Ngày thứ hai sau vụ nổ kinh hoàng
Buổi sáng ngày thứ hai sau vụ nổ kho phế liệu tại làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), ngõ xóm chìm trong màn mưa phùn ảm đạm, đường đi ướt nhẹp, lênh láng bùn đất. Dọc đường vào thôn, một số cơ sở tái chế phế liệu vẫn hoạt động bình thường. Sát khu vực xảy ra vụ nổ, nhiều người trong xã và vùng lân cận vẫn tập trung đứng theo dõi. Tốp lính công binh cần mẫn dò tìm những viên đạn còn sót lại, trong khi người dân tiếp tục dọn rửa nhà cửa.
Đầu ngõ đã bị an ninh phong tỏa, vài người hiếu kỳ túm tụm ngó nghiêng, bàn tán về vụ nổ kinh hoàng sáng 3/1.
“Nhà tôi chỉ hỏng mái, đạn xuyên thủng từng lỗ to bằng cổ tay. Hôm nay tôi mua xe ngói hơn 30 triệu trên Bắc Giang về lợp lại”, một người dân có mái nhà hỏng sau vụ nổ nói.
Quan Độ ngày thứ hai sau vụ nổ long trời lở đất: Ngày thứ hai sau vụ nổ chấn động cả huyện Yên Phong, người dân làng Quan Độ và lính công binh bắt đầu thu dọn những đống đổ nát. Một số hộ gia đình mua ngói về lợp nhà để có chỗ ở.
Chứng kiến vụ nổ “long trời lở đất”, Ông Đặng Đình Hải (60 tuổi, cách hiện trường 40 m) kể ông từng chạy bom thời chiến tranh nhưng chưa bao giờ thấy vụ nổ khủng khiếp như vậy. Sau tiếng nổ là loạt đạn bay ào ào như có người bốc từng nắm đá to ném xuống.
Ngôi nhà 2 tầng của ông Hải bị hỏng toàn bộ mái tôn, cửa kính vỡ vụn, đã hơn một ngày cả gia đình ông vẫn chưa dọn dẹp. Đêm qua, cả nhà ông Hải phải đi ngủ nhờ họ hàng, không dám ở lại vì sợ mái nhà hỏng có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
“Gia đình tôi bỏ bê công việc, không ai muốn làm gì, đến bây giờ tôi vẫn hoang mang vì sợ những đầu đạn vương vãi sót lại phát nổ bất cứ lúc nào”, ông Hải nói.
Người đàn ông 60 tuổi cho hay trước khi xảy ra vụ nổ, xóm làng rất bình yên, công việc làm ăn của của các gia đình thuận lợi. Sau vụ nổ, cả một vùng mấy nghìn m2 bị phá hủy, cuộc sống xáo trộn, người mất nhà cửa, người bị thương hoặc chết, đau thương bao trùm khắp xóm.
Ngày thứ 2 sau vụ nổ kho phế liệu, lực lượng chức năng đang tiếp tục thu dọn và khám nghiệm hiện trường.
Để dọn được đống đổ nát giữa làng Quan Độ này, người dân và lực lượng chức năng sẽ phải mất vài tuần.
Đầu làng cuối xóm vẫn xôn xao chuyện vụ nổ. Người dân tập trung về khu vực này nghe ngóng tình hình.
Còn ông Nguyễn Văn Lân (56 tuổi) kể tiếng nổ phát ra lúc vợ ông thức dậy xuống bếp chuẩn bị cho chuyến đi chợ buổi sáng. Sau cơn mưa đạn, ông Lân ra ngoài lần mò thì thấy vợ nằm lịm dưới mái hiên bếp.
Đến giờ phút này, trong tâm trí vợ chồng ông Lân vẫn nghĩ vụ nổ là do động đất hoặc sấm chớp gây ra chứ không phải tiếng đạn nổ. Bên trong căn nhà rộng khoảng 100 m2, đồ đạc không còn thứ gì có thể sử dụng. Ngoài sân, đầu đạn, gạch vỡ vẫn còn sót lại.
Nghiêm Thị Hồng Anh, cô gái mới 20 tuổi (ở sát hiện trường), vẫn chưa hết bàng hoàng, tiếng nổ lớn không làm người chồng và đứa con nhỏ tuổi bị thương nhưng căn nhà của Hồng Anh hư hỏng gần hết.
