Tôi là một nhân viên văn phòng, 29 tuổi và là mẹ của một bé trai 3 tuổi. Tôi không phải là một tín đồ mua sắm như cô nàng nào đó chẳng thể cưỡng nổi mỗi khi mùa sale đến hay sưu tập cả chục thỏi son trong khi hầu như chỉ sử dụng 1-2 thỏi quen thuộc.
Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng tôi khoảng 30 triệu. Con số này không lớn song nhìn chung tôi cũng không gặp áp lực gì nhiều trong việc chi tiêu. Tôi nghĩ mình đủ tỉnh táo để không chi tiền một cách bừa bãi.
Thế rồi một ngày nọ, tôi tình cờ gặp lại một người bạn hồi cấp 3 khi đang đi cà phê. Cô bạn tôi đã là mẹ của 2 đứa trẻ, thu nhập 2 vợ chồng cũng chỉ ngang vợ chồng tôi mà đã mua được chung cư Hà Nội. Tất nhiên giờ hai vợ chồng bạn vẫn còn một khoản nợ ở ngân hàng song chặng đường mà bạn đi qua đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
Tôi tự hỏi mình đã chi tiền vào đâu trong suốt những năm qua. Rõ ràng là tôi không bị nghiện mua sắm hay chi tiêu gì quá đắt đỏ. Tôi quyết định sẽ theo dõi chi tiêu trong 1 tháng như cách cô bạn tôi vẫn làm và chỉ một khoảng thời gian, tôi đã nhận ra những bài học thấm thía.
Theo dõi chi tiêu từ khoản nhỏ nhất
Tôi bắt đầu thử thách ghi chép chi tiêu từ ngày 1/3. Tôi chuẩn bị cho mình một cuốn sổ nhỏ xinh xắn để lấy thêm động lực.
Sự thật là những ngày đầu tiên, việc ghi chép lại từng khoản đã khiến tôi gặp khó khăn. Trước đây tôi chưa từng làm việc này nên nhiều lúc chi tiền ra mà quên không ghi lại cho tới khi vài ngày sau mới nhớ ra. Sau khoảng 4-5 ngày, tôi đã quen với việc ghi chép ngay cả những khoản nhỏ nhất.
Chỉ một cây bút và một cuốn sổ nhỏ, chưa bao giờ tôi nghĩ nó lại giúp ích cho mình trong việc điều chỉnh chi tiêu đến vậy. Cô bạn tôi từng chia sẻ bạn có thể theo dõi chi tiêu qua các ứng dụng song việc ghi chép bằng bút và giấy sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn. Việc tự tay đặt bút viết ra những con chữ, con số khiến ta nhận thức rõ ràng hơn về số tiền mình đang chi ra.
Và bạn có tin được không? Một người tự nhận là "đủ tỉnh táo" như tôi đã chi tới 3,2 triệu một tháng cho những khoản cà phê, trà sữa, ăn vặt, ăn hàng... Đó là chưa kể đến gần 1,5 triệu đồng đặt mua thông qua ứng dụng mua sắm. Sau khi xem lại 7 đơn hàng đã đặt, tôi nhận ra ngoài quần áo cho con còn là cơ số những sản phẩm tôi chưa hề động đến.
Những cuốn sách trên giá còn chưa đọc đến, đồ chơi của con thậm chí đóng thành bao tải nhưng tôi vẫn không ngại tha về. Mỗi món đồ chỉ có giá vài chục nghìn nên tôi đơn giản nghĩ rằng chúng đâu ảnh hưởng nhiều đến những gì mình có. Chỉ khi ghi chép lại, tôi mới giật mình vì có nhiều thứ mình tưởng vậy mà không phải vậy. Số tiền chi cho những khoản linh tinh kia thậm chí có thể bằng tiền ai đó chi tiêu trong cả tháng.
Sau một tháng tập tành ghi chép chi tiêu, tôi nhận ra việc này giúp tôi biết được đồng tiền của mình "đi" đâu. Đặt bút viết ra còn giúp tôi hình thành phản xạ, nhận thức rõ hơn về cách mình sử dụng tiền. Trong tháng đó, phần lớn tôi chi tiêu bằng tiền mặt để dễ bề kiểm soát hơn.
"Đắt xắt ra miếng", không mua hàng vì giá rẻ, mua theo cảm xúc
Bài học tiếp theo tôi nhận thức được sâu sắc chính là đừng bao giờ ham của rẻ hay mua sắm theo cảm xúc.
Ở ngay tuần đầu tiên, tôi đã mua cho con vài bộ quần áo theo phương châm "tiết kiệm là quốc sách". Trước đây tôi không nghĩ ngợi gì nhiều chuyện này nên thường chọn các sản phẩm có chất lượng tốt và tất nhiên giá cả cũng tương đương. Và tôi nhận ra sự thay đổi của mình chính là một sai lầm.
Quá quan tâm tới giá cả mà bỏ qua chất lượng sản phẩm là một sai lầm trong chi tiêu mà nhiều người mắc phải.
