Hiện tại, mọt phim Việt gần như có đủ lượng phim truyền hình để xem cả tuần vì toàn những phim chất lượng: Mộng Phù Hoa (thứ 2 - thứ 3), Cả Một Đời Ân Oán (thứ 4 - thứ 5), Tình Khúc Bạch Dương (thứ 5 - thứ 6) và Nếu Còn Có Ngày Mai (thứ 7 - Chủ Nhật). Có một sự trùng hợp nhẹ khi mà 10 năm trước, truyền hình Việt cũng có nhiều phim gây chú ý.
2008 được đánh giá là một năm "bội thực" của phim truyền hình Việt Nam với hàng loạt những tác phẩm đình đám lên sóng phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ. Cùng những bộ phim về đề tài nông thôn, hình sự quen thuộc, rất nhiều phim về cuộc sống của giới trẻ hiện đại cũng được ra mắt và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả.
1. Bỗng Dưng Muốn Khóc – Câu chuyện hoàng tử - lọ lem và bộ phim "đinh" của điện ảnh 2008
Không ngoa khi nói rằng Bỗng Dưng Muốn Khóc là bộ phim đình đám nhất năm 2008. Thậm chí đến ngày hôm nay, đứa con tinh thần của đạo diễn Võ Ngọc Đãng vẫn được nhắc đến như một dấu ấn mạnh mẽ của truyền hình Việt. Phim có sự góp mặt của cặp "tiên đồng ngọc nữ" Lương Mạnh Hải – Tăng Thanh Hà cùng dàn diễn viên phụ và cameo hùng hậu như: Hiếu Hiền, Thanh Thủy, ca sĩ Thủy Tiên, Chí Thiện,…
Lương Mạnh Hải – Tăng Thanh Hà trong "Bỗng Dưng Muốn Khóc"
Dễ nhận thấy Bỗng Dưng Muốn Khóc thành công một phần cũng nhờ vào nội dung khá độc đáo so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt thời kì đó. Thập kỉ trước, phim truyền hình Việt vẫn chủ yếu xoay quanh đề tài nông thôn, thời chiến hoặc hình sự. Thế nên sự xuất hiện của một bộ phim về tình yêu hoàng tử - lọ lem cùng cách khai thác trẻ trung, gần gũi với giới trẻ dễ dàng chiếm được thiện cảm của khán giả.
Chuyện phim xoay quanh Trúc (Tăng Thanh Hà) – một cô gái 18 tuổi xinh đẹp, cá tính, luôn mặc dài trắng, sống bằng nghề bán sách nhưng lại không biết chữ cùng Nam (Lương Mạnh Hải) – công tử giàu có bị bố mẹ đẩy ra ngoài xã hội để học cách tự lập. Suốt 10 năm, câu chuyện hoàng tử - lọ lem dù vương bụi thời gian nhưng vẫn là thanh xuân rực rỡ của điện ảnh Việt.
2. Cô Gái Xấu Xí – Bộ phim remake hiếm hoi của điện ảnh đương thời
Cùng với Bỗng Dưng Muốn Khóc, Cô Gái Xấu Xí đã hoàn thành ấn tượng vai trò thổi một làn gió mới vào truyền hình Việt thập kỉ trước. Đây là một trong số những bộ phim remake đời đầu của điện ảnh nước ta và lập tức gây chú ý ngay từ những tập phim đầu tiên.
Dàn diễn viên của Cô Gái Xấu Xí cũng toàn những gương mặt đình đám không kém phần Bỗng Dưng Muốn Khóc. Phim là cú bứt phá trong sự nghiệp điện ảnh của NSƯT Ngọc Hiệp, Lan Phương, cố diễn viên – ca sĩ Minh Thuận, "chân dài" Phi Thanh Vân và là sự trở lại đầy ấn tượng của "biểu tượng phong độ" Chi Bảo.
"Cô Gái Xấu Xí" quy tụ những tên tuổi đình đám
Bộ phim xoay quanh Huyền Diệu (Ngọc Hiệp) – cô nàng thông minh, tài giỏi nhưng thất nghiệp bởi nhan sắc quá xấu xí của mình. May mắn thay, chàng tổng giám đốc điển trai An Đông (Chi Bảo) đã nhận cô làm trợ lý. Từ đây, Huyền Diệu vướng phải không ít những rắc rối trong chuyện công việc, tình yêu và hành trình nhận ra giá trị của bản thân.
