12 kỳ quan thế giới trông như sản phẩm của phần mềm chỉnh ảnh

Có nhiều kỳ quan trên thế giới mà phải tận mắt nhìn thấy bạn mới dám khẳng định đó không phải là sản phẩm của phần mềm chỉnh sửa ảnh.

1. Núi Cầu vồng Vinicunca, Peru

Núi Cầu vồng là một trong những tuyệt tác của thiên nhiên ở Peru khiến du khách ngẩn ngơ mỗi khi ngắm nhìn. Dân địa phương gọi núi này với cái tên Vinicunca, có nghĩa là "Núi bảy màu".

Ngọn núi Vinicunca thuộc dãy núi Andes, nằm ẩn mình ở vùng Ausengate của Peru, cách Cusco vài giờ lái xe và sở hữu màu sắc tự nhiên rất độc đáo với nhiều dải màu khác nhau.

Để có thể đặt chân tới ngọn núi này, du khách phải bắt đầu leo từ núi Ausangate, hành trình thông thường phải mất tới 6 ngày. Núi Cầu vồng cao hơn 4.800 m so với mặt nước biển vì vậy bạn nên mang theo diamox (thuốc điều trị tăng nhãn áp), ibuprofen (thuốc giảm đau hạ sốt) và bình oxy khi thực hiện hành trình này.

2. Hồ nước nóng Grand Prismatic, Công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ

Grand Prismatic Spring là một hồ nước nóng nằm trong khu Midway Geyser Basin thuộc Vườn quốc gia Yellowstone. Đây là hồ nước nóng có diện tích lớn nhất nước Mỹ (đường kính 90 m, sâu 50 m) và lớn thứ ba trên thế giới sau Frying Pan Lake ở New Zealand và Boiling Lake ở Dominica.

Vào mùa xuân, hồ nước nóng này là một bức tranh sống động đầy sắc màu, có khi là cam, đỏ, vàng, lúc lại là xanh lá cây hay xanh da trời. Nhiệt độ trung bình của hồ nước là 87 độ C. Vì nhiệt độ nước ở hồ quá nóng nên không có sinh vật nào sống được nhưng ở phía bờ hồ mát mẻ hơn, vẫn có vi sinh vật phát triển tốt, tạo nên hiện tượng đổi màu nước rất độc đáo.

3. Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ

Thung lũng nấm Cappadocia, vùng núi đá tại Thổ Nhĩ Kỳ được xem là "độc nhất vô nhị" trên hành tinh. Ngôi làng Achisar với nét kiến trúc độc đáo: cầu xây bằng đá, quán bar nằm trong hang đá, đường lát bằng đá, nhà xây trong hang động bằng đá, đồ dùng gia đình cũng bằng đá là những điểm nhấn tiêu biểu giúp lượng khách du lịch đến Cappadocia tăng nhanh chóng hai thập kỷ qua.

Cappadocia là khu vực được hình thành từ dung nham núi lửa hàng triệu năm trước. Sự hình thành những cây nấm hay các ống khói khổng lồ bằng đá này bắt nguồn từ dòng dung nham núi lửa phun trào trên bề mặt và bị đông cứng. Lớp bề mặt tiếp xúc ngay với không khí và chuyển màu xám đen, lớp bên dưới gọi là đá mềm và gần như không bị khí oxy tác động.

Qua hàng nghìn năm, theo tác động của tự nhiên, nhất là những cơn mưa và gió thổi qua thung lũng, lớp đá mềm bên dưới đã bị xói mòn. 

4. Bryce Canyon, Mỹ

Bryce Canyon nằm trong công viên quốc gia, ở phía Tây Nam của tiểu bang Utah, Mỹ, một địa danh du lịch ấn tượng gắn liền với các câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn. Đây là một thung lũng với nhiều hình thù kỳ dị được tạo thành từ đất đá pha cát qua nhiều ngàn năm bị xói mòn bởi nước, gió và băng (được gọi là Hoodoo) với màu chủ đạo là đỏ, cam và trắng.

Mặc dù cảnh quan đặc biệt này có thể được tìm thấy ở các vùng khác của Mỹ, chẳng hạn như Colorado và Northern Great Plains, nhưng thung lũng đá đỏ dày đặc của Bryce Canyon vẫn đem lại cho du khách một tầm nhìn hùng vĩ rất nhiều, tương đồng với cảnh quan tuyệt vời của miền tây nam. 

