Ngày 27/11/2023, Quốc hội khoá XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước với nhiều ý kiến tán thành và Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.
10 điểm mới của Luật Căn cước
1. Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3).
2. Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46):
Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
3. Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46):
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.
4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18):
Thẻ căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.
5. Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19):
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23):
Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi.
7. Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30):
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên.
Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
8. Bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử (Điều 31 và Điều 33):
Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID).
Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
9. Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23):
Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.
10. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 22):
Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.
Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Việc sử dụng thẻ căn cước mới mang lại lợi ích gì?
Thẻ căn cước có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác), tạo thuận lợi và tiện tích cho người sử dụng. Do đó, thẻ căn cước sẽ giúp công dân thực hiện hầu hết các giao dịch, các thủ tục hành chính (không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí); có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống.
Luật Căn cước quy định mỗi công dân có 01 căn cước điện tử; Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Việc cấp thẻ căn cước công dân là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Số thẻ căn cước công dân chính là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân.
Với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Luật Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân khi ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Thẻ Căn cước có tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ Căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống