Quân nhân gọi điện về cho người thân nói bị bắt nạt
Liên quan đến quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê tại khu Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong tại đơn vị, hiện cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.
Theo người nhà quân nhân này cho biết, Đô đăng ký nhập ngũ ngày 16/1 và thực hiện huấn luyện tại Bắc Giang. Đến giữa tháng 6, anh chuyển nơi huấn luyện đến Đại học quân sự Quân khu 1.
Quân nhân Trần Đức Đô tử vong tại đơn vị
"Hôm 27/6, Đô gọi điện về cho dì trong tình trạng khỏe mạnh, nói là bị đội trưởng bắt nạt nhưng dặn không được kể với bố mẹ. Đến chiều 28/6, đơn vị gọi về báo cháu đột tử. Nhưng sau đó một lúc thì lại gọi lại bảo cháu tự tử", người thân quân nhân Đô kể với Zing.
Sau khi nhận tin báo, gia đình Đô được đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên nhận thi thể con. Đến nơi, người nhà cho biết việc khám nghiệm tử thi đã hoàn tất.
"Khi nhận thi thể, gia đình phát hiện rất nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, lưng và ngực", người thân của anh Đô nói.
Gia đình vẫn chờ kết quả khám nghiệm
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Đức Hội, bố đẻ của quân nhân Trần Đức Đô (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, gia đình vẫn đang chờ đợi kết quả khám nghiệm tử thi.
Ông Hội nói thêm, chiều 29/6 các thủ tục tang lễ cho con trai đã xong nhưng người nhà quyết định chưa mai táng. Họ dự định tìm nơi nhận giữ thi thể cho đến khi vụ việc được làm sáng tỏ.
Gia đình đang chờ thông tin chính thức từ đơn vị nơi con nhập ngũ để biết chính xác về nguyên nhân con trai tử vong.
Gia đình tổ chức tang lễ cho quân nhân Trần Đức Đô nhưng vẫn chưa mai táng
Những vết bầm có thể do trong quá trình treo cổ, Đô giãy giụa, vùng vẫy
Trao đổi sáng 30/6, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn - Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng) cho biết - vụ việc quân nhân Đô tử vong đang chờ kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên bước đầu khẳng định, không có việc Đô bị đánh vì đơn vị đang huấn luyện ngoài thao trường.
Về các vết bầm trên cơ thể quân nhân này, Đại tá Thìn chia sẻ trên Dân Trí, có thể do trong quá trình treo cổ, Đô giãy giụa, vùng vẫy nên bị sợi dây thừng siết chặt, tạo vết hằn sâu ở cổ. Đồng thời theo thông tin ban đầu từ cơ quan pháp y, các vết xước trên cơ thể Đô không có tác động của ngoại lực.
"Đơn vị sẽ làm rõ và có trả lời rõ ràng về vụ việc của quân nhân Đô. Nếu giả sử nguyên nhân do 'mất đoàn kết', pháp luật và kỷ luật quân đội sẽ làm nghiêm, không có chuyện bao che, giấu giếm trong vụ việc này" - Đại tá Thìn khẳng định.
MT (t/h)
Theo Vietnamnet