Cung Lê được đánh giá là võ sĩ bất khả chiến bại với 17 trận thắng liên tiếp trên võ đài Tán thủ. Khi chuyển sang võ tự do MMA, anh cũng giành 9 chiến thắng và chỉ bị thua 2 trận. Trên võ đài, Cung Lê thể hiện sức mạnh, sự nhanh nhẹn với ưu thế đôi chân linh hoạt
Trong cuộc trò chuyện với Zing, anh cho rằng yếu tố quan trọng giúp anh vô địch nhiều lần là trí tuệ. "Tôi dùng trí óc của mình phán đoán, đánh giá đối thủ, từ đó có cách đánh phù hợp. Nếu chỉ có cơ bắp, tôi không thể tự tin như vậy được", anh nói.
- Thành danh ở Mỹ với nhiều trận thắng giòn giã tại MMA, hợp tác với nhiều hãng phim và ngôi sao nổi tiếng, điều gì đưa Cung Lê về Việt Nam làm phim "The Target - Mục tiêu chết"?
Tôi sống ở Mỹ từ nhỏ nhưng luôn ý thức mình là người Việt Nam, mang dòng máu Việt. Khi thi đấu võ thuật, tôi cũng muốn thể hiện với thế giới rằng mình là người Việt. Người Việt cũng có thể chiến thắng mọi võ sĩ trên thế giới.
Còn khát vọng về Việt Nam làm phim đã có trong tôi từ lâu nhưng bây giờ mới có cơ hội thực hiện. Tôi bàn bạc và trò chuyện với Trương Ngọc Ánh về phim ảnh thì anh em rất hợp ý. Bản thân tôi cũng có khát vọng được mang phim ảnh của người Việt ra giới thiệu với thế giới. Ví dụ nhắc tới James Bonds ai cũng biết tới là điệp viên da trắng, mắt xanh.
Người Việt Nam không có một ai như thế trên màn ảnh vì vậy trong bộ phim lần này, tôi xây dựng hình ảnh một điệp viên làm trong chính phủ, tài giỏi. Đó là nhân vật được tôi lấy từ hình mẫu những người có thật trong cuộc sống. Tôi muốn làm phim để thế giới thấy rằng người Việt Nam cũng ngầu lắm.
Ở trong nước có sản xuất nhiều phim hành động nhưng chưa có phim nào thành công ở thế giới. Tôi biết và tự tin sẽ thành công với bộ phim của mình.
- Anh kỳ vọng gì ở sự thành công của phim "The Target - Mục tiêu chết" ở Việt Nam và thế giới?
Về võ thuật, tất nhiên tôi phải tự tin ở mình. Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam mà thắng vô địch trong MMA, UFC. Trong thành tích thi đấu võ thuật của mình, tôi đấu thắng nhiều, thua chỉ vài trận. Sau đó tôi chuyển qua đóng phim.
Khi làm bất cứ việc gi tôi đều tâm niệm mình phải làm tốt nhất có thể. Khi đấu võ tôi đã vô địch thì khi chuyển làm phim, tôi cũng muốn vô địch luôn. Trước đây làm phim với các tài tử của Mỹ, Trung Quốc, mỗi phim có đặc điểm khác nhau nhưng không có phim nào tôi yêu thích nhất. Lần này tôi làm phim cho mình, phim Việt thật sự thì chắc chắn đây sẽ là phim mình thích nhất.
- Anh tự tin quá không khi võ thuật và điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau. Với điện ảnh anh chỉ là tay ngang?
Tôi phải tự tin ở bản thân mình trước khi quyết định làm bất cứ việc gì. Nếu lên võ đài mà không tự tin thì có đánh được không? Tôi là võ sĩ đánh giỏi nhất thế giới, nếu không tự tin thì chưa lên đài đã nắm chắc phần thua rồi. Nếu làm phim mà không tự tin thì phim làm sao thành công được?
Trước khi thi đấu, tôi có ê-kíp giúp cho mình luyện tập, chăm sóc sức khỏe tốt. Cũng như thế khi chuyển hướng sang phim, tôi có những người cũng hợp tác rất giỏi ở mỗi khâu khác nhau. Mời họ về làm cùng, tôi biết khả năng của họ thế nào sao không thể thành công được?
Trước khi bắt tay làm phim, tôi cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý của khán giả. Làm một bộ phim thế nào để khán giả thích thú, cảm thấy được giải trí trong 90 phút. Chắc chắn bộ phim đó không chỉ có đánh đấm mà còn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc và thật sự đi vào lòng người.
- Anh từng hợp tác với những ngôi sao võ thuật nổi tiếng như Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt. Anh nhận xét võ thuật của họ thế nào?
Võ của Lê Cung thế nào đã thể hiện qua các trận đấu, thi đấu với các võ sĩ khác. Còn Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt luyện tập võ để đóng phim. Mấy cú đấm đá là giống nhau nhưng tôi còn biết vật, quăng nhiều hơn. Có thể khẳng định không có tài tử điện ảnh nào có khả năng, kinh nghiệm võ thuật thực chiến như Lê Cung.
Tài tử chỉ có thể múa kiếm, làm quyền giỏi hơn Lê Cung. Tuy nhiên trong phim chỉ có múa kiếm một mình thì không hay mà phải đấu với người khác mới hấp dẫn nên cần có những người có võ thuật như tôi đấu cùng.
Mỗi người có võ thuật khác nhau. Nếu biểu diễn họ có cái hay của họ, còn tôi có cái hay của mình. Cái hay của tôi là có thể hạ 3 người cùng lúc. Tôi không biết họ có đánh được như vậy không.
- Nếu có cuộc tỉ thí với Chân Tử Đan, anh tự tin bao nhiêu phần thắng ở phía mình?
Tôi là võ sĩ chuyên thi đấu, đấu nhiều trận trên thực tế với nhiều người từ Mỹ, Canada, Trung Quốc… còn Chân Tử Đan chỉ đánh trên phim. Vậy theo quý vị thì ai sẽ thắng? Võ của Lê Cung là võ đài, đánh thiệt còn võ của Chân Tử Đan là luyện tập, múa quyền mà thôi.
- Vậy theo anh võ truyền thống Trung Quốc nặng về mặt biểu diễn hơn thực chiến?
- Võ truyền thống Trung Quốc thì múa đẹp. Nhưng trong nhiều tình huống thì múa quyền không giúp nhiều trong trận đấu đối kháng. Tôi đã đi dạy lính Mỹ, đấu với họ nên hướng dẫn họ cách đánh của võ tự do. Võ của tôi là chiến đấu thực dụng, không cần múa may, tô vẽ nhiều.
- Anh đến với võ thuật vì đam mê?
Tôi luyện tập với võ thuật năm 10 tuổi. Lúc đó, qua Mỹ tôi không nói tiếng Anh giỏi, bị những trẻ em khác ăn hiếp. Vì vậy mẹ cho tôi đi học võ để tự vệ. Mục tiêu ban đầu là thế nhưng càng học tôi càng đam mê và muốn chinh phục võ thuật.
Khi tập võ, hiểu được sức mạnh và bản thân, tôi không nghĩ mình giỏi võ để đánh lại người đã ăn hiếp mình. Tôi nghĩ mình học võ để tiến ra đi chỗ khác, rộng lớn hơn nơi mình đứng. Hơn nữa, nếu đánh thì những người đó sẽ bị thương, tôi và gia đình sẽ là người bị thiệt hại. Quan điểm của người học võ là để bảo vệ người khác.
- Quá trình luyện tập võ của anh gian khổ thế nào để có thể bất bại trong hầu hết các trận chiến?
Nhìn tôi luyện tập thì mọi người có thể nhận định Lê Cung bị khùng đấy và đó sẽ câu chuyện dài lắm. Lúc chiến thắng, rất hãnh diện nhưng mọi người không biết tôi phải trải qua cả quá trình tập luyện căng thẳng. 3 tháng tập luyện cực khổ chỉ cho 20 phút xuất hiện trên võ đài thôi.
Mỗi buổi tập sẽ kéo dài thêm khoảng 2-3 giờ so với ngày bình thường. Quá trình luyện tập cũng ở cường độ cao hơn và tập trung nhiều vào các kỹ thuật MMA. Trong buổi tập của tôi, nặng nhất vẫn là màn tập đánh với nhiều người. Trong khi mình bị đuối sức thì họ vẫn còn sung sức nên vô cùng áp lực.
- Nguyên tắc của anh trên con đường học và theo đuổi võ thuật là gì?
Nguyên tắc sống, võ thuật của tôi bắt nguồn từ lời dạy của mẹ. Đó là dù ở hoàn cảnh nào cũng phải là một người tốt. Nếu là võ sĩ thì phải là võ sĩ tốt, khi đã dạy học trò thì phải là người thầy tốt, trong gia đình là người chồng, người cha tốt. Tôi thấy nhiều người có năng khiếu nhưng không có tư duy, nhận thức thì sự tự tin yếu và khó trở thành tấm gương cho người khác.
Nói như thế không có nghĩa tôi hoàn hảo. Ở vai trò nào tôi cũng cố gắng làm thật tốt nhưng luôn cho rằng mình vẫn đang ở mức học sinh, chứ không phải mình cao siêu rồi. Quan điểm như vậy để lúc nào mình cũng phải cố gắng vươn lên, không được chủ quan.
