhân của video này là Dương Tố Trinh (sinh năm 1994), giáo viên mầm non tại Hà Nội. 

Tố Trinh cho biết mình đã tập gym từ những tháng đầu của thai kỳ. "Chồng là huấn luyện viên thể hình nên tôi rất yên tâm tập luyện. Mỗi buổi tập anh thường hướng dẫn và theo sát để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con", bà mẹ 9X nói. 

Cô cũng chia sẻ thêm hiện mọi chỉ số của hai mẹ con đều phát triển bình thường. Mẹ bầu này vẫn tập đầy đủ các nhóm cơ như lúc chưa mang thai. Các bài tập được thay đổi cho phù hợp với cơ thể và tránh những ảnh hưởng không đáng có. 
 


ảnh minh họa.


Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết sản phụ tập với mức tạ quá nặng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Khi tập luyện, máu cung cấp nhiều cho các cơ oxy và dinh dưỡng, tuần hoàn cơ thể bị rối loạn, lưu lượng máu đến các bánh rau không ổn định. 

Đồng quan điểm với bác sĩ Quang, chuyên viên y sinh học TDTT, HLV thể hình Phạm Minh Tiện cho hay với phụ nữ không mang thai, mức tạ trên 60 kg cũng khá cao, kỹ thuật chưa tốt dễ xảy ra chấn thương. Mẹ bầu tập tạ quá nặng càng nguy hiểm, đặc biệt không có dụng cụ hỗ trợ cho gối, cổ tay, gây áp lực lớn lên động mạch, tĩnh mạch (các bài tập sức mạnh) có thể bị choáng váng, ngất do không đáp ứng đủ lượng oxy tuần hoàn. 

Bên cạnh đó, giai đoạn mang thai khung xương chậu cũng có xu hướng mở rộng hơn từng ngày, tập nặng ảnh hưởng đến bộ phận này, không tốt cho việc sinh nở. 

Bác sĩ Vũ Quang khuyến cáo nếu mẹ bầu tiếp tục tập tạ nặng với cường độ cao có thể ảnh hưởng đến tim thai do liên quan đến hệ tuần hoàn và sự phát triển của trẻ. Biểu hiện như suy sinh dưỡng, cân nặng tăng chậm. Hơn thế, tập quá nặng tạo áp lực trong khoang bụng, các vòng cơ tầng sinh môn, dễ tạo kích thích cơ tử cung gây cơn co hơn bình thường, tăng nguy cơ dọa đẻ non, dọa sảy.

Mẹ bầu có thể tập luyện ở mức độ nhẹ, cường độ phù hợp để lưu thông máu tốt, bổ trợ cho các nhóm cơ trong việc mang thai. Ngoài ra, bạn nên tập luyện khi bào thai đã hình thành tốt và luôn theo dõi sự biến đổi cơ thể trong từng động tác.
 

Theo Zing.vn


thai phụ

Tin tức mới nhất