Chiếc áo giá rẻ tôi mua cho con vì thấy được giảm giá rất rẻ trên mạng đã phai màu ngay trong lần giặt đầu tiên. Lô quần chục thì mặc được vài lần là xù lông, trông rất chán. Tôi nhận ra bài học, nhất định đừng chăm chăm chỉ nhìn đến giá tiền mà không quan tâm tới giá trị sử dụng của sản phẩm.
Một sản phẩm "đắt xắt ra miếng", giá cao đi kèm với chất lượng tốt sẽ giúp ta sử dụng được lâu hơn, hạn chế được việc cần sửa chữa, thay mới...
Bên cạnh đó là bài học về việc chi tiêu theo cảm xúc. Khi dần quen với việc ghi chép, có những ngày tôi cảm thấy thật tuyệt khi nhìn sổ và tự mỉm cười: "Ồ! Hôm nay mình thật là tiết kiệm". Và ngay ngày sau đó, tôi đã tự thưởng cho mình một cốc trà sữa, đặt vài thứ trông có vẻ hay ho trên mạng.
Việc mua hàng theo cảm xúc còn khiến tôi mang về nhà những món đồ thực sự không cần thiết. Có lần hai vợ chồng mâu thuẫn vì chuyện dạy con, tôi đã rất bực chồng và chẳng biết làm cách nào để giải toả stress hơn việc mua sắm.
Tôi ghé vào siêu thị gần nhà, lấy chiếc xe đẩy rồi kéo đi, nhặt hàng trong tâm trạng lơ đễnh. Kết quả là tôi ra về với hoá đơn trị giá gần 700 nghìn đồng. Có những sản phẩm trong đó đến giờ tôi chưa động đến, vẫn nằm im một góc trong tủ.
Đừng quên tổng kết chi tiêu
“Tránh theo dõi tài khoản giống như tránh đến gặp bác sĩ khi bạn biết cơ thể mình có gì đó không ổn”, đó chính là tôi của những ngày trước đây. Tôi tự cho rằng mình không tiêu gì quá đáng, không phải kiểu người hay vung tay quá trán và chưa từng theo dõi, tổng kết chi tiêu.
Việc né tránh kiểm tra lịch sử giao dịch của thẻ tín dụng hay tổng kết chi tiêu trong sổ theo tuần/tháng sẽ khiến bạn không bao giờ nhìn ra những đồng tiền của mình đang đi đâu. Cách tốt nhất là hãy dám đối mặt, nhìn thẳng vào vấn đề, tổng kết chi tiêu thường xuyên để biết liệu mình đang có những khoản chi nào bất hợp lý và cần điều chỉnh.
Tôi đã tiết kiệm được một khoản lớn nhờ việc tự chuẩn bị đồ ăn, thức uống ở nhà.
Cô bạn cấp 3 chính là một điển hình sống về lợi ích của việc tổng kết chi tiêu. Cô ấy chia sẻ khoảng thời gian đầu khi mới làm quen với ghi chép chi tiêu, cô ấy sẽ tổng kết theo từng tuần để nhanh chóng có thể điều chỉnh những khoản chi đang không hợp lý của mình. Sau khi đã quen với việc này, cô ấy giãn dần thời gian tổng kết và giờ thì cô ấy thường tổng kết chi tiêu theo tháng.
Việc tổng kết chi tiêu thường xuyên đã giúp tôi lần đầu tiên biết được chính xác mình có bao nhiêu tiền, chi bao nhiêu cho ăn uống, bao nhiêu cho hoạt động giải trí. Sau 1 tháng ghi chép chi tiêu, tôi nhận ra mình đã tốn quá nhiều cho việc ăn hàng nên đã tập thay đổi thói quen đó bằng việc tự chuẩn bị đồ ăn, thức uống ở nhà.
Mày mò một lúc trên mạng, tôi nhận ra tự pha một cốc trà sữa không quá khó, món Dalgona cafe ngon chẳng kém cạnh những cốc cà phê 30 nghìn ngoài hàng. Tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà, tôi còn có thể cho con mình cùng tham gia. Thằng bé rất vui khi được cùng mẹ nấu nướng, làm bánh.
Lời cuối
Với tôi, việc ghi chép chi tiêu đã giúp tôi thay đổi thái độ với tiền bạc. Tôi biết chính xác mình đang có bao nhiêu tiền, đang chi tiền vào đâu và có thể tiết kiệm bằng việc cắt giảm những khoản nào. Tôi cũng không mua hàng một cách vô thức như trước đây nữa mà luôn cân nhắc liệu mình có thực sự cần sản phẩm đó.
Chi tiêu luôn là một bài toán không dễ dàng gì, đặc biệt với các chị em đóng vai trò "tay hòm chìa khoá" trong nhà. Đừng bao giờ nghĩ rằng những đồng lương ít ỏi của mình thì cần gì ghi chép chi tiêu hay đủ tiêu là tốt rồi, sao mà tiết kiệm được.
Thực tế là cùng một mức thu nhập, người này có thể chật vật, "làm bạn" với mì tôm khi cuối tháng đến trong khi người kia có thể sống thoải mái mà vẫn có khoản tiết kiệm. Quan trọng là hãy chi tiêu một cách hợp lý, bỏ từng đồng tiền ra một cách xứng đáng song đừng biến việc tiết kiệm trở thành nỗi ám ảnh.
Theo thoidaiplus