Trần Cẩm Hồng - Xa Thi Mạn (Tuyết sơn phi hồ - 1999): "Tuyết sơn phi hồ" năm 1999 do đài TVB của Hong Kong sản xuất. Phiên bản bị người hâm mộ tiểu thuyết gốc chỉ trích khá nhiều khi kết hợp nội dung của hai bộ truyện "Tuyết sơn phi hồ" cùng Phi hồ ngoại truyện nhưng loại bỏ nhiều nhân vật như Trình Linh Tố, Mã Xuân Hoa. Tuy nhiên, bản dựng của đài TVB lại được lòng khán giả xem truyền hình. Nhờ Tuyết sơn phi hồ, Trần Cẩm Hồng và Xa Thi Mạn nhận được sự yêu mến cuồng nhiệt, tạo bước tiến mới cho sự nghiệp tại thị trường Hong Kong. Đặc biệt, với Xa Thi Mạn, đây là tác phẩm giúp Á hậu Hong Kong 1997 rũ bỏ cái mác "bình hoa di động".
Trương Trí Lâm (Anh hùng xạ điêu - 1994): Trương Trí Lâm sinh năm 1971, xuất thân là ca sĩ trước khi lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất. Vào thập niên 1990, anh được coi là mỹ nam hàng đầu nhờ gương mặt thư sinh, nụ cười tươi tắn và lúm đồng tiền duyên dáng. Tuy nhiên, khả năng diễn xuất của anh không quá nổi trội, không tại nhiều ấn tượng dù bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh từ năm 1992. Vai Quách Tĩnh trong "Anh hùng xạ điêu" được đánh giá là điểm sáng giúp Trương Trí Lâm vụt sáng. Đây cũng là vai diễn nổi bật nhất trong 26 năm sự nghiệp của nam diễn viên TVB.
La Gia Lương (Anh hùng xạ điêu - 1994): Cũng trong bản "Anh hùng xạ điêu" 1994, nam diễn viên La Gia Lương vụt sáng trở thành ngôi sao nổi bật của đất cảng thơm. Anh gia nhập làng giải trí từ sớm nhưng gặp phải nhiều lận đận khiến sự nghiệp không khởi sắc. Nhờ vai Dương Khang, La Gia Lương trở thành một trong những diễn viên TVB hiếm hoi nổi tiếng từ vai phản diện. Khuôn mặt điển trai, nam tính, mang theo khí chất nửa tà nửa chính được đánh giá là phù hợp hoàn hảo cho nhân vật bán nước cầu vinh.
Trần Tiểu Xuân (Lộc đỉnh ký - 1998): Trước khi đến với "Lộc đỉnh ký", Trần Tiểu Xuân chỉ là diễn viên vô danh. Anh vấp phải sự phản đối của khán giả khi nhận vai Vi Tiểu Bảo với lý do ngoại hình quá kém sắc. Tuy nhiên, bản chuyển thể năm 1998 bất ngờ thu nhận sự ủng hộ lớn nhờ giữ nguyên vẹn tinh thần của tiểu thuyết gốc. Trần Tiểu Xuân thừa nhận Lương Triều Vỹ (phiên bản 1984) đã để lại cái bóng quá lớn cho nhân vật Vi Tiểu Bảo khiến anh không thể vượt qua. Nhưng Trần Tiểu Xuân vẫn nhận được nhiều sự yêu mến và vươn lên hàng ngũ ngôi sao triển vọng. Diễn viên Hong Kong tuyên bố nhà văn Kim Dung chính là là người có công lớn giúp anh thành danh.
Lý Á Bằng (Tiếu ngạo giang hồ - 2001): Lý Á Bằng không phải sự lựa chọn đầu tiên cho vai diễn Lệnh Hồ Xung trong "Tiếu ngạo giang hồ" bản năm 2000. Anh được chọn một cách gấp gáp nhằm thay thế chỗ trống của tài tử Thiệu Binh. Trước đó, Lý Á Bằng chỉ là diễn viên trẻ với những vai phụ mờ nhạt. Với vai diễn kiếm khách có tính cách phóng khoáng Lệnh Hồ Xung, nam diễn viên có được bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp. Anh bước lên hàng ngũ ngôi sao của dòng phim kiếm hiệp và tiếp tục nhận vai chính trong "Anh hùng xạ điêu" (2003) cùng nhiều tác phẩm khác.