5. Cánh cổng địa ngục Darvaza, Turkmenistan

Turkmenistan là một quốc gia rất giàu khoáng sản, với 70% diện tích là sa mạc (nổi tiếng nhất là sa mạc Karakum).

Năm 1971, các kỹ sư địa chất Liên Xô vô tình tạo ra hố lửa khi thăm dò địa hình tại sa mạc Karakum. Máy khoan thăm dò đã khoan nhầm một hang ngầm chứa khí gas ở khu vực này, khiến các kỹ sư phải đốt lửa để ngăn chặn quá trình rò rỉ khí metal độc hại. Tuy nhiên, ngọn lửa đã không được dập tắt theo như mong muốn mà tiếp tục cháy kể từ đó cho đến nay.

42 năm qua, hố gas Darvaza được gọi bằng một cái tên mới là "Cánh cổng địa ngục". Nhiệt độ của miệng hố lên tới 400 độ C. Năm 2014, George Kourounis, 44 tuổi, một nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới, đã trở thành người đầu tiên đi vào "Cánh cổng địa ngục".

6. Ghềnh đá đĩa Giant’s Causeway, Bắc Ireland

Ghềnh đá đĩa khổng lồ (Giant Causeway) ở County Antrim, bờ biển phía Đông Bắc Ireland có cảnh quan tuyệt đẹp, gồm khoảng 40.000 cột đá bazan cao lớn, hầu hết là hình lục giác, với những khối đá thất giác hay bát giác xen kẽ. Khối đá cao nhất có kích thước lên tới 39 feet (khoảng 12 m).

Người dân Ireland truyền tụng một truyền thuyết cổ xưa lý giải sự hình thành của thắng cảnh này. Theo đó, người khổng lồ Scotland, Ailen Benandonner và Finn MacCumhaill - những người đã chiến đấu trên đại dương rồi để lại những tàn dư của trận đánh trên bờ biển, được cho là nguồn gốc tạo nên cảnh tượng kỳ lạ này.

Còn theo khoa học, ghềnh đá đĩa Giant’s Causeway được tạo ra bởi núi lửa phun trào, dòng nham thạch gặp nước biển, đông cứng lại, tạo thành những hình dạng như chúng ta nhìn thấy và tồn tại hàng triệu năm. Giant’s Causeway đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1986.

7. Hang động đá cẩm thạch Marble Caves, Chile

Marble Cave hay còn được gọi với tên khác là Marble Cathedral, tọa lạc tại hồ General Carrera, hồ nước ngọt lớn thứ hai của vùng Nam Mỹ ở Pantagonia, Chile. Hang động đẹp có một không hai này cuốn hút du khách bởi làn nước trong màu xanh ngọc bích cùng hệ thống hang động khổng lồ kỳ vĩ.

Bức tường của những hang động là đá cẩm thạch tuyệt đẹp, vùng nước biển phía dưới có màu sáng xanh. Tất cả đều góp phần tạo nên một quần thể động đá lung linh, kỳ diệu, gây ấn tượng cực mạnh với du khách.

Cách duy nhất để đi tới Marble Caves là di chuyển bằng thuyền. Không giống như những hang động khác khi bạn có thể khám phá hang động bằng cách tản bộ trên những con đường trong hang, ở Marble Caves, cuộc phiêu lưu chỉ có thể diễn ra hoàn toàn dưới nước. Thời gian đẹp nhất để khám phá hang động này là vào mùa thu (từ tháng 4 đến tháng 6) khi mực nước ở mức thấp nhất.

8. Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia

Cánh đồng muối lớn nhất thế giới, Salar de Uyuni, là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của Bolivia, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. Salar de Uyuni (10.582 km2) tọa lạc tại vùng Potosi và Oruro thuộc miền Tây Nam Bolivia và nằm ở độ cao hơn 3.600 m so với mực nước biển.

Khoảng 4.000 năm trước, khu vực này là một phần của hồ nước mặn Minchin, sau đó hồ cạn, tạo nên hai cánh đồng muối lớn. Nhiều người gọi nơi này là sa mạc, bởi muối ở đây mịn và nhiều như cát. Vào mùa khô, Salar de Uyuni phủ đầy muối khô, xe cộ có thể đi lại trên đó. Tới mùa mưa, những khu hồ lân cận tuôn nước tràn vào khiến hai sa mạc biến thành biển muối mênh mông.

Cảm nhận đầu tiên của bất kỳ du khách nào khi đặt chân lên cánh đồng muối này chính là sự ngỡ ngàng và thích thú, bởi nơi đây trông giống như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời và khung cảnh thiên nhiên.

9. Núi lửa Dallol, Ethiopia

Nằm trong sa mạc Danokil, ở phía đông bắc Ethiopia, miệng núi lửa Dallol được xem là một khu vực khá bất thường, ít được biết đến và hiếm người viếng thăm. Cảnh quan kỳ ảo này là một trong những điểm thấp nhất và nóng nhất trên trái đất. Nhiệt độ trung bình hằng ngày là 41 độ C và nằm ở độ cao khoảng 410 feet (khoảng 125 mét) so với mực nước biển.

Màu sắc tươi sáng và rực rỡ xuất hiện xung quanh khu vực miệng núi lửa như màu trắng, vàng, đất son, xanh lá cây và đỏ là do có sự kết hợp của những con suối nước nóng, núi lưu huỳnh, hồ axit, hồ oxit sắt, lớp muối ẩn bên dưới sa mạc Danakil cùng với một số khoáng chất khác tạo nên một địa hình độc đáo như ngày nay, được xem là một trong những địa hình kỳ lạ nhất trên thế giới.

10. Vườn quốc gia Tsingy de Bemaraha, Madagascar

Khu bảo tồn thiên nhiên Tsingy de Bemaraha rộng 1.500 km2, nằm gần bờ biển phía tây của Madagascar, trong khu vực Melaky. Cấu trúc đá độc đáo này được hình thành qua thời gian và ngày nay trở thành một phần quan trọng của vườn quốc gia Tsingy de Bemaraha.

Năm 1990, khu bảo tồn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Khách du lịch không chỉ bị thu hút bởi cảnh quan độc đáo của rừng đá mà còn bị thu hút bởi hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú. Đây là môi trường sống lý tưởng và duy nhất của loài tắc kè hoa quí hiếm, đại bàng săn cá Madagasca và nhiều loài vượn cáo…

11. Hồ nước hồng Hillier, Tây Australia

Hồ Hillier là một hồ nước màu hồng nằm trên đảo Middle - hòn đảo lớn nhất trong số các hòn đảo trên quần đảo Recherche, Tây Australia. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Hillier trông như một chiếc bong bóng kẹo cao su được thổi phồng lên. Điều đó đã khiến hồ Hillier trở nên vô cùng đặc biệt.

Không giống như các hồ nước màu hồng trên thế giới như hồ ở Retba và hồ muối ở Vịnh San Francisco, các nhà khoa học vẫn chưa xác định màu hồng của Hillier là do đâu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học suy đoán rằng, màu hồng của hồ được tạo bởi các loài sinh vật Dunaliella Salina và Halobacteria.

Giả thuyết khác lại cho là do một loài vi khuẩn màu đỏ trong lớp vỏ muối tạo nên. Màu sắc này cũng không phải là tác phẩm từ ánh sáng mặt trời, bởi người ta đã lấy một thùng nước từ hồ và màu hồng vẫn giữ nguyên dù xê dịch vị trí thùng.

12. Thung lũng Hoàng Long, Trung Quốc

Khu thắng cảnh Hoàng Long nằm ở khe núi Hoàng Long, thuộc huyện Tùng Phan, châu A Bá, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Nổi tiếng với những vùng hồ lấp lánh sắc màu, những ngọn núi phủ băng tuyết, các thác nước và suối nước nóng tuyệt đẹp - thung lũng "Rồng Vàng" Hoàng Long là một điểm đến không chỉ thu hút các nhiếp ảnh gia trên thế giới mà còn hấp dẫn rất nhiều du khách đến với du lịch Trung Quốc hàng năm.

Cảnh đẹp nhất ở khu thắng cảnh Hoàng Long là bãi nham thạch nằm dưới khe núi với những hồ nước đầy màu sắc và hệ sinh thái rừng già đa dạng. Các hồ này chảy xuống gần như kiểu ruộng bậc thang. Với cảnh quan kỳ vĩ, ngoạn mục và hệ sinh thái đa dạng, thung lũng Hoàng Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992.
 


Theo ngoisao


kỳ quan thiên nhiên phong cảnh đẹp

Tin tức mới nhất