Hơn một ngày trôi qua, chị bế con đi khắp xóm, buổi tối lại về nhà mẹ đẻ ở nhờ. Chồng chị đang chạy khắp nơi tìm người sửa lại căn nhà nhưng không được.
“Vợ chồng em chưa biết làm gì trong những ngày sắp tới. Tết cận kề mà nhà cửa hỏng hết, chúng em chẳng buồn làm gì cả”, Hồng Anh than thở.
Lực lượng quân đội tiếp tục làm việc và phong tỏa hiện trường, cấm người dân ra vào.
Ngôi nhà thờ tổ của một dòng họ gần kho phế liệu nổ đổ nát hoàn toàn.
Chính giữa ngôi nhà, tầng 2, anh Đặng Đình Tiến, vợ cùng con gái Đặng Thùy Trang đang ngủ thì bị vạ lây. Em bé 3 tuổi tử vong còn bố cháu được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bỏng đầy mặt và chân.
Chốc chốc lại ngóng ra cửa xem có ai gọi mình ra thu dọn ngôi nhà đã sập gần hết, bà Nghiêm Thị Thúy Hoàn (79 tuổi) xót xa: “Thế là mất tất cả rồi cô ạ”.
“Còn hai thân già lành lặn như thế này là phúc lớn rồi bà”, ông Đặng Tú Chinh nhấp ngụm nước chè rồi kể: “Khoảng 4h hơn, tôi nghe thấy tiếng nổ, cứ nghĩ nổ cột điện, bà nó gọi tôi lên xem con cái như thế nào.
Tôi lục đục đứng dậy thì mất điện, trời tối như mực, dò đường theo cảm tính ra được đến cửa thì thấy nhà cái Thắm ở trước la hét, đứa nhỏ thì khóc, gạch vữa rơi vãi lổn nhổn, tôi men theo bức tường giữa hai nhà để thoát ra ngoài. Vừa ra đến đường cái thì mọi người tập trung đông lắm, lúc ấy mới biết chuyện gì xảy ra”.
“Thấy ông ấy ra đến cửa, tôi cũng sốt ruột liền ngồi dậy đi ra xem có chuyện gì. Bước xuống tìm dép thì mọi thứ đã bị đất đá vùi hết cả, nên tôi đi chân trần lập cập tìm đường ra ngoài. Lúc ấy, tôi thực sự rối loạn và hoảng sợ, không thể nghĩ chuyện gì đang xảy ra, có người nhắc bà đi dép vào không điện giật, tôi mới bừng tỉnh”, bà Hoàn kể.
Gần 80 năm sống trên đời, ông Chinh, bà Hoàn không thể ngờ có ngày mình lại trải qua những lúc bom rơi, đạn nổ, dù chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, thậm chí ông bà còn ở chính giữa “trận địa” như thế.
Đan xen giữa câu chuyện của ông bà, tiếng điện thoại liên tục vang lên. Đó là những người con, cháu, học trò của ông bà từ mọi nơi gọi về thăm hỏi. Vẫn là câu nói được lặp đi lặp lại: “Ông bà không sao cả!”, rồi bà Hoàn lại quay sang tiếp chuyện với khách: “Từ hôm qua đến nay lúc nào cũng có người gọi hỏi han tình hình. Mấy đứa trên Lạng Sơn nơi ngày xưa tôi dậy, chúng nó nghe tin trên tivi, đài báo nên rất lo lắng”.
Một lúc sau ông bà được mọi người gọi ra để nhặt đồ, vài bộ quần áo, chút sách vở, chiếc đồng hồ và mấy chiếc bằng khen vẫn còn nguyên vẹn.
Không được may mắn như nhiều người đã kịp chạy ra trước khi căn nhà đổ sụp, có hai cháu bé đã vĩnh viễn nằm lại.
Vợ chồng ông Đặng Tú Chinh và bà Nghiêm Thị Thúy Hoàn trở về căn nhà của mình và tìm được một số quần áo còn nguyên vẹn.
Người dân trong làng tất bật dọn dẹp bùn đất do ảnh hưởng của vụ nổ.
Một số người đi lượm vỏ đạn đã nát, còn các chiến sĩ công binh thu dọn từng bao tải gạch đất.
Thợ điện bắt đầu công việc nối lại đường dây dọc ngõ vào hiện trường vụ nổ.
Một người đàn ông ngồi chọn những đầu đạn vừa lượm về.
