1. Mua hoa/cây cảnh
Đầu tiên, tập tục không thể thiếu mỗi khi xuân về là đi chợ Tết mua hoa cảnh. Nếu như ở miền Nam, người dân đón Tết với cái nắng xuân ấm áp và những cành mai tươi tắn sắc vàng thì ở miền Bắc vẫn có những bông hoa đào khoe sắc thắm để xua tan cái không khí lạnh lẽo xứ Bắc.
Với quan niệm rằng sau đêm giao thừa nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép, ba lớp trên đài và mang hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.
Mua hoa/cây cảnh để may mắn đầu năm
Nhiều gia đình lại thích trồng cây quất vào dịp Tết để có đủ tứ quý trong nhà. Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn suốt cả năm.
2. Để hoa nở dịp đầu năm
Hoa mai, hoa đào, hay bất cứ loại hoa nào nở đúng vào mùng 1 Tết cũng được xem là điềm lành trong năm mới.
Nếu nhà bạn có mai hay đào, có thể nghiên cứu các cách lặt lá, bón phân đúng cách để hoa nở đúng vào dịp Tết, hoặc bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của những chuyên gia cây cảnh.
Nếu không, bạn chỉ cần mua chậu đất nhỏ và đến các tiệm hoa tươi để được tư vấn các loại cây non nở hoa đúng vào dịp Tết.
3. Không dùng dao, kéo vào mùng 1 Tết
Người ta tin rằng các vật nhọn như dao, kéo mang đến điềm xui. Chặt thịt, cắt đồ ăn vào dịp đầu năm có thể vô tình cắt cụt dòng chảy của sự may mắn. Vậy nên, hãy hạn chế sử dụng dao, kéo hay các vật nhọn để cắt, chặt đầu năm mới.
4. Uống nước cam
Cam và quýt là các loại trái cây mang đến điềm lành trong tín ngưỡng phương Đông. Chúng có màu tươi sáng, và là biểu tượng cho vàng, nên hãy uống một ly “vàng” vào ngày đầu năm, vừa may mắn vừa tốt cho sức khỏe.
Cam và quýt là các loại trái cây mang đến điềm lành
5. Mặc đồ mới
Quần áo mới tượng trưng cho những điều mới mẻ, thể hiện ước muốn rằng nhiều bước phát triển mới sẽ đến với bạn trong năm mới. Tùy theo bản mệnh, bạn có thể sử dụng màu sắc để ‘kéo’ thêm hên cho năm mới: như người mệnh Kim hợp với màu vàng, trắng; người mệnh Hỏa hợp màu đỏ…
6. Dẹp bỏ nỗi tức giận và sự lo lắng
Nỗi lo sợ, lo lắng đều được xem là những năng lượng xấu. Tết là thời điểm để ăn mừng, do đó hãy giải phóng bản thân khỏi mọi lo toan, mọi nỗi giận trong năm cũ để đón một năm mới tốt lành hơn; tránh để cho những năng lượng không tốt ảnh hưởng đến vận may đầu năm.
7. Thăm mộ tổ tiên
Con cháu thường đi thăm mộ tổ tiên từ khoảng 23 đến 30 tháng chạp, sửa sang, dọn dẹp để bày tỏ lòng hiếu thảo và mời vong linh tổ tiên về với con cháu. Nhiều người tin rằng làm như thế, tổ tiên đã khuất sẽ phù hộ độ trì, ban nhiều may mắn cho con cháu.
8. Xông đất
Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt Nam vì có quan niệm cho rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình.
Vì thế, gia chủ thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đát vì họ tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập.
9. Mừng tuổi
Ngày Tết, người Việt Nam có phong tục lì xì cho trẻ em. Với ý nghĩa ban đầu của việc lì xì giúp xua đuổi tà ma thì việc mừng tuổi bằng phong bao lì xì màu đỏ còn tượng trưng cho việc chúc nhau sự may mắn, đoàn viên, mong ước hạnh phúc sẽ đến cho năm mới.
Lì xì trẻ em là cách để trao mong ước hạnh phúc vào dịp đầu năm
10. Mua muối đầu năm
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình.
Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ họ hàng, làng xóm và quan hệ làm ăn.
Vì vậy, sáng mùng 1 Tết ở Hà Nội vẫn thấy có người rao muối dạo và người Hà Nội thường mua vài đồng muối lấy may. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.
Theo Thời đại