- Nhà vô địch quyền anh như Mike Tyson khi thua trận phải tìm đến rượu, chất kích thích còn anh đối diện với sự thật phũ phàng đó thế nào?
Nếu bị thua, tôi không được đi chơi, ăn những đồ nhiều. Lúc thắng tôi mới cho phép mình chơi. Từ đấu vật, đấu võ, Lê Cung thắng nhiều, lúc thua buồn chứ, đau lòng. Tôi chỉ cho cảm giác ấy đến với mình trong vài ngày thôi, sau đó dẹp bỏ và lao vào tập luyện. Nếu để cho nỗi buồn kéo dài sẽ làm tinh thần mình đi xuống.
Buồn quá, tôi cũng khóc. Khóc để giải tỏa, cũng là phiêu linh, quên phiền muộn. Nếu vợ con đứng trước mặt thì tôi không muốn họ phải đau buồn giống mình.
Tôi một mình không phải sợ người ta đánh giá mạnh mẽ như thế mà khóc. Khóc là chuyện bình thường của mỗi người. Khóc xong, tôi sẽ tìm hiểu, mình thiếu gì để bị thua. Lúc ấy tôi càng tự tin hơn vì hiểu mình hơn. Điều đáng sợ chỉ là mình không nhận ra lỗi của bản thân và rút kinh nghiệm để không bị mắc lỗi như thế.
- Vậy có thể nói anh bên ngoài mạnh mẽ, bên trong nhạy cảm, dễ khóc?
Trên võ đài mạnh mẽ thế nào nhưng ở ngoài đời thì cảm xúc của tôi cũng như mọi người. Tôi chỉ xài cái mạnh đó ở chỗ cần xài cái mạnh, lúc nào khóc thì khóc.
Tôi chỉ là con người, có hơn ai đâu. Tôi có cảm xúc, sự rung động hoặc buồn như mọi người. Khi rơi vào những tình huống ví dụ nếu con bị thương mà mình không giúp được, hoàn cảnh những người bạn mà mình không giúp được tôi cũng có thể khóc.
- Hiện tại anh đã chuyển hẳn sang làm phim ảnh, vậy nếu có lời mời hấp dẫn, anh có quay lại võ đài không?
Lúc nào tôi cũng nhớ võ đài vì mình bắt đầu là võ sĩ. Tuy nhiên tham gia trận đấu nào thì phải suy nghĩ ảnh hưởng và tác động của nó thế nào với sự nghiệp, tiếng nói, sức mạnh của Việt Nam với thế giới.
Gần đây, tôi có nghe đến anh Flores từ Canada đến Việt Nam đòi đấu với các võ sư già. Tôi thấy đó là ăn hiếp người Việt Nam. Nếu cần, tôi sẽ đấu với Flores.
- Flores bức xúc về đánh giá của anh về khả năng võ thuật của ông ấy và chính thức muốn đấu với anh. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi không chỉ là võ sĩ mà còn là thầy dạy học sinh. Vì vậy khi làm bất cứ điều gì nhất là liên quan đến võ thuật đều phải cẩn trọng và tử tế để học sinh kính trọng mình. Nếu thầy làm điều tầm bậy thì sẽ ảnh hưởng đến học viên của mình. Khi đó võ thuật không phải được áp dụng làm điều tốt mà là công cụ thực hiện điều xấu sẽ vô cùng tệ hại.
Anh Flores sang Việt Nam, đánh thắng mấy võ sư người Việt già, yếu hơn như thế chẳng khác nào bắt nạt họ. Anh ta làm thế chỉ muốn nổi tiếng hơn nhưng nếu muốn nổi tiếng thì phải đánh với Lê Cung chứ. Là võ sĩ chuyên nghiệp ai lại đi làm những điều xấu như thế.
- Nếu đấu với Flores, anh sẽ tấn công chuẩn võ sư người Canada thế nào?
Tôi sẽ dễ dàng đánh thắng Flores trong 1 phút. Nhưng nếu đánh để Flores thua, nằm gục ngay trong 1 phút thì dễ dàng với anh ta quá. Tôi nghĩ mình sẽ kéo dài trận đấu, quăng, vật cho anh ấy no đòn. Nếu Flores còn về Việt Nam và hung hăng đòi đấu với các võ sư Việt già, yếu hơn thì tôi sẽ đánh để dạy cho anh ta một bài học.
- Trên võ đài, anh thể hiện với các đối thủ thế nào sau khi đánh bại họ?
Trong mỗi trận đấu, với mỗi đối thủ tôi đều phải nghĩ đến cách để hạ gục được họ nhanh nhất. Khi trận đấu kết thúc, nếu chiến thắng mình sẽ vỡ òa cảm xúc nhưng tôi không quên việc quay lại hỏi thăm đối thủ xem có bị chấn thương hay nội thương gì ghê gớm không.