Một trong những ngôi nhà mái bị thủng lỗ chỗ sau vụ nổ.
Ông Đỗ Văn Sửu (thợ nề) dự tính lợp lại ngôi nhà cho khách hết một tuần. Nhà này cách vụ nổ chừng 100 mét, bị ảnh hưởng phần nóc.
Chủ ngôi nhà này mất 30 triệu đồng tiền mua ngói lợp để có chỗ tránh mưa nắng.
Nỗi đau người ở lại
Chiều 4/1, nhiều người trong họ, làng xóm vẫn đến chia buồn cùng gia đình, anh Đặng Đình Tiến (32 tuổi, bố bé Trang mất trong vụ nổ ở thôn Quan Độ). Ngồi trước bàn thờ đứa con gái, anh Tiến chuyển vẻ mặt thất thần nói: “Em mất hết rồi các anh ạ!”.
Tiến cho biết vợ chồng anh bắt đầu ra ở riêng được hơn 2 năm nay, căn nhà bố mẹ cho nằm sát với căn nhà dùng làm kho chứa hàng phế liệu. Dù ở lâu nhưng anh không thể ngờ hàng xóm đã chuyển đầu đạn về tập kết.
Buổi tối trước khi xảy ra vụ nổ, khoảng 12h đêm, Tiến nói có nghe thấy tiếng nổ lạch cạch phát ra trong ngôi nhà sát vách, vì nghĩ rằng, hàng xóm thức dậy chuẩn bị đi chợ buổi sáng nên anh ngủ tiếp.
“Tiếng nổ thất thanh vang lên, tôi ngất lịm, đất đá vùi lên cả hai vợ chồng, người dân đến bới đất lôi hai vợ chồng tôi lên đưa ra viện, còn gái tôi nằm trong góc tường bị thương nặng, nó chết ở viện”, khuôn mặt vẫn còn chằng chịt những vết thương, thân hình gầy gò của người đàn ông 32 tuổi run lên mỗi khi nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Nằm bên cạnh, chị Lưu Thị Sen (30 tuổi, vợ anh Tiến) thi thoảng nhìn lên bàn thờ đứa con gái rồi khóc nấc khiến những người chứng kiến không khỏi đau xót. Bé Trang là con gái duy nhất mà anh chị sinh được sau 8 năm cưới nhau. Di ảnh của bé đã được cất đi bởi mỗi lần nhìn thấy ảnh con, chị Sen lại không kìm được lòng.
Chị Phạm Thị Hường - bà kế của cháu bé 3 tuổi Đặng Thùy Trang liên tục thắp hương trên chiếc bàn thờ tạm đặt giữa nhà ông nội.
Mẹ cháu Trang khóc hết nước mắt kể từ ngày hôm qua. Bố của bé, anh Đặng Đình Tiến mặt chi chít vết thương. Hai anh chị cưới nhau gần 8 năm mới có được đứa con thì nay sớm phải chia lìa.
Ông Đặng Đình Tờ đứng lặng một góc nhà cảm ơn khách đến viếng cháu nội Đặng Thùy Trang.
Vợ chồng anh Tiến làm nghề buôn gỗ, thu nhập hàng tháng đủ trang trải cho cả gia đình. Sau vụ nổ, anh mất tất cả. “Mất nhà, mất con, vợ chồng tôi về ở tạm nhà bố mẹ. Những ngày tháng tới, tôi chưa biết mình sẽ làm gì”, anh Tiến nói.
Nổ cột điện, nổ khí gas, máy bay rơi hay sấm chớp, động đất…là những thứ mà người dân trải qua thời khắc ấy nghĩ đến nhưng không ai có thể tưởng tượng đó là tiếng bom, tiếng đạn nổ.
Trên bầu trời, thỉnh thoảng người ta vẫn nghe tiếng máy bay ào ào lướt qua. Phía dưới, người dân vẫn lẳng lặng công việc dọn dẹp hậu quả.
Cuộc "lên đời" của làng phế liệu
Cách đây vài chục năm, Quan Độ còn là làng thuần nông, số hộ nghèo chiếm đến 50%. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đời sống không những thay đổi mà người dân còn có của ăn của để, nhiều gia đình khá giả.