3. Chít và Pi – Kí ức sôi động cùng dòng phim tuổi teen
Chít và Pi là bộ phim truyền hình dành cho tuổi teen phát hành năm 2008. Bộ phim đã từng làm mưa làm gió suốt một thời gian dài vì nội dung thú vị, dàn diễn viên toàn những hot teen đình đám cùng gu thời trang sành điệu.
Chít và Pi gây chú ý bởi dàn hot teen và gu thời trang sành điệu
Phim xoay quanh Chít (Hạ Hồng Vân) và Pi (Phạm Thanh Hòa) – hai người bạn thân với tính cách trái ngược cùng hành trình đưa phụ huynh về cùng một nhà. Dưới lăng kính tuổi teen hồn nhiên, bộ phim mang tới những cảm xúc trong lành về thời áo trắng mộng mơ, tình bạn, tình yêu và tình cảm gia đình.
Ngoài Hạ Hồng Vân và Phạm Thanh Hòa, phim còn có sự góp mặt của những gương mặt trẻ đình đám thời điểm đó như: Tăng Nhật Tuệ, Huỳnh Minh Thủy,... Đến nay, sau 10 năm, bộ phim vẫn được nhắc lại cùng những dư âm tốt đẹp trong lòng khán giả và là một trong số những "tượng đài" của dòng phim Việt dành cho tuổi teen.
4. Gió Làng Kình – Câu chuyện nông thôn Việt chẳng phải của riêng ai
Gió Làng Kình là bộ phim xoay quanh cuộc sống người nông dân – đề tài quen thuộc của truyền hình Việt Nam thập kỉ trước. Phim phản ánh về nông thôn Việt Nam những năm đầu đổi mới, gói gọn trong một miền quê Bắc Bộ. Chuyện phim chỉ xoay quanh một vấn đề tưởng chừng rất nhỏ như bầu trưởng thôn nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người nông dân bởi những tranh đấu, đoạt quyền đã làm đảo lộn cả một vùng quê thanh bình.
"Gió Làng Kình" xoay quanh câu chuyện tưởng chừng đơn giản như bầu trưởng thôn
Dù là một đề tài quen thuộc của phim truyền hình thời điểm đó nhưng Gió Làng Kình vẫn có chỗ đứng của riêng mình. Phim phản ánh câu chuyện không của riêng ai cùng cách khai thác mới mẻ, không ngại vạch trần những chiêu trò của những kẻ "nắm quyền sinh sát".
Gió Làng Kình cũng được thực hiện bởi một ekip toàn những gương mặt quen thuộc của thời điểm đó. Phim được "cầm trịch" bởi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần – người "chuyên trị" đề tài nông thôn cùng dàn diễn viên từng gây ấn tượng trong Ma Làng, Đất Và Người như Bùi Bài Bình, Hồng Sơn, Công Lý,…
5. Chạy Án cùng màn đốt ổ cứng giải cứu dữ liệu để đời
2008 là một năm thành công của phim truyền hình Việt Nam nhưng lại vắng bóng những tác phẩm hình sự ấn tượng. Chạy Án là một trong số những phim hình sự hiếm hoi năm 2008 nhận được nhiều lời khen của khán giả và giới chuyên môn.
"Chạy Án" là bộ phim hình sự được đánh giá cao của năm 2008
Chạy Án thuộc series phim truyền hình Cảnh Sát Hình Sự, tiếp nối sự thành công của phần 1 vào năm 2006. So với phần 1, nhịp phim phần 2 nhanh hơn hẳn cùng những cuộc tranh đấu tâm lý rất khốc liệt và căng thẳng.
Ngoài nội dung ấn tượng cùng khá nhiều chi tiết phản ánh vấn đề thời sự nóng hổi, Chạy Án còn gây sốt bởi dàn diễn viên chất lượng cùng những tên tuổi quen thuộc của dòng phim hình sự như: Nguyễn Hải, Việt Anh, Hồng Sơn,… Một số chi tiết ấn tượng còn được cư dân mạng liên tục đem ra "mổ xẻ" như trong phim có sự xuất hiện của 1 con hổ thật nặng hơn 30kg và đặc biệt là màn đốt ổ cứng để cứu dữ liệu của hacker Cao Thanh Lâm (Việt Anh).
Sao nào, bạn vẫn nhớ 5 bộ phim đình đám này chứ? Còn nhớ tức là bạn đã... già rồi đấy!
Theo Helino