Cổ Thiên Lạc (Thần điêu đại hiệp - 1995): Năm 1995, khi được chọn vào vai Dương Quá, Cổ Thiên Lạc chỉ là một người mẫu ảnh vừa mới "dạm ngõ" ngành điện ảnh. Công chúng không quá kỳ vọng vào vai diễn Dương Quá do anh thể hiện, bởi vào thời điểm này tài tử người Hong Kong có kỹ năng diễn xuất khá non nớt. Người hâm mộ đánh giá Cổ Thiên Lạc chỉ hoàn thành tròn trịa vai diễn, không tạo ấn tượng quá sâu sắc. Nhưng với "chàng Dương Quá", đây chính là thành công vượt bậc và giúp anh thay đổi cuộc đời. Sau "Thần điêu đại hiệp", Cổ Thiên Lạc được xếp vào hàng ngũ sao trẻ được săn đón nhất showbiz Hong Kong.
Lý Nhược Đồng (Thần điêu đại hiệp -1995): Bạn diễn của Cổ Thiên Lạc trong "Thần điêu đại hiệp" 1995 - Lý Nhược Đồng - cũng là một tân binh. Trước khi nổi tiếng nhờ vai Tiểu Long Nữ, cô là tiếp viên hàng không và thi thoảng tham gia diễn thời trang và đóng vai phụ trong vài tác phẩm điện ảnh. Đạo diễn Lý Thiêm Thắng của bản phim 1995 đã dành nhiều công sức để tìm được nữ diễn viên có khả năng vượt qua danh tiếng quá lớn của Trần Ngọc Liên (Thần điêu đại hiệp 1983). Ông quyết định trao vai diễn cho Lý Nhược Đồng dù cô chưa có nhiều kinh nghiệm. Kết quả, "Cô cô" của nữ diễn viên họ Lý thực sự trở thành hình tượng kinh điển cả về sắc đẹp lẫn diễn xuất.
Lưu Diệc Phi (Thiên long bát bộ - 2003): Bộ phim "Thiên long bát bộ" bản 2003 được ghi hình từ năm 2002 với dàn diễn viên trẻ tiềm năng như Lâm Chí Dĩnh, Lưu Diệc Phi, Lưu Đào, Trần Hảo... Trong số đó, Lưu Diệc Phi là người gây tò mò nhất cho công chúng. Khi được giao vai người trong mộng của Đoàn Dự (Lâm Chí Dĩnh đóng), cô chưa đầy 16 tuổi. Nhà văn Kim Dung từng tuyên bố Lưu Diệc Phi chính là Vương Ngữ Yên xinh đẹp thoát tục mà ông tưởng tượng ra. Đây cũng là vai diễn đầu tiên đưa tên tuổi của mỹ nữ họ Lưu đến với khán giả. Cũng từ đây, cô được gọi là "thần tiên tỷ tỷ", biệt danh của nhân vật Vương Ngữ Yên trong tác phẩm.
Dương Mịch (Thần điêu đại hiệp - 2006): Thần điêu đại hiệp bản dựng 2006 đã giúp Lưu Diệc Phi thoát khỏi danh hiệu diễn viên nhí cô mang trên vai nhiều năm. Nhân vật Quách Tương do cô đảm nhận cũng được bình chọn là vai diễn thành công nhất trong tất cả các phiên bản của "Thần điêu đại hiệp". Dương Mịch được khen ngợi khắc họa trọn vẹn và xuất sắc nét ngây thơ, trong sáng nhưng rất quyết đoán và chung tình của Quách Tương. Hiện, nữ diễn viên là một trong những hoa đán quyền lực nhất ngành giải trí Hoa ngữ. Cô còn ghi dấu ấn qua nhiều tác phẩm truyền hình ăn khách khác như "Cung tâm kế, Cung tỏa tâm ngọc, Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa"...
Theo Zing