Vùng đất được ví như 'Nữ Nhi Quốc' trong Tây Du Ký xuất hiện ngoài đời thực

Người Mosuo sống ở Vân Nam là dân tộc đến nay vẫn còn giữ chế độ mẫu hệ ở Trung Quốc, khiến nhiều du khách tới đây liên tưởng tới vùng đất "Nữ Nhi Quốc" - địa danh xuất hiện trong Tây Du Ký.

Trong tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân có nhắc tới một vùng đất gọi là Nữ Nhi Quốc. Theo mô tả, vùng đất này không xuất hiện nam giới, do phụ nữ toàn quyền quyết định.

Trên thực tế, ở Trung Quốc có một vùng giống như vậy. Đó là nơi sinh sống của người dân tộc Mosuo (Ma Thoa) ở bên hồ Lugu thuộc tỉnh Vân Nam. Từ xưa đến nay, người dân vẫn giữ chế độ xã hội mẫu hệ và mọi thứ do người phụ nữ làm chủ.

Vùng đất được ví như Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký xuất hiện ngoài đời thực-1
Nơi đây được ví như Nữ Nhi Quốc ngoài đời thực (Ảnh: Sohu).

Vùng đất này nằm ở nơi giáp ranh giữa các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Tây Tạng, nơi hai con sông lớn gồm Đại Độ và Nhã Lung giao nhau.

Phạm vi sinh sống của người Mosuo khá tương đồng với tài liệu ghi chép về Nữ Nhi Quốc trong "Đường Thư" - bộ sách lịch sử đầu tiên về triều đại nhà Đường.

Từ xa xưa, người phụ nữ Mosuo luôn đóng vai trò làm gia trưởng và tộc trưởng. Nơi đây vẫn gìn giữ xã hội mẫu hệ và cũng là duy nhất tại Trung Quốc ngày nay.

Vùng đất được ví như Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký xuất hiện ngoài đời thực-2
Người Mosuo vẫn giữ chế độ mẫu hệ (Ảnh: News).

Điểm tương đồng lớn nhất của người Mosuo và phụ nữ trong Nữ Nhi Quốc là đều không kết hôn. Còn điểm khác ở chỗ, vùng đất này không có sông Mẫu Tử - địa danh xuất hiện trong Tây Du Ký được tác giả Ngô Thừa Ân nhắc tới.

Vậy làm thế nào để phụ nữ Mosuo sinh con đẻ cái?

Người Mosuo có phong tục độc đáo gọi là "tẩu hôn". Hình thức này có nghĩa "nam không lấy vợ, nữ không gả chồng". Họ sống theo chế độ "hôn nhân" không có sự ràng buộc về kinh tế hay quy định của pháp luật.

Nếu nam và nữ yêu nhau, muốn ở bên nhau, họ chỉ cần nắm tay đi hết cầu Tẩu Hôn và được xem là nghi thức hẹn thề đính ước giữa họ.

Sau nghi thức này, người nam sẽ đến nhà người nữ ở. Nhưng khi trời sáng, anh ta sẽ trở về nhà mình. Con cái sinh ra vẫn sống chung với mẹ, mang họ của mẹ. Do không có sự ràng buộc nào, nên mối quan hệ có thể dừng lại bất cứ lúc nào nếu người phụ nữ không thấy phù hợp.

Vùng đất được ví như Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký xuất hiện ngoài đời thực-3
Cô gái trẻ người Mosuo ở Vân Nam, Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Tuy trong nhà người Mosuo không có bố, nhưng nếu có cậu thì người đàn ông này phải tham gia mọi hoạt động của gia đình, cùng chị gái hoặc em gái hỗ trợ nuôi dạy con cái, cùng nhau duy trì trật tự xã hội mẫu hệ.

Du khách tới đây có thể bắt gặp cảnh tượng chàng trai trèo qua ô cửa sổ vào phòng cô gái ở qua đêm. Hình ảnh này không phải là điều gây bất ngờ. Với những cặp đôi yêu nhau, họ thường hẹn trước ban ngày và tối đến sẽ gặp nhau tại phòng riêng của cô gái.

Nhiều du khách sẽ đặt câu hỏi, tại sao chàng trai phải trèo cửa sổ? Theo phong tục người Mosuo, nam giới không được phép đi vào từ cửa chính. Nhà tại đây được thiết kế cao hơn 10m, nên muốn hẹn hò, các chàng trai phải giỏi kỹ năng leo trèo.

Vùng đất được ví như Nữ Nhi Quốc trong Tây Du Ký xuất hiện ngoài đời thực-4
Cảnh thiên nhiên ở vùng đất của người Mosuo (Ảnh: Trip).

Người Mosuo được nhận xét là dân tộc "không để tâm nhiều tới tiền bạc, kinh tế". Họ quan trọng tình cảm nhiều hơn. Người dân tin rằng, mẹ là người chi phối mọi thứ trong gia đình và phải được kính trọng bậc nhất.

Kể từ khi khách du lịch tới vùng đất của người Mosuo từ năm 1990 đến nay, cuộc sống của họ có nhiều thay đổi. Các cô gái bắt đầu kết hôn với người ngoài và thay đổi lối sống mới. Họ về nhà chồng thay vì chỉ ở nhà mẹ đẻ như trước kia. 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/doi-song/vung-dat-duoc-vi-nhu-nu-nhi-quoc-trong-tay-du-ky-xuat-hien-ngoai-doi-thuc-20230714122835329.htm?fbclid=IwAR2Mp2pQvzf2Rej8QcqobDnKVWwK_ElIPe7O3EIZTDMVJHRH9ocxQ5-zr6E

du khách Du lịch Tây Du Ký

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao