Mới đây, thông tin Lê Dương Bảo Lâm thi trượt lần thứ 14 bằng lái xe ô tô thu hút sự quan tâm của nhiều người. Câu chuyện này cũng trở thành đề tài khiến anh bị nhiều đồng nghiệp và khán giả trêu ghẹo.

Thế nhưng từ chuyện tếu táo trượt bằng lái xe của Lê Dương Bảo Lâm thì một số người đã "soi" lại việc nam diễn viên từng nhiều lần chia sẻ hình ảnh anh tự lái xe ô tô.

Cụ thể vào thời điểm đầu tháng 9/2020, hai vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm và Quỳnh Anh có livestream về hành trình đi đẻ con thứ 2 của mình.


Clip Lê Dương Bảo Lâm lái xe chở vợ đi đẻ

Không những thế, Lê Dương Bảo Lâm cũng nhiều lần quay video tự lái xe đi giao hàng, hoặc vừa lái xe vừa quay video rất thuần thục.

14 lần thi trượt vẫn thường xuyên lái xe, Lê Dương Bảo Lâm có bị xử phạt?-1

Nếu sự việc Lê Dương Bảo Lâm thi bằng lái ôtô vào ngày 30/3 là thật, nam diễn viên này đã vi phạm Điều 58 Luật giao thông đường bộ về việc người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với xe được phép điều khiển.

Nếu không có giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện sẽ bị CSGT xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Trường hợp người điều khiển không phải chủ phương tiện, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì phạt cả chủ phương tiện về hành vi “Giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe phù hợp điều khiển xe tham gia giao thông” với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.

Nhiều cư dân mạng cũng đặt ra thắc mắc, Lê Dương Bảo Lâm có bị phạt nguội hay không khi bản thân anh là người có ảnh hưởng đến công chúng.

Căn cứ khoản 11 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt được quy định như sau: "Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này".

Trong khi đó, tại Điều 74 Nghị định này, CSGT được phân thẩm quyền xử phạt hành chính đối với rất nhiều lỗi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Như vậy, CSGT được quyền sử dụng thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông.

Cùng với đó, khoản 1 Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA đã nêu rõ thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn sau:

Thứ nhất, ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ).

Thứ hai, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Theo đó, hình ảnh, video về hành vi vi phạm được đăng tải trên mạng xã hội sẽ được CSGT sử dụng để xác minh và xử lý vi phạm.

Căn cứ khoản 5 Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA, sau khi tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, tình tiết xác định vi phạm hành chính, CSGT sẽ xử lý như sau:

- Thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có vi phạm: Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả: Chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;

- Thông tin, hình ảnh cung cấp mà không có vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định vi phạm: Kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.

Đối chiếu với quy định trên, CSGT hoàn toàn có quyền sử dụng những hình ảnh video được đăng tải trên mạng xã hội để xử phạt hành vi vi phạm. Việc xử phạt sẽ được diễn ra sau khi CSGT xác minh, làm rõ hình ảnh trong video và xác định có hành vi vi phạm.

Theo Người Đưa Tin