Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal

H.Q. (25 tuổi) cho biết mình đã chinh phục thành công Ama Dablam, đỉnh núi đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Điều này khiến cộng đồng leo núi đặt nhiều nghi vấn.

Cuối tháng 8, một người tên H.Q. tự nhận đã chinh phục đỉnh Ama Dablam (6.812 m) cùng 4 người bạn đồng hành trong thời gian mắc kẹt ở Nepal năm 2020.

Theo đó, H.Q. đã chinh phục đỉnh này từ tháng 6. Các thành viên trong đoàn không phải dân chuyên, người có kinh nghiệm nhất là H.Q.

Trong khi đó, anh này chỉ mới chinh phục thành công Tharpu Chuli hồi tháng 3/2020, tức khoảng 3 đến 4 tháng trước khi chinh phục Ama Dablam theo lời kể.

Tharpu Chuli là một trong những đỉnh núi thuộc dãy Himalaya của Nepal. Đây là đỉnh có vị trí đẹp và khá dễ leo với độ cao chỉ 5.695 m nằm trong khu vực thánh địa Annapurna. Dân leo núi chuyên nghiệp ở Việt Nam không thường coi Tharpu Chuli là đỉnh mà thường gọi là "đồi".

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-1

Trong khi đó, đỉnh Mera nằm ở độ cao 6.476 m. Dù vẫn là đỉnh dễ với dân chuyên nghiệp, những người ít hoặc không có kinh nghiệm phải chinh phục đỉnh này với sự trợ giúp của các công ty du lịch mạo hiểm.

Còn đỉnh Ama Dablam (6.812 m) là một mục tiêu rất khó. Mỗi mùa, không quá 20 người leo Ama Dablam. Nhiều người nhận xét leo Ama Dablam còn yêu cầu kỹ thuật cao hơn leo Everest. Ngoài ra, Ama Dablam cũng thường được chọn làm điểm tập luyện trước khi leo Everest.

Do vậy, thông tin này lập tức gây nhiều tranh cãi từ giới leo núi. Nhiều người đưa ra thông tin chứng minh việc H.Q. không chinh phục được Ama Dablam như anh này nói.

Dưới đây là một số nghi vấn phóng viên đặt ra và nhận được sự giải đáp từ các chuyên gia, người có kinh nghiệm leo những đỉnh núi khó.

Làm sao để chứng minh H.Q. đã chinh phục đỉnh núi?

H.Q. nói: Tôi đã chinh phục thành công đỉnh Mera (6.476 m) và Ama Dablam cùng 4 thành viên không chuyên.

Nghi vấn: H.Q. không thể chinh phục cả 2 đỉnh núi này.

Thực tế là: H.Q. nói mình leo chui nên không có giấy phép leo núi cũng như giấy xác nhận đã chinh phục đỉnh. Đây là 2 loại giấy tờ bắt buộc phải có khi chinh phục đỉnh núi ở Nepal.

Đánh giá: Thiếu cơ sở.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-2
Chứng nhận chinh phục đỉnh núi là bằng chứng dễ dàng nhất có thể đưa ra. Ảnh: Monterosa.

Có thể leo núi chui không?

H.Q. nói: "Tôi leo núi chui. Thời điểm tôi leo núi, Nepal đang chịu ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh. Do đó, thủ tục leo cũng khác".

Nghi vấn: Không có chuyện leo núi chui.

Thực tế là:

Trả lời phóng viên, L.P.A., người đã chinh phục đỉnh Mera thành công vào tháng 5/2019, cho rằng không thể đi chui khi chinh phục cung đường này.

"Chúng tôi leo phải có giấy thông hành. Khi đi qua một số chốt, người ta yêu cầu đóng dấu mới cho đi tiếp. Khi lên độ cao 4.900 m, cũng có người quản lý số lượng thành viên leo", L.P.A. chia sẻ.

"Tôi chưa leo Ama Dablam nhưng có đến base camp ở đây chơi khi đang lên Everest base camp. Tại base camp của Ama Dablam, họ cũng phân chia lều của từng nhóm quốc gia như Everest base camp. Họ ăn ở đó cả tháng, do đó không thể có chuyện leo chui", cô nhận xét.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-3
Leo núi chui là việc gần như không thể ở Nepal. Ảnh: Summit Post.

Phan Thanh Nhiên, người Việt Nam trẻ nhất chinh phục thành công đỉnh Everest, xác nhận không có chuyện các sherpa (người hướng dẫn bản địa) ở Nepal chấp nhận leo núi chui.

Ngoài ra, sherpa Serap, người đã đồng hành cùng đoàn Việt Nam chinh phục Everest, cũng xác nhận không thể nào leo đỉnh Mera hay Ama Dablam mà không có giấy phép.

Đánh giá: Sai sự thật.

H.Q. lấy tiền đâu để đi?