Nếu đối thủ không bị gì, tôi sẽ nói cảm ơn đã đấu với Lê Cung. Khi thua, cũng bắt tay và chúc mừng đối thủ. Có lần tôi, đá gẫy tay một đối thủ thì sau trận đấu đã đến xin lỗi họ. Và anh ấy đáp: "Không sao, chỉ là một trận thi đấu thôi mà".
- Với anh, chấn thương nào đau đớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình?
Chấn thương với người tập võ là chuyện bình thường. Xương tay tôi bị gãy 3 lần. Trong một trận đấu, tôi bị đối thủ đánh nứt xương gần mắt, máu chảy nhiều, đau tới nỗi tôi chỉ muốn ói. Máu còn chảy vào phổi và mũi. Bác sĩ khuyên tôi không nên tiếp tục thi đấu vì chỉ cần thở mạnh thì máu sẽ chảy ào ào.
Tôi không nghe, vẫn tiếp tục trận đấu. Và khi bị đối thủ đánh, máu chảy, đầu óc tôi quay cuồng, mắt không nhìn thấy gì, chỉ còn biết đánh trong vô thức nên đã bị thua.
- Gia đình anh phản ứng thế nào khi anh tham gia nhiều trận đấu căng thẳng với chấn thương nguy hiểm?
Mẹ tôi lúc nào cũng nói thế là đủ rồi. Vợ con thì muốn tôi tập trung phát triển công việc dạy võ và phim ảnh hơn. Bản thân tôi cũng không nghĩ mình sẽ kéo dài mãi thời gian với việc thi đấu nên đã chuyển sang đóng phim.
- Cuộc sống ở Mỹ của nhà vô địch võ thuật nhiều năm qua thế nào?
Tôi nghĩ mình đủ sống và giúp được một số người. Mỗi sáng thức dậy, nhìn lên phía trên có trần nhà, các con được ăn uống, ăn mặc đầy đủ là tôi thấy mình đủ đầy rồi. Nếu thành công hơn, có thêm nhiều tiền thì tôi sẽ sử dụng một phần để giúp những người khó khăn trong gia đình, bạn bè hay những em bé không có cha mẹ.
- Ai là người truyền cho anh cảm hứng để anh có được nguyên tắc sống: làm người tử tế?
Mẹ là người đem tới cho tôi nhiều cảm hứng. Lúc mẹ và gia đình qua bên Mỹ định cư, bà đã phải làm 3 công việc khác nhau cùng lúc để cho các con ăn học đầy đủ. Tôi muốn mua gì thì mẹ phải tiết kiệm nhiều lần mới mua được.
Bà luôn nói với tôi làm điều tốt dễ hơn điều xấu. Điều tốt giúp mình được tôn trọng hơn vậy tại sao không làm? Tôi luôn muốn mình làm tốt và đúng mọi chuyện có thể. Bản thân tôi không có cha từ nhỏ nên luôn tự nhủ khi có con sẽ không để các con phải thiệt thòi, thiếu tình cảm.
- Nhưng thực tế anh đã ly dị vợ sau 9 năm kết hôn khi có hai con chung?
Tôi và người vợ đầu sống với nhau được 9 năm, còn quen biết và có tình cảm với nhau 18 năm. Khi chúng tôi quyết định chia tay thì nghĩa là tôi cũng đã cố gắng hết sức, không còn cách nào cứu vãn được mới buông bỏ.
Lúc đó, cả hai người không có hợp với nhau, có nhiều cãi vã thì sống với nhau có ích gì, chỉ làm các con thêm buồn phiền. Chia tay nhưng tôi vẫn làm tròn trách nhiệm của người cha, chăm lo cuộc sống của con tới nơi tới chốn.
- Ở nhà, võ sĩ Cung Lê là người cha, người chồng thế nào?
Nếu nói về mối quan hệ thì không có mối quan hệ nào gọi là hoàn hảo cả. Để hạn chế bớt mâu thuẫn thì cả hai luôn nói chuyện và giải quyết mâu thuẫn nếu có. Khi về nhà, tôi có thể làm mọi việc, kể cả nấu nướng, rửa chén.
Nếu con ăn xong, chưa kịp rửa thì mình rửa và nhắc nhở chúng. Vườn chưa quét, chưa cắt cỏ thì mình làm. Tôi không có khái niệm là đàn ông thì không được làm việc này việc kia.
Với con cái, tôi không ủng hộ cũng không ngăn cấm sở thích và đam mê của chúng. Nếu chúng muốn trở thành võ sĩ, tôi sẽ giúp đỡ nhưng nếu không chỉ yêu cầu các con luyện tập tới đai đen.
Theo Zing