The Wild (2006) - 20%: Ông trùm Disney dường như đã “vay mượn” ý tưởng bộ phim Madagascar (2005) của DreamWorks cho The Wild (2006). Dự án bị đánh giá là một sai lầm lớn bởi sau khi ra mắt phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ giới phê bình. Còn khán giả đại chúng cũng lạnh nhạt với The Wild khi phim rốt cuộc gây lỗ tới 40 triệu USD.
Strange Magic (2015) - 18%: Trước khi ra rạp, tác phẩm hoạt hình Strange Magic từng được dự đoán sẽ trở thành bom tấn của Disney hồi 2015. Lấy cảm hứng từ vở A Midsummer Night’s Dream (Giấc mộng đêm hè) của đại văn hào Shakespeare, bộ phim do nhà sản xuất lừng danh George Lucas ấp ủ suốt 15 năm trời. Có phần hình ảnh kỹ xảo thuộc dạng tốt, nhưng phim bị đánh giá thấp bởi cốt truyện rời rạc và tạo hình nhân vật quá thiếu thân thiện.
A Troll in Central Park (1994) - 17%: Đây là một thất bại đáng quên của Warner Bros. Family Entertainment khi A Troll in Central Park vừa bị vùi dập bởi các nhà phê bình, vừa thất bại thảm hại tại phòng vé khi doanh thu nội địa chỉ đạt… 71.000 USD. Cốt truyện cũ kỹ, các tuyến nhân vật không được phát triển đồng đều, đồng thời có nhiều cảnh bạo lực không phù hợp với trẻ em, là những khuyết điểm mà tác phẩm mắc phải.
Free Birds (2013) - 17%: Bộ phim bắt đầu từ trang trại gà tây, nơi đám gà sống trong no đủ, được vỗ béo và bị huyễn hoặc về sự cống hiến cho ngày Lễ Tạ ơn. Reggie là chú gà tây duy nhất cho rằng mình thông minh, cười vào mũi đám còn lại và bị xa lánh. Đó cũng là lúc cậu cùng Jake phát hiện ra cỗ máy đi ngược thời gian, trở về quá khứ để thay đổi tập tục ăn thịt gà tây. Trên thực tế, doanh thu của Free Birds không tệ khi đạt khoảng 110 triệu USD. Nhưng phim không được lòng giới phê bình bởi sự nhàm chán đến từ các tình huống hài hước do bộ đôi nhân vật chính một béo một gầy, tạo ra.
Legends of Oz: Dorothy’s Return (2013) - 16%: Sau phiên bản live-action khá thành công, Huyền thoại xứ Oz tiếp tục trở lại với bộ phim hoạt hình Dorothy's Return. Về nội dung kịch bản, phim không có tính đột phá. Hình ảnh so với những bộ phim trước đó còn có phần hơi cẩu thả, đến mức có lúc lời thoại không khớp với cử động khuôn miệng của nhân vật. Phần hình ảnh 3D bị chê là giả tạo, và tất cả khiến Dorothy’s Return trở thành bộ phim đáng quên.
Ice Age: Collision Course (2016) - 15%: Bị đánh giá là “nỗ lực vơ vét tiền bạc đáng xấu hổ”, phần năm của loạt Ice Age nằm trong nhóm tác phẩm kém nhất của mùa phim hè 2016. Cốt truyện phim quá đơn giản và tiếp tục “sao chép” những gì đã diễn ra trong bốn tập Kỷ băng hà trước. Câu chuyện “ngăn chặn ngày tận thế” đã bớt hấp dẫn sau 14 năm, bởi đội ngũ biên kịch không thể phát triển thêm cá tính cho nhóm nhân vật chính. Có lẽ họ nên dừng khai thác Ice Age một thời gian, hay thậm chí là mãi mãi.
Hoodwinked Too! Hood vs. Evil (2011) - 11%: Hoodwinked Too! Hood vs. Evil do đạo diễn Mike Disa dàn dựng là phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình Hoodwinked! (2006). Khoảng cách 5 năm khiến khán giả nhí của phần đầu tiên đã lớn lên, không còn quan tâm đến câu chuyện trẻ con trước đó. Giới phê bình nhận định câu chuyện trong tập hai còn có phần lố bịch, với nhiều câu thoại hài hước vô nghĩa.
The Nut Job (2014) - 10%: Ra mắt năm 2014, The Nut Job là sản phẩm hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc có kinh phí lên tới gần 43 triệu USD. Nhưng sau khi xem xong phim, khán giả khó lòng có thể đọng lại điều gì từ phần nội dung nhàn nhạt của tác phẩm. Bất chấp điều đó, The Nut Job vẫn đạt doanh thu 120 triệu USD và chuẩn bị ra mắt phần hai trong tháng 8.
Norm of the North (2016) - 9%: Ngôi sao Rob Schneider lồng tiếng cho Norm - chú gấu Bắc Cực phát hiện ra ý đồ của một doanh nhân ngớ ngẩn, muốn xây dựng những ngôi nhà ngay tại nơi sinh sống của chú. Đó cũng là khởi đầu cho chuyến du lịch đến New York của Norm. Kịch bản phim bị chê là thiếu đặc sắc, không đủ dễ thương để lôi kéo trẻ em, không đủ trưởng thành để thuyết phục người lớn. Hậu quả là Norm of the North mau chóng chìm vào quên lãng.
The Emoji Movie (2017) - 8%: Ra mắt khán giả trên toàn thế giới trong mùa hè năm nay, The Emoji Movie gây xôn xao dư luận khi phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ giới phê bình, thậm chí đạt điểm 0% trên Rotten Tomatoes sau 22 bài bình luận đầu tiên. Bất chấp điều đó, phim vẫn thu 25,7 triệu USD tại Bắc Mỹ sau ba ngày đầu trình chiếu. Nhìn chung, việc The Emoji Movie sở hữu cốt truyện “xào nấu” là có thật, nhưng sự sáng tạo về mặt hình ảnh giúp bộ phim không đến nỗi thuộc hàng thảm họa.
Theo Zing