H.Q. nói: Sau khi chinh phục Tharpu Chuli, anh xuống núi và biết Nepal đã đóng biên, các hoạt động du lịch bị đình trệ. H.Q. phải xin thức ăn ở các nhà hàng phát đồ miễn phí. Do không hợp đồ ăn, anh bị sụt tới 4 kg. Nơi ở của H.Q. cũng chỉ là phòng dorm 6 người giá rẻ. Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục lên đường chinh phục Ama Dablam.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-4
H.Q. (phải) phải đi xin ăn nhưng có tiền thuê sherpa để chinh phục Ama Dablam? Ảnh: H.Q.

Nghi vấn: Thiếu chi phí, làm sao thuê sherpa leo Ama Dablam?

Thực tế là: Ama Dablam là đỉnh núi đòi hỏi kỹ thuật còn cao hơn leo Everest. Do đó, các sherpa sẽ luôn kèm 1:1 với khách hàng. Rất hiếm trường hợp 1 sherpa 2 khách hàng để giảm thiểu chi phí. Theo sherpa tên Serap, chi phí cho sherpa để leo Ama Dablam vào khoảng 2.500 USD/người. Việc H.Q. thiếu tiền ăn nhưng vẫn đủ tiền thuê sherpa là thiếu cơ sở.

Đánh giá: Thiếu cơ sở.

H.Q. có đủ sức chinh phục Ama Dablam?

H.Q. nói: Tôi leo thành công đỉnh Ama Dablam lẫn Mera. Tôi là trưởng đoàn, hỗ trợ và hướng dẫn 4 thành viên không chuyên trong 2 hành trình này. Những người đi cùng đều không phải dân leo núi. Người chuyên đi xe đạp, người chỉ chuyên trekking.

Nghi vấn: H.Q. không đủ sức leo Ama Dablam.

Thực tế là:

Phan Thanh Nhiên khẳng định dân không chuyên không thể leo được Ama Dablam.

"Người không có kinh nghiệm leo đỉnh 6.000 m trở lên rất khó để chinh phục Ama Dablam. Đây là nguyên tắc xưa giờ trong giới leo núi. Bản thân tôi từng chinh phục Everest và có dự định leo Everest không cần oxy. Dù vậy, tôi cũng không chắc có thể chinh phục được Ama Dablam, địa hình ở đây rất khó", anh Nhiên nhấn mạnh.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-5
Phan Thanh Nhiên thừa nhận đến mình cũng không tự tin leo Ama Dablam. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, nhiều dân leo núi chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng khẳng định thể hình của H.Q. quá khó để leo Ama Dablam (H.Q. chỉ cao 1,7 m và nặng khoảng 55 kg đổ lại). Trong khi đó, những người cỡ 1,8 m, nặng 70 kg và từng leo nhiều đỉnh núi cao trên 6.000 m cũng thừa nhận gặp khó để chinh phục Ama Dablam.

Mặt khác, H.Q. nói mình đi cùng một nhóm dân không chuyên leo núi. Người kinh nghiệm nhất là H.Q. (chỉ mới chinh phục được Tharpu Chuli cách đó 3 tháng). Với dân leo núi chuyên nghiệp, họ xem Tharpu Chuli chỉ như một quả đồi với độ khó không cao.

Do đó, khi xét đến yếu tố trình độ và thể chất, H.Q. rất khó có thể chinh phục Ama Dablam.

Đánh giá: Rất thiếu cơ sở.

H.Q. có leo thành công đỉnh Mera không?

H.Q. nói: Đã leo thành công đỉnh Mera nhưng từ chối cung cấp thêm hình ảnh trên đỉnh. Tuy nhiên, anh từng khoe 2 tấm ảnh được chụp trên đỉnh Mera.

Nghi vấn: Hình ảnh không phải chụp trên đỉnh Mera.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-6
Bức ảnh đầu tiên. Ảnh: H.Q.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-7
Bức ảnh thứ hai. Ảnh: H.Q.

Thực tế là: Sherpa Serap không tin H.Q. đã leo thành công đỉnh Mera.

Về bức ảnh đầu tiên, Serap khẳng định đây không phải đỉnh Mera mà là Kala Patthar - điểm cuối trong hành trình trekking Everest base camp (độ cao khoảng hơn 5.500 m).

Về bức ảnh thứ hai, Serap cho biết nó được chụp trên đường chinh phục đỉnh Mera. Tuy nhiên, H.Q. chỉ mới dừng ở Mera la với độ cao 5.700 m. Đỉnh Mera còn cách đó khá xa.

Anh S., quản lý nhóm Tìm bạn đồng hành Du lịch nước ngoài, có ý kiến khác về bức ảnh thứ hai. Theo anh, đây vẫn là đường lên đỉnh Mera nhưng ở đoạn phía dưới, hướng đi High Camp 5800m lên đỉnh, còn cách đỉnh núi khá xa.