Dạo một vòng bán kính chưa đầy 200 m, hơn chục hộ có ôtô đỗ ở sân hoặc trước cửa nhà. Từ Honda Civic, Lexus cho đến Ranger Rover trị giá vài tỷ. Biển kiểm soát 99 có, biển Hà Nội 30A cũng không thiếu.
Một số người dân tiết lộ, riêng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, chủ kho phế liệu phát nổ, có tới 4 chiếc ôtô, thuộc quyền sử dụng của ông, vợ ông, con trai và con dâu…
Một ngôi nhà của người chuyên làm nghề thu mua phế liệu.
Một ngôi làng có nhiều ôtô như thế này không phải là dễ tìm ở miền Bắc.
Chiếc Ranger Rover đang lăn bánh vào ngôi nhà ở làng Quan Độ. Bên trong sân còn có một chiếc Toyota Altis khác.
Từ năm 1986, nơi đây manh nha một vài hộ thu mua phế liệu, đến sau năm 1997 phát triển rộng hơn trở thành điểm hành nghề lớn nhất miền Bắc. Ban đầu người dân nhặt nhạnh nhỏ lẻ, sau đó là mua đồ thanh lý của Nhà nước, từ tàu thủy, tàu hỏa, xi măng lò đứng, cầu, đồ điện, các loại máy móc nhà xưởng... từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, chỗ nào họ cũng lọ mọ tìm mua hàng thanh lý. Nhờ đó nhiều người phất lên nhanh chóng.
Tuy nhiên theo chị Hoài, một người dân trong thôn, vài năm trở lại đây ăn theo làng nghề Đồng Kỵ gần bên, 80% các hộ gia đình chuyển sang buôn bán gỗ, thu nhập cao hơn, nay chỉ còn hơn 20 hộ vẫn theo đuổi công việc này.
“Anh thấy đấy, phải buôn gỗ họ mới giàu thế chứ thu mua phế liệu ăn thua gì. Gia đình tôi không làm gỗ cũng không thu mua phế liệu nhưng kiếm được tiền nhờ nghề khác”, chị Hoài úp mở chuyện trong làng nhiều nhà có tiền tỷ.
Bản thân anh Đặng Đình Tiến, bố của bé gái bị tử vong trong vụ nổ kho phế liệu sáng 3/1, cũng thật thà tiết lộ mỗi tháng có thể kiếm được hàng chục triệu tiền lãi từ việc buôn bán gỗ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có được chừng ấy, có thời điểm kinh doanh kém hơn.
Các công nhân tiếp tục công việc bình thường ngày thứ 2 sau vụ nổ chấn động.
Khi được hỏi về việc trước đây vào làng thấy rất nhiều động cơ máy bay cũ hỏng, thậm chí cả thân những chiếc máy bay nằm chỏng chơ đầu làng, chị Hoài bảo lâu rồi không còn nữa. Phải vài năm nay, làng không mua được chiếc máy bay hỏng nào, may ra có linh kiện, động cơ hỏng người ta chở từ đâu đến.
Trước đây, đến làng khách từ nơi khác dễ dàng gặp những khí tài quân sự từ thời Liên Xô như máy bay MiG 19, MiG 21 đến IL18… được chất đống quanh làng để thay nhau vào lò mổ xẻ.
Chiều tối 4/1, khắp các ngõ nhỏ, đường làng ở Quan Độ, chị em công nhân dù mưa ướt nhớp nháp đã quay trở lại làm việc. Tay năm tay mười, họ thu dọn các đống dây cáp điện xe tải vừa chở đến quẳng xuống cửa nhà.
Chỗ khác cảnh người dân tấp nập tháo dỡ máy móc, cưa đục, tuốt dây cáp, đốt để lấy lõi đồng, nhôm… Lác đác vài chiếc xe cẩu hàng chui sâu vào ngõ nhỏ không biết chở hàng từ đâu tới.
Ở một điểm thu mua phế liệu đầu làng, vài công nhân đang đeo khẩu trang kín mặt hì hụi làm việc. Nhìn thấy người đeo máy ảnh, một phụ nữ tuổi ngoài 50 dừng tay hỏi thăm về vụ nổ đang gây xôn xao cả huyện. Chị cho biết mỗi ngày làm công việc nặng nhọc này 8,5 tiếng, một tháng được trả lương từ 7-8 triệu đồng tùy người.
“Như thế hơn làm ruộng rồi. Giàu thì không giàu, chỉ có chủ là kiếm được thôi”, nữ công nhân nói.
Theo Zing