Anh phân tích: "Ảnh bạn H.Q. đăng chắc chắn không phải chụp trên đỉnh. Góc trái có đỉnh núi to, không thể có đỉnh núi sát bên cao vọt lên như thế khi đã đứng tại đỉnh Mera được. Địa hình này tôi biết, trong ảnh có thể nhìn thấy hồ Sabai Tsho phía tay phải. Đoạn này nhiều người Việt Nam cũng từng trek qua rồi. Trước kia tôi cũng từng đi qua đoạn Kala Patthar khi leo Everest Basecamp nên chắc chắn không phải khu vực này".

Đánh giá: Sai sự thật.

H.Q. có leo Ama Dablam không?

H.Q. nói: Tôi đã chinh phục Ama Dablam nhưng không có ảnh. H.Q. từng đăng tải clip với chú thích "View từ camp 1 - 5.900 m" trên đường lên đỉnh Ama Dablam.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-8
Video H.Q. chia sẻ không nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Ama Dablam. Ảnh chụp màn hình.

Nghi vấn: Đây không phải đường lên đỉnh Ama Dablam.

Thực tế là: Sherpa Serap xác nhận đây không phải cung đường lên đỉnh Ama Dablam.

Người này thường xuyên tổ chức các tour lên đỉnh Ama Dablam cũng như các tour trekking nhẹ nhàng ở độ cao an toàn. Serap cho biết vị trí chụp này nằm trên cung trekking nhẹ nhàng và người lên đỉnh Ama Dablam sẽ không đi đường đó. Họ sẽ đi theo những đường khác và có điểm khác để chụp ảnh.

Điều này cũng giống trường hợp của Kala Patthar và Everest. Người leo đỉnh Everest sẽ không đi qua Kala Patthar bởi Kala Patthar chỉ là điểm cuối trong hành trình trekking Everest base camp.

Đánh giá: Sai sự thật.

Những dấu hiệu bất thường khác

- Theo Phan Thanh Nhiên, khi nhìn bức ảnh H.Q. cầm cờ trên đỉnh Mera, anh thấy khó tin bởi quần áo H.Q. mặc rất mỏng.

"Tôi khẳng định lên được độ cao 6.400 m, ai cũng sẽ rất mệt mỏi. Trang phục không thể phong phanh thế được. Ngoài ra, thời gian lên đỉnh phải là đầu buổi sáng", anh nói.

Trong khi đó, H.Q. chia sẻ mình bắt đầu leo từ 4h và cỡ 10h30 chạm chân lên đỉnh Mera.

- H.Q. cũng từng nói về việc mình có khá ít ảnh do tình trạng sụt pin máy ảnh khi lên cao. Tuy nhiên, anh D., một người leo núi chuyên nghiệp, cho biết có trường hợp đó có thật nhưng khó xảy ra.

"Sherpa đi cùng bạn chắc chắn phải biết nhắc bạn giữ ấm máy ảnh trong cơ thể. Ngoài ra, họ cũng thừa sức biết cách để giúp bạn chụp tấm ảnh kỷ niệm được lên đỉnh. Làm gì có ai lên đỉnh mà không thèm chụp ảnh mang về?", anh nói.

Nghi vấn về một người Việt tự nhận chinh phục đỉnh núi 6.812 m ở Nepal-9
Chiếc áo H.Q. mặc trong tấm ảnh chụp trên đỉnh bị nhận xét quá mỏng. Ảnh: H.Q.

- H.Q. cho biết mình giẫm vào sông băng, phải leo giày ướt lạnh suốt 2 giờ. Tuy nhiên, anh không thể thay giày do sherpa đã đi lên trước còn đôi giày khác nằm trong túi người này đeo. Do đó, H.Q. phải đi với đôi chân lạnh buốt "tưởng chừng sắp gãy" cho đến khi lên trạm.

Chi tiết này bị nhiều người nói vô lý bởi sherpa thường đi sát khách hàng trong phạm vi khoảng 2 m để đảm bảo an toàn.

Hiện tại, H.Q. đang từ chối trả lời mọi câu hỏi từ báo chí đặt ra về vụ việc này. 

Sự cố gian dối về việc chinh phục các đỉnh núi nổi tiếng trên thế giới đã có tiền lệ trong giới leo núi ở Việt Nam. Năm 2019, Hoàng Lê Giang đã gian dối việc chinh phục thành công Denali, đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ. Zing là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa vụ việc này ra ánh sáng sau khi liên hệ và nhận được xác nhận từ công ty Alaska Mountaineering School (AMS), đơn vị tổ chức chuyến leo núi Denali cho Hoàng Lê Giang. Vụ việc đã tạo nên "vết nhơ" trong sự nghiệp Hoàng Lê Giang bởi anh từng được xem là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người Việt mê khám phá.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nghi-van-ve-mot-nguoi-viet-tu-nhan-chinh-phuc-dinh-nui-6812-m-o-nepal-post1255814.html?fbclid=IwAR3-UAkempjFQM1Gd_DMGK25IPo3G2hQiKN2v1Q6vLfeGomVyfznQszGdXk

du khách Du